Bé 33 tháng tuổi sỏi thận ứa nước 2 bên, bác sĩ nói nguyên nhân đến từ gia đình

02/01/2025 17:45 PM | Sức khỏe

Bệnh nhi được gia đình đưa tới khám trong tình trạng sỏi thận lớn, ứa nước. Nếu không can thiệp, trẻ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ.

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học, Bệnh viện E, cho biết mới đây, khoa đã can thiệp cho một trường hợp trẻ nhỏ 33 tháng tuổi có sỏi thận hai bên đã có biến chứng.

Bệnh nhi được gia đình đưa tới khám trong tình trạng sỏi thận hai bên đã ứa nước. Kích thước sỏi thận khá to, trẻ có kèm theo đau.

Gia đình bệnh nhi cho biết cách đây 1 năm, trẻ đã phát hiện có sỏi thận hai bên. Tuy nhiên, thời điểm đó trẻ còn nhỏ, bệnh viện tuyến dưới chỉ định theo dõi.

Thời gian gần đây, trẻ đau tăng, gia đình đã đọc được thông tin Bệnh viện E trước đó đã tán sỏi thành công cho một trường hợp bé 27 tháng tuổi. Sau khi cân nhắc, gia đình đã tới Bệnh viện E với mong muốn các bác sĩ có thể tán sỏi cho cháu.

Theo bác sĩ Liên, với trẻ 33 tháng tuổi, tán sỏi là một thử thách lớn do trẻ còn nhỏ, có nhiều yếu tố nguy cơ cần cân nhắc. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã quyết định tán sỏi nội soi qua da cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh sau cuộc mổ.

Bé 33 tháng tuổi sỏi thận ứa nước 2 bên, bác sĩ nói nguyên nhân đến từ gia đình- Ảnh 1.

Hình ảnh chụp sỏi thận của bệnh nhi (ảnh N.M).

Bác sĩ Liên cho biết: “Một bài toán khó với ca bệnh này lại xuất hiện khi trẻ có sỏi cả hai bên, cho nên ekip đã cân nhắc vấn đề tán một bên hay cả hai bên. Nếu tán từng bên sẽ phải gây mê nhiều lần, điều này không tốt cho trẻ. Trường hợp tán hai bên cùng lúc sẽ có nguy cơ bị chảy máu cao. Sau khi, phân tích tỉ mỉ từng yếu tố nguy cơ, vị trí sỏi, ekip đã quyết định tán sỏi hai bên cùng lúc”.

Kết quả sau 12 tiếng tán sỏi, trẻ đã xuống giường đi lại được. Sức khỏe của trẻ đã ổn và có thể ra viện trong một vài ngày tới.

Nguyên nhân gây sỏi thận sớm ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Liên nhận định trường hợp sỏi thận hai bên của bệnh nhi này có liên quan tới yếu tố gia đình. Bệnh nhi có ông và bố từng phải tán sỏi.

“Hiện tại, chúng tôi đang đưa sỏi của bệnh nhi phân tích thành phần, nếu có yếu tố di truyền sẽ cho làm gen. Tuy nhiên, khả năng cao là do yếu tố di truyền”, bác sĩ Liên cho hay.

Ngoài ra, sỏi thận ở trẻ nhỏ còn đến từ thói quen ăn uống vệ sinh kém. Chế độ ăn thiếu canxi cũng làm hình thành sỏi. Bệnh lý bẩm sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi thận nên cần chẩn đoán điều trị sớm để không làm mất giai đoạn vàng.

Theo vị chuyên gia, nếu sỏi có liên quan tới vấn đề di truyền, bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp ăn uống phù hợp, tránh các chất lắng đọng gây hình thành sỏi.

Với trường hợp bệnh nhi 33 tháng tuổi kể trên, nếu không được can thiệp tán sỏi sớm sẽ gây đau, chán ăn, gầy sút cân, đái máu, đái mủ theo thời gian sẽ gây ra suy thận. Thời điểm bệnh nhi tới bệnh viện đã có đau, đài bể thận giãn.

“Trong năm 2025, bệnh viện E sẽ đầu tư trang thiết bị về nhi khoa. Các phẫu thuật tán sỏi cho trẻ em sẽ được triển khai thường quy”, bác sĩ Liên thông tin thêm.


Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM