Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến "khô máu" ở Thượng viện ngày 3/11

03/11/2020 08:30 AM | Xã hội

Mười ghế của Đảng Cộng hòa đang gặp nguy hiểm trong khi đảng Dân chủ chỉ cần lo bảo vệ 2 ghế.

Ngoài chiếc ghế Tổng thống trong Nhà Trắng thì ngày 03 tháng 11 tới đây cũng là ngày quyết định số phận của 35 trong số 100 ghế tại Thượng viện. Cuộc đua này luôn căng thẳng hơn bao giờ hết. Đảng nào kiểm soát Thượng viện thì đảng đó sẽ có quyền không chỉ thông qua hay bác bỏ các dự luật của Hạ viện chuyển lên mà còn có quyền kiểm soát cao nhất trong việc phê chuẩn thẩm phán liên bang, bao gồm các thẩm phán của Toà Tối cao; các vị trí chính trị do Tổng thống bổ nhiệm; và các hiệp ước. Phe đa số ở Thượng viện cũng có quyền ngăn chặn hoặc trì hoãn hầu hết các dự luật của quốc hội.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 1.

Từ năm 2012 đến nay, đảng Cộng hoà giữ quyền kiểm soát Thượng viện với 53 ghế. Đảng Dân chủ giữ 47 ghế. Vì Tổng thống Donald Trump là đảng viên của đảng Cộng hoà, cộng với việc đảng Cộng hoà nắm đa số tại Thương viện nên quyền lực của đảng Cộng hoà rất lớn.

Đảng Dân chủ cần phải giành được quyền kiểm soát Thượng viện nếu họ muốn có quyền lực chính trị. Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay và đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua tại Thượng viện, đảng Dân chủ có thể ngăn chặn hầu hết mọi kế hoạch, chính sách của Tổng thống. Nếu ông Joe Biden thắng và đảng Dân chủ giành được Thượng viện, họ có thể làm bất cứ điều gì mình thích, bao gồm cả việc chuyển đổi toàn diện chính phủ và nền kinh tế, đưa nước Mỹ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 2.

Ngược lại, nếu đảng Cộng hòa nắm quyền tại Thượng viện và ông Trump thắng cử, chính phủ sẽ tiếp tục vận hành như hiện tại. Nếu ông Biden thắng, nhưng đảng Cộng hòa vẫn giữ được Thượng viện, ông Biden sẽ không thể đưa nước Mỹ đi theo bất cứ đường lối nào mà ông muốn.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ, những người đã bỏ phiếu bầu ông Trump cũng bỏ phiếu bầu một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa. Đây là lý do tại sao đảng Cộng hòa có thể duy trì quyền kiểm soát Thượng viện trong nhiệm kỳ này.

Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Thượng viện vào năm 2012 khi ông Barack Obama vẫn còn là Tổng thống. Kết quả là, chương trình cải tổ toàn diện của ông Obama bị đình trệ do vấp phải sự phản đối của các thành viên Cộng hòa ở Thượng viện.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 3.

Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm nay, 35 ghế sẽ được bầu lại, trong đó có 23 ghế thuộc đảng Cộng hoà và 12 ghế thuộc đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ chỉ cần giành được thêm 3 hoặc 4 ghế nữa là họ sẽ kiểm soát Thượng viện. Mười ghế của Đảng Cộng hòa đang gặp nguy hiểm trong khi đảng Dân chủ chỉ cần lo bảo vệ 2 ghế.

538 Think Tank (Viện nghiên cứu chính sách) đã chạy 40.000 mô phỏng trên máy tính để xác định tỷ lệ chiến thắng tại Thượng viện của hai đảng. Cơ hội chiến thắng của đảng Cộng hòa là 29%, đảng Dân chủ là 71%.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 4.

Có 5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đang thực sự gặp khó khăn trong cuộc đua, 3 trong số họ đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng.

Ẩn số chính là " hiệu ứng coattail " mà ông Trump có thể tạo ra cho cuộc đua vào Thượng viện của đảng Cộng hoà. Nếu ông Trump tiếp tục tiến sát nút ông Biden trong các cuộc thăm dò thì ông có thể kéo được các Thượng nghị sỹ của phe mình ra khỏi khó khăn hiện tại. Nếu ông chấp chới thì các nghị sỹ Cộng hoà cũng sẽ chấp chới theo. (Hiệu ứng "coattail" là một thuật ngữ trong chính trị Mỹ để mô tả tác động của một ứng cử viên giữ ưu thế nổi trội trong cuộc vận động tranh cử và nắm chắc phần thắng trong tay – nhiều người khác sẽ muốn "nắm vào đuôi áo" của người mạnh để dành thêm phiếu bầu của cử tri.)

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả cuộc đua này. Nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, số phận của các thượng nghị sĩ Cộng hòa có thể được cứu vãn. Vấn đề ở cuộc bầu cử lần này là tại thời điểm này, hơn một nửa số người Mỹ đã đi bầu.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 5.

Cuộc bầu cử năm 2016, khi ông Trump lần đầu tham gia chính trường, đã thay đổi đáng kể cục diện chính trị vào năm 2020, tương tự như tình hình đại dịch Covid-19.

Các đảng viên Dân chủ không chấp nhận thực tế là ông Donald Trump đã đánh bại bà Hillary Clinton vào năm 2016. Kết quả là, ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức, phe Dân chủ đã làm mọi cách để tuyên bố ông Trump là Tổng thống không hợp pháp, ngăn cản các hoạt động quản trị của ông và tìm cách phế truất ông. Cùng lúc, ông Trump tiến hành cản trở phe Dân chủ ở mọi góc độ bằng cách ban hành nhiều chính sách làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tuý và bảo thủ ủng hộ ông.

Đại dịch nổ ra tại Mỹ vào tháng 2 năm 2020 thì ngay lập tức phe Dân chủ tập hợp lực lượng tấn công vào việc ông Trump đã xử lý đại dịch yếu kém dẫn đến suy thoái kinh tế sau đó.

Phe Dân chủ tập trung nguồn lực, đổ hàng tỷ USD vào chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, bao gồm các Thượng nghị sỹ đang gấp rút trong cuộc đua vào Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một lãnh đạo trong Thượng viện Cộng hòa và là nhân vật quan trọng trong hệ thống chính trị Mỹ, bất ngờ rơi vào tình huống đối mặt với một đối thủ của phe Dân chủ là người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ và xuất thân là một nhà vận động hành lang chính trị. Ông Graham bị bỏ xa trong các cuộc thăm dò. Ông đã huy động được 27 triệu USD để tài trợ cho chiến dịch của mình, nhưng đối thủ của ông là Jaime Harrison huy động được 100 triệu USD. Đảng Dân chủ đã huy động các nhà tài trợ bao gồm cả các tỷ phú và các nhà tài trợ nhỏ đầu tư vào chiến dịch này nhằm đánh bại ông Graham. Ông vốn luôn là cái gai trong mắt phe Dân chủ.

Đảng Dân chủ cũng nhắm mục tiêu vào một số thành viên dễ tổn thương của phe Cộng hòa với số tiền huy động được từ các nguồn bên ngoài. Đảng Cộng hoà có lẽ không thể huy động đủ tiền cần có để bảo vệ ghế của mình.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 6.

Một thành viên khác có thể trở thành nạn nhân của phe Dân chủ là Thượng nghị sỹ Susan Collins. Bà được đặt biệt danh RINO (Republican In Name Only – Người chỉ mang danh Cộng hoà). Bà luôn thích là người phá hoại ưu thế sát sao của đảng Cộng hoà bằng cách một mình ngăn chặn các dự luật của Thượng viện hoặc bỏ phiếu cùng với phe Dân chủ để chống lại Cộng hoà. Trong kỳ bầu cử này, phe Cộng hoà không bận tâm đến việc hỗ trợ bà ở cuộc đua tại tiểu bang Maine, bởi trong mắt những người Cộng hoà, chiếc ghế bà Collins đang giữ hoàn toàn vô dụng. Chính vì vậy, bà bị tụt rất xa trong các cuộc thăm dò và có nhiều khả năng thất bại.

Các đảng viên Cộng hòa khác đang gặp nguy hiểm vì họ khá yếu so với những đối thủ Dân chủ. Đảng Dân chủ dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 7.

Đây có lẽ là cuộc bầu cử kỳ lạ nhất từ trước đến nay trong chính trường Mỹ, có ảnh hưởng quyết định đến cuộc bầu cử Thượng viện.

Sự thay đổi hoàn toàn của các ứng cử viên hai đảng đã phá bỏ tính ổn định thường trực trong các cuộc bầu cử. Những nghị sỹ có thâm niên không còn an toàn. Những người không có kinh nghiệm trong khu vực công vẫn có thể thắng cử. Số lượng ứng cử viên cực đoan hoặc phi truyền thống đang dẫn trước trong cuộc đua cũng là một mối đe doạ đến sự ổn định của hệ thống.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến khô máu ở Thượng viện ngày 3/11  - Ảnh 8.

Dòng tiền khổng lồ, hiện đã lên tới 11 tỷ USD cho các khoản đóng góp vào chiến dịch, phần nhiều là từ những cá nhân bên ngoài hệ thống chính trị và những khoản "tiền đen" không tiết lộ tên người tài trợ và không tiết lộ kế hoạch chi tiêu bao nhiêu cho mục đích gì đã làm méo mó cả kẻ thắng - người thua trong hệ thống. Giới siêu sao Hollywood, các ông lớn công nghệ và các tỷ phú đang tích cực gây ảnh hưởng đến bầu cử.

Báo chí dường như không còn bận tâm đến uy tín – công khai ủng hộ một số ứng cử viên nhất định, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vốn là là lãnh địa thiêng liêng được giữ gìn.

Và cuối cùng, việc đảng Dân chủ thúc đẩy thay đổi hệ thống bầu cử chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tháng 11 - bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu muộn, bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu không cần xuất trình giấy tờ tùy thân - có thể sẽ khiến tính hợp pháp của kết quả bầu cử bị bao phủ dưới lớp mây đen.

Thật kinh khủng!

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý

Cùng chuyên mục
XEM