Bật mí thương vụ bà chủ Vietjet thâu tóm Furama Resort Danang

31/05/2016 15:31 PM | Kinh doanh

Không chỉ nổi đình đám với việc gây dựng VietjetAir thành hãng hàng không danh tiếng chiếm tới 36% thị phần chỉ trong một thời gian ngắn và mới đây còn ký hợp đồng 11,3 tỷ USD để mua 100 máy bay Boeing nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn ghi dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, thâu tóm khu nghỉ dưỡng Furama Resort Danang là thương vụ không kém phần mạo hiểm của chủ tịch Sovico Holdings.

Chỉ trong thời gian gần đây bà Nguyễn Thị Phương Thảo mới được biết đến nhiều hơn với tư cách là bà chủ Furama Resort Danang. Nhưng giới đầu tư thì không lạ gì bà Thảo, và họ càng nể bản lĩnh của bà chủ Tập đoàn Sovico Holdings khi trở thành nữ doanh nhân Việt đầu tiên đủ tiềm lực và bản lĩnh thâu tóm dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao từ tay đối tác ngoại.

Vào thời điểm trước khi Furama Resort Danang được sang tay cho chủ đầu tư Việt Nam, hầu như không có người Việt nào sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Tất cả các khách sạn 5 sao từ Bắc chí Nam, bất kể là Sofitel Metropole, Melia ở Hà Nội hay Caravelle, New World ở TP. Hồ Chí Minh đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vai trò của đối tác Việt Nam trong những liên doanh khách sạn này chỉ đơn thuần góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẵn có, còn tất cả vốn xây dựng cũng như vận hành đều do đối tác nước ngoài chi phối.

Furama Resort Danang cũng không phải là ngoại lệ. Dự án khu nghỉ dưỡng này được cấp phép năm 1994 cho Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An – một liên doanh giữa Tập đoàn Lai Sun Development đến từ Hong Kong và Công ty Du lịch Đà Nẵng. Đại diện cho phía nước ngoài là 2 công ty con của Lai Sun Development, bao gồm Furama International Hoteliers và Best City Finance, và chiếm tới 75% cổ phần trong liên doanh.

Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng và trở thành khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên và chính thức đưa Việt Nam lên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng biển sang trọng trên thế giới. Năm 2005, tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong những bãi biển sang trọng nhất hành tinh cũng nhờ có … Furama Resort Danang.

Tuy nhiên, do kinh doanh tại Hồng Kông thua lỗ hàng trăm triệu đô la, nên Lai Sun Development buộc phải bán Furama Resort Danang để tránh nguy cơ phá sản.

Nếu bây giờ rao bán Furama Resort Danang thì nhà đầu tư sẽ tranh nhau mua, nhưng ở thời điểm trước 2005, tìm đối tác đủ tiềm lực tài chính, và đủ dũng cảm để mua một dự án lớn như vậy không dễ. Lúc đó, Đà Nẵng cũng mới xuất hiện trên bản đồ du lịch quốc tế, lượng du khách nước ngoài chưa nhiều. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị bầm dập bởi hậu quả dai dẳng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nên cũng không còn đủ lực để mua.

Vì thế, suốt mấy năm liền rao bán nhưng khả năng tìm được đối tác mua lại cổ phần của Lai Sun Development hầu như vô vọng.

Đúng lúc đó, sau khi kinh doanh thành công tại Nga, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã quyết định quay về Việt Nam đầu tư. Nhận thấy Furama Resort Danang là cơ hội hiếm có để nhanh chóng khai thác thị trường du lịch nghỉ dưỡng đầy tiềm năng, bà Thảo đã nhanh chóng tiếp cận đàm phán mua lại cổ phần của Lai Sun Development. Đến cuối năm 2005, thương vụ đi đến hồi kết. Sovico Corporation do bà Thảo sáng lập đã mua lại toàn bộ vốn góp của Furama International Hoteliers và Best City Finance, và trở thành chủ sở hữu Furama Resort Danang.

Nhìn lại, không ít người trong giới đầu tư nể phục bản lĩnh và tầm nhìn của bà Thảo trong thương vụ này. Ở tuổi 35, Chủ tịch Sovico đã trở thành người Việt đầu tiên “dám” thâu tóm cả dự án của Tây và cũng là người Việt đầu tiên sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao thương hiệu quốc tế. Nhưng không nhiều người biết rằng, thương vụ này là một “món hời” của Sovico mà rất nhiều nhà đầu tư giờ đây tiếc nuối vì không mua lúc đó.

Tại thời điểm rao bán, mặc dù kinh doanh ở Hồng Kông thua lỗ nhưng Lai Sun Development rất “rắn” trong đàm phán giá bán Furama Resort Danang. Nhưng bà Thảo cũng “rắn” không kém, bởi bà biết rằng không có nhiều nhà đầu tư đủ tiềm lực cũng như dám mạo hiểm mua lại một dự án ở một địa điểm du lịch còn mới. Cuối cùng, qua đấu thầu công khai, Lai Sun Development chấp nhận chốt giá bán lại Furama Resort Danang cho Sovico ở mức 16,8 triệu USD. Tính ra, Lai Sun Development chịu lỗ gần 1,26 triệu USD từ thương vụ này.

Sau khi chuyển về tay Sovico, Furama Resort Danang càng ngày càng kinh doanh hiệu quả. Công suất phòng luôn ở mức cao, bình quân khoảng 70%/năm, và trở thành đơn vị du lịch đóng góp doanh thu và ngân sách lớn nhất Đà Nẵng trong một thời gian dài. Chất lượng dịch vụ cũng được duy trì ở tiêu chuẩn 5 sao như được Tây quản lý, cơ sở vật chất liên tục được nâng cấp. Tiếp nối thành công của Furama Resort Danang, Sovico tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng 108 căn biệt thự Furama Villas, đồng thời đang triển khai xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế và khu căn hộ nghỉ dưỡng khách sạn về phía Nam của khu nghỉ dưỡng.

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đang bùng nổ khắp nơi và trở thành ngành kinh doanh đầy tiềm năng. Và chính thương vụ thâu tóm Furama Resort Danang đã cho thấy bản lĩnh cũng như tầm nhìn xa của nữ doanh nhân có thể trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Gần một thập kỷ sau khi thương vụ thâu tóm Furama Resort Danang hoàn tất, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay, đồng thời, triển khai xây dựng thêm khu nghỉ dưỡng mới tại Cam Ranh và Phú Quốc.

Theo Giang Sơn

Cùng chuyên mục
XEM