Bảng giá HoSE "đứng hình" trở lại khi lực bán tăng vọt trong phiên 10/1

10/01/2022 16:40 PM | Kinh doanh

Cổ phiếu FLC giao dịch đột biến, lập kỷ lục trên HOSE với gần 135 triệu cổ phiếu khớp lệnh, chiếm gần 10% lượng cổ phiếu khớp lệnh trên HOSE hôm nay.

Khoảng 14h10' ngày 10/1 xuất hiện hiện tượng bảng điện đơ, các cổ phiếu sàn HOSE thị giá đứng im không nhảy số trong khi các cổ phiếu sàn HNX, UpCoM vẫn giao dịch bình thường.

Bảng hiển thị giá của từng cổ phiếu bị đơ nhưng chỉ số VN30 và VN-Index vẫn biến động. Điều này đẩy nhà đầu tư vào hiện tượng mua bán tù mù, không biết thị giá cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu.

"Tôi vẫn đặt bán được SBT chỉ là không biết khớp giá nào thôi, bảng điện bị đơ số đứng im", chị Bảo Hân, một nhà đầu tư chia sẻ.

Hiện tượng xảy ra khiến nhà đầu tư rất bất ngờ, hoang mang đổ cổ phiếu ra bán mạnh cuối phiên khiến cho VN-Index giảm sâu cuối phiên. Nhà đầu tư vẫn mua bán bất chấp bảng điện đơ nghẽn, giá một đằng khớp một nẻo.

Như vậy sau hơn 6 tháng tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết thì nay hiện tượng này mới chính thức lặp lại.

Khi bảng điện đơ, HOSE khớp lệnh khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu, giá trị thanh khoản khoảng 35.000 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh này không phải kỷ lục của HOSE nhưng lại xuất hiện hiện tượng đơ nghẽn rất sớm. Kỷ lục thanh khoản của HOSE ở mức 44.000 tỷ đồng và hoàn toàn không đơ nghẽn. Có thể phiên 10/1, một số cổ phiếu thị giá nhỏ và vừa có khối lượng khớp lệnh đột biến, khiến cho số lượng lệnh tăng đột biến dẫn đến hiện tượng đơ lệnh sớm. Trong khi năng lực của HOSE hiện tại chỉ đáp ứng được 2,5 triệu lệnh/phiên.

Chẳng hạn các cổ phiếu "họ" FLC hôm nay có thanh khoản tăng rất mạnh: FLC thanh khoản 135 triệu cổ phiếu, giá giảm 6,2% xuống còn 21.150 đồng. Đây là mức giao dịch kỷ lục của một cổ phiếu trên HOSE thông qua khớp lệnh. Trong khi đó ROS đã giảm sàn với thanh khoản gần 51 triệu đơn vị.

Tại buổi lễ đánh cồng năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán hiện nay, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở GDCK Việt Nam và Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh chủ động, có giải pháp đón đầu để hệ thống giao dịch của thị trường không bị xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, đảm bảo các điều kiện giao dịch tốt nhất cho nhà đầu tư.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã giao Sở GDCK Việt Nam chỉ đạo Sở GDCK TP HCM cũng như đã liên lạc với Chủ tịch FPT để triển khai gói thầu mở rộng. Chiến dịch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh sàn HoSE đã kịp thời giải quyết thành công vấn đề nghẽn lệnh, nâng giới hạn xử lý lệnh tăng lên 3 triệu lệnh. Hiện số lệnh giao dịch đã tăng lên 2,5 triệu lệnh.

Theo Bạch Huệ

Cùng chuyên mục
XEM