Báo động đỏ từ LHQ: Còn 4 năm ngắn ngủi để cứu nguy hàng tỷ người trên Trái Đất!

11/08/2021 19:54 PM | Xã hội

243 nhà khoa học quốc tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn đến toàn thế giới.

CHƯA BAO GIỜ HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO VỂ CUỘC KHỦNG HOẢNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LẠI GIÓNG LÊN CHÓI TAI ĐẾN THẾ...

Cứ vài năm một lần, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) - cơ quan khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc - lại đưa ra một báo cáo quan trọng về tình trạng khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Nhận định về bản báo cáo được viết nên bởi 243 nhà khoa học khắp thế giới mà IPCC công bố ngày 9/8/2021 vừa qua, Tổng thư ký LHQ António Guterres lo ngại: "Những hồi chuông báo động đang vang lên chói tai, và bằng chứng là không thể chối cãi: Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang làm nghẹt thở hành tinh của chúng ta; khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm ngay lập tức!".

Ông gọi bản báo cáo ngày 9/8 này là " mã màu đỏ cho nhân loại " (Code Red for humanity).

Trong bản báo cáo của IPCC năm 2014 nhấn mạnh rằng: Nhân loại buộc phải hành động nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu để đến năm 2025, nhiệt độ bề mặt Trái Đất được kìm giữ ở mức 1,5 độ C. Và làm sao để lượng khí thải toàn cầu chỉ được đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm nhanh về 0 trong các năm tiếp theo.

Thời điểm đó (năm 2014) đến năm 2025, chúng ta có 11 năm để hành động. Nhưng thời điểm này (2021), chúng ta chỉ còn 4 năm để cứu nguy hàng tỷ người có nguy cơ bị tác động mạnh vì biến đổi khí hậu.

4 năm để kìm giữ nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C và 4 năm để chỉ được phép thải lượng khí nhà kính ở mức đỉnh cho phép - không được vượt ngưỡng!

4 NĂM - 5 KỊCH BẢN

Liệu chúng ta có kịp hành động? Giáo sư Chính trị Quốc tế Matthew Paterson thuộc Đại học Manchester (Anh) sau khi đọc báo cáo của IPCC đã đề xuất những việc chúng ta nên làm như sau:

Báo cáo ngày 9/8 của IPCC đưa ra 5 kịch bản khác nhau về khí thải có thể xảy ra trong những thập kỷ tới, với các "tương lai khí hậu" khác nhau gắn liền với chúng. Ở đây, Giáo sư Matthew Paterson chỉ nêu 1 kịch bản lạc quan nhất, với ý nghĩa là thế giới phải tuân theo kịch bản này trước khi quá muộn:

Kịch bản lạc quan nhất: Lượng khí thải giảm nhanh nhất có thể, mang lại cho chúng ta không nhiều hơn 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trong kịch bản này, cả thế giới phải hạn chế tổng lượng phát thải khí nhà kính theo thời gian ở mức tương đương khoảng 500 gigatonnes carbon dioxide (CO2).

[1 gigatonne bằng 1.000.000.000 tấn; Con số này tương đương với 5,5 triệu con cá voi xanh; 3 triệu máy bay phản lực Boeing 747; 2 triệu Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS); 20.000 tàu Titanic RMS]

Hiện trạng:

Trong khi đó, báo cáo IPCC cho thấy hiện tại, thế giới thải ra khoảng 40 gigatonnes khí nhà kính mỗi năm (và đang có xu hướng tăng lên).

Vì vậy, nếu thế giới muốn đạt mức không phát thải vào năm 2050, thì trong mỗi năm cho đến thời điểm đó (4 năm, từ 2021 đến 2025), lượng khí thải trung bình không được cao hơn 40% lượng khí thải của năm 2021.

Giải pháp:

Về lý thuyết, để phát thải đạt đỉnh và sau đó bắt đầu có xu hướng giảm, thì cần có một số thay đổi lớn có thể được thực hiện trong các lĩnh vực như điện, xây dựng và giao thông, nơi có nhiều khí thải và nơi có sẵn các giải pháp thay thế, bao gồm:

- Một lệnh cấm đối với cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới. Không có nhà máy nhiệt điện than mới, không có hoạt động khai thác dầu khí mới và không có sân bay nào được mở rộng. Về bản chất, thế giới có thể đồng ý một hiệp ước không phổ biến 'vũ khí' hóa thạch.

 Báo động đỏ từ LHQ: Còn 4 năm ngắn ngủi để cứu nguy hàng tỷ người trên Trái Đất! - Ảnh 1.

Giới trẻ yêu cầu các quốc gia hành động mạnh mẽ để bảo vệ tương lai. Ảnh: Mockcop.org

- Các nhà máy than hiện tại có thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thủy triều.

- Những cải tiến triệt để có thể được thực hiện trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả của các tòa nhà.

- Giao thông mặt đất có thể được khử carbon bằng cách chuyển sang xe điện (ô tô, xe tải, xe buýt, xe lửa) và từ ô tô sang xe đạp, đi bộ và giao thông công cộng.

Giáo sư Matthew Paterson nhận định, về mặt kỹ thuật, có thể đạt được tất cả những điều này trong 10 năm. Nhưng có những trở ngại đáng kể về (cơ bản là) chính trị.

BẤT BÌNH ĐẲNG TOÀN CẦU VỀ KHÍ THẢI

Năm 2019, tờ Los Angeles Times của Mỹ bình luận: Mặc dù các quốc gia giàu có nhất, phát triển nhất trên thế giới đều phải chịu trách nhiệm về thảm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng họ không phải là những người sẽ phải gánh chịu nhiều nhất. Vậy bạn đoán ai sẽ hứng chịu? - Câu trả lời: Đó là những quốc gia nghèo nhất thế giới!

Trong hơn một thế kỷ qua, những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất về tổng thể cũng như bình quân đầu người là các quốc gia phát triển lớn, đáng chú ý nhất là Mỹ và các quốc gia châu Âu, những quốc gia phát triển kinh tế bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch và thải ra khí carbon từ nhà máy, nhà cửa và ô tô của họ.

Ngày nay, họ vẫn thải carbon và các khí nhà kính khác, và các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ 'đã bắt kịp' tốc độ phát thải khủng khiếp đó.

Dù rằng, các quốc gia giàu có đó sẽ phải lãnh hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng các quốc gia nghèo hơn, nhạy cảm hơn lại phải oằn mình chịu đựng hậu quả từ việc họ không gây ra.

Đơn cử, Bangladesh - nằm ở vùng trũng, vốn đã bị tấn công bởi các cơn lốc xoáy ngày càng mạnh, có thể mất 10% lãnh thổ vào đại dương trong vòng vài thập kỷ tới (do mực nước biển dâng), khiến 18 triệu người phải di tản.

Bất ổn chính trị và bạo lực, một phần bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mùa màng kém, đã khiến hàng triệu người ở châu Phi cận Sahara và Trung Mỹ phải rời bỏ nhà cửa.

 Báo động đỏ từ LHQ: Còn 4 năm ngắn ngủi để cứu nguy hàng tỷ người trên Trái Đất! - Ảnh 2.

Hạn hán, lũ lụt, nắng nóng, bão triền miên... là những hệ quả của biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu. Ảnh: America Magazine

Khi các nhà khoa học liên tục lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu thì các công ty nhiên liệu hóa thạch tiếp tục đấu tranh để ngăn chặn các hành động đe dọa lợi nhuận của họ.

Họ có đủ sự ủng hộ ở đủ quốc gia - như Úc, Ba Lan, Nga và Ả Rập Xê-út - và đủ các quốc gia có lợi ích trái ngược nhau - Canada, Hà Lan, Mỹ và Na Uy - để đình chỉ hành động trong một loạt các diễn đàn, như mới nhất là Hội nghị thượng đỉnh G20.

Ngay cả ở những quốc gia có chính sách khí hậu tương đối mạnh mẽ, thì sức mạnh của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn khác nhau, như ở việc Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ dầu khí ở Biển Bắc.

Bất bình đẳng toàn cầu về lượng khí thải tiếp tục là một vấn đề quan trọng cần giải quyết. Giảm phát khí thải trên toàn cầu đồng nghĩa với việc hạn chế tăng trưởng phát thải ở Trung Quốc và các quốc gia khác, trong đó ở Mỹ, Anh và Đức - các nước này cần giảm nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Dưới góc độ chính trị, đây là điều tế nhị và phức tạp.

Và tất nhiên, trong khi đó, thế giới vẫn bị phân tâm bởi các cuộc khủng hoảng khác. Rõ ràng nhất trong số đó là đại dịch Covid-19. Covid-19 đã làm gián đoạn hành động khí hậu ở hầu hết các quốc gia, trì hoãn các công bố chính sách mới, khiến các quốc gia tập trung nỗ lực vào cả khắc phục đại dịch lẫn phục hồi kinh tế.

COP26 & 4 'CON ÁT CHỦ BÀI'

Báo cáo IPCC sẽ được sử dụng trong các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (được gọi là COP26), được tổ chức tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) từ ngày 31/10 đến ngày 12/11/2021.

Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ gắn kết các bên lại với nhau để thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Điều đáng nói là, các bằng chứng đến nay cho thấy, nền kinh tế thế giới đang phục hồi theo hướng tăng trưởng carbon cao. Và nếu có quá nhiều điều ngăn cản việc đưa lượng khí thải giảm xuống, thì thế giới có thể mong đợi điều gì từ cuộc họp COP26 kéo dài 2 tuần này?

Trong bối cảnh hiện nay, COP26 là địa điểm quan trọng để đàm phán về sự bất bình đẳng toàn cầu về phát thải khí nhà kính [khi các nước phát triển thải khí nhà kính nhiều hơn các nước nghèo hoặc đang phát triển - đổi lại, các nước ít phát thải hơn lại phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu lớn hơn].

Hy vọng COP26 có thể tìm ra giải pháp công bằng, chẳng hạn như cách các nước giàu hơn nên đền bù cho những nước nghèo hơn vì họ phải gánh chịu gánh nặng của một cuộc khủng hoảng khí hậu mà phần lớn không phải do họ tạo ra.

 Báo động đỏ từ LHQ: Còn 4 năm ngắn ngủi để cứu nguy hàng tỷ người trên Trái Đất! - Ảnh 3.

Một bé gái ngồi trên thuyền của mình tại một cái ao khô cạn vì bị hạn hán ở Bak Angrout, tỉnh Kandal (Campuchia) vào ngày 13/5/2016. Ảnh: Reuters

Những vấn đề như vậy đã ảnh hưởng đến tiến trình khí hậu của Liên Hợp Quốc kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 1991. Đây là nơi các chính phủ quốc gia phải đưa ra các cam kết mới, được gọi là những đóng góp do quốc gia quyết định, để đáp ứng mục tiêu chung về giới hạn nhiệt độ toàn cầu do Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đề xuất.

Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng của COP26 chính là có được sự đồng thuận của các quốc gia trong việc đạt được 4 mục tiêu trọng yếu của COP26, gồm:

1. Giữ nhiệt độ Trái Đất nóng 1,5 độ C & Lượng khí phát thải trở về 0

Để làm được điều này, cần:

- Đẩy nhanh quá trình loại bỏ sử dụng than đá.

- Hạn chế nạn phá rừng.

- Tăng tốc độ chuyển sang xe điện.

- Khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

2. Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên

Cần:

- Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái.

- Xây dựng hệ thống phòng thủ, cảnh báo, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm tạo sinh kế và đảm bảo sức khỏe con người.

3. Huy động tài chính

- Để đạt được 2 mục tiêu đầu, các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD trong mỗi năm tài chính cho khí hậu thuộc Quỹ Khí hậu Xanh để hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng, 78,9 tỷ đô la tài chính cho khí hậu đã được huy động vào năm 2018. Điều này phải bao gồm việc xây dựng các thị trường mới để thích ứng và giảm thiểu, đồng thời cải thiện số lượng, chất lượng và khả năng tiếp cận tài chính để hỗ trợ các cộng đồng trên toàn thế giới hành động với biến đổi khí hậu.

Vương quốc Anh đang tăng gấp đôi cam kết Tài chính Khí hậu Quốc tế để giúp các quốc gia đang phát triển với 11,6 tỷ bảng Anh trong 5 năm tới cho đến năm 2025/2026.

- Các tổ chức tài chính quốc tế phải thực hiện quyết liệt vai trò của mình; cả thế giới cần nỗ lực hướng tới đóng góp hàng nghìn tỷ USD tài chính cho khu vực công và tư nhân cần thiết để đảm bảo lượng khí thải carbon giảm xuống về 0 trong các năm tiếp theo (từ năm 2025).

- Chúng ta cần chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn và thích ứng hơn với khí hậu.

4. Đoàn kết cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu

Chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách thức của khủng hoảng khí hậu bằng cách làm việc cùng nhau.

Tại COP26, chúng ta phải:

- Hoàn thiện Thỏa thuận Paris

- Đẩy nhanh hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Bài viết sử dụng nguồn: UK COP26.Org, Los Angeles Times, Sciencealert

Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM