Bão Mặt trời khổng lồ tạo nên một kỳ quan thiên văn khắp nước Mỹ và châu Âu ngay trong hôm nay
Một hiện tượng vốn thường chỉ xuất hiện ở Bắc Cực và các vùng lân cận, nay lại có ở nhiều nơi xa hơn rất nhiều về phía Nam.
CNN đưa tin, một trận bão Mặt trời khổng lồ đã bùng nổ vào hôm 28/10, và sẽ chạm đến Trái đất trong hôm nay (30/10). Nó sẽ tạo nên một trận bão từ trường cỡ lớn - giống như những đợt bão Mặt trời khác. Nhưng điều quan trọng hơn, nó tạo ra một hiện tượng thú vị vốn thường chỉ xảy ra ở Bắc Cực và các khu vực lân cận, thì nay xuất hiện khắp nước Mỹ và châu Âu. Đó là cực quang.
Dành cho những ai chưa biết, cực quang là một hiện tượng quang học hiếm gặp, hình thành do bức xạ từ và tạo nên những vệt sáng nhiều màu sắc trên bầu trời.
Cực quang
Theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ), trận bão Mặt trời chạm đến Trái đất lần này có độ mạnh nằm ở mức G3. Đây là thang đo độ mạnh của bão từ trường, có 5 mức từ G1 (cỡ nhỏ) đến G5 (mức cực mạnh).
NOAA cảnh báo, cơn bão Mặt trời lần này có thể gây ra bất thường về điện áp và báo động giả trên một số thiết bị an ninh. Sóng vô tuyến cao tần có thể mất tín hiệu khi cơn bão dần tiến đến hành tinh của chúng ta. Nhưng đổi lại, nó tạo ra cực quang, có thể quan sát được ở nhiều khu vực tại Mỹ và châu Âu.
Mô phỏng bão Mặt trời
Các chuyên gia từ ĐH Alaska (Mỹ) xác định, cực quang ở Mỹ có thể quan sát được từ Portland, (Oregon) cho đến New York. Thậm chí, các thành phố ở xa về phía nam như Carson, Nevada, Oklahoma, Raleigh (North Carolina) cũng có thể quan sát được.
Còn tại châu Âu thì dựa trên điều kiện thời tiết, các nước như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan chắc chắn sẽ nhìn thấy hiện tượng này. Nhưng thậm chí cả Scotland, TP St. Petersburg (Nga), rồi Dublin, Ireland, TP Hamburg (Đức) cũng có thể quan sát được, dù cách rất xa vùng cực về phía nam.
Nguồn: CNN