Bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào tới giới công nghệ?

30/10/2020 15:31 PM | Công nghệ

Trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang nóng dần, các ông lớn công nghệ lại ngày càng bị dư luận soi chiếu nhiều hơn.

Đêm qua (29/10) theo giờ Việt Nam, lại một lần nữa các ông lớn công nghệ Facebook , Twitter và Alphabet - công ty mẹ của Google - phải ngồi vào ghế nóng điều trần trước Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ.

Nhóm FAANG (gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google) vốn không xa lạ gì với các phiên điều trần soi xét. Tuy nhiên, trong 1 tháng trở lại đây, càng ngày dư luận càng soi chiếu nhiều hơn vào hoạt động của các công ty công nghệ đa quốc gia này. Cùng với đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cũng đang nóng dần lên. Thị trường đã có những phân tích về bầu cử Mỹ , chuyện ông Trump hay ông Biden - ai đắc cử thì sẽ có lợi hơn cho thung lũng Silicon.

Bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào tới giới công nghệ? - Ảnh 1.

Các ông lớn công nghệ dường như đã không xa lạ gì với các phiên điều trần soi xét

Quan điểm của đảng Dân chủ về những gã khổng lồ công nghệ

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nếu dựa vào những con số trên bảng thăm dò toàn quốc, có thể thấy phần thắng nghiêng về đảng Dân chủ - đảng mà ông Joe Biden đang là ứng cử viên đại diện. Vậy những chính trị gia nổi bật của đảng Dân chủ có quan điểm thế nào về các công ty công nghệ khổng lồ?

Bà Elizabeth Warren cho rằng nên phá vỡ và chia nhỏ các công ty công nghệ lớn. Trong khi đó, ông Bernie Sanders chỉ trích chính sách trả lương, bóc công nhân của Amazon. Ứng cử viên Phó Tổng thống, bà Kamala Harris, lại muốn các công ty công nghệ phải thừa nhận quyền lợi của những lao động hợp đồng.

Cuối cùng, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử của mình đã cam kết sẽ áp một mức thuế liên bang tối thiểu lên những công ty công nghệ này. Nếu ông Biden đắc cử và thực hiện những cam kết tranh cử, rất có thể những người khổng lồ công nghệ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ 6 đến 10% so với hiện tại.

Chủ tịch Quỹ đầu tư Tusk, ông Bradley Tusk, cho rằng: "Thị trường có một ấn tượng là Quốc hội rất thụ động và yếu ớt, trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lại quá thông minh và họ sẽ tự thoát được rắc rối. Tôi cho rằng đây là một lầm tưởng. Chắc chắn từ năm sau, chúng ta sẽ thấy những đề xuất siết chặt quản lý đối với các ông lớn công nghệ được dấy lên nhiều hơn và có tác động mạnh hơn trong Chính phủ. Các tập đoàn công nghệ nên bắt đầu cảm thấy lo lắng".

Liên tiếp các cáo buộc nhắm tới các ông lớn công nghệ

Cũng không cần chờ tới năm sau, ngay đầu tháng này, một báo cáo dài hơn 400 trang đã được Hạ viện Mỹ tung ra, trong đó có những cáo buộc mạnh mẽ và gay gắt liên quan tới tình trạng thao túng và độc quyền của các ông lớn công nghệ. Và Uỷ ban Thương mại Liên bang cũng được cho là đang sắp kiện Facebook với lý do tương tự.

Còn riêng phiên điều trần trực tuyến tối qua lại liên quan tới điều luật 230 - điều luật bảo vệ các công ty Internet của Mỹ, giúp họ không phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người dùng đăng tải. Nếu điều luật 230 bị dỡ bỏ, mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ sẽ phải trải qua một đợt tái cấu trúc triệt để hoặc có thể sẽ bị tiêu diệt.

Bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào tới giới công nghệ? - Ảnh 2.

CEO của Alphabet, Twitter và Facebook điều trần trước Thượng viện Mỹ

Nếu để ý một chút, có thể thấy các đợt điều trần hay báo cáo vừa qua đều vắng một cái tên, đó chính là Microsoft. "Anh cả" của thung lũng Silicon có vẻ đã khéo léo trong trò chơi chính trị khi từ sớm đã có những động thái mềm dẻo với cả 2 đảng. Kể từ khi ông Trump nhậm chức năm 2017, cổ phiếu của Microsoft đã tăng gấp 3 lần giá trị. Công ty cũng đã thắng được một hợp đồng trị giá 10 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ và quan trọng hơn là "né" được rất nhiều đợt chỉ trích nhắm vào thung lũng Silicon.

VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM