Bằng cấp có quan trọng không? Sếp Hoàng Nam Tiến nói một câu ‘chí mạng’ khiến Gen Z giật mình, còn người làm lâu năm gật gù tán thành

13/04/2023 09:10 AM | Sống

Liệu bằng cấp có quan trọng không là vấn đề gây tranh cãi muôn thuở.

Nhiều người coi trọng bằng đại học và cho rằng nó là một trong những văn bằng có giá trị nhất. Bằng đại học giúp chứng minh về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nào đó.

Để được làm việc ở vị trí mà bạn yêu thích, ngoài bằng đại học đúng chuyên ngành thì còn phải có kỹ năng và năng lực nghề nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành. Điều này cho thấy nhà tuyển dụng không quá quan trọng bằng đại học. 

Bên cạnh yêu cầu bằng đại học các chuyên ngành phù hợp với vị trí tuyển dụng, doanh nghiệp/công ty còn đưa ra các tiêu chí khác như: Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, công nghệ thông tin,… Chính vì thế, các bạn trẻ cần trang bị thật tốt để tiến vào thị trường việc làm thành công. Nhờ đó, bạn sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh và dễ dàng nắm được cơ hội việc làm hấp dẫn.

Trước câu hỏi bằng cấp có quan trọng hay không? Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom đã đưa ra quan điểm cá nhân.

Cụ thể, ông Tiến cho biết: "Nơi tôi đang làm việc có 29% cán bộ, chuyên gia, quản lý, giám đốc có trình độ Cao đẳng. Như vậy, bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của bạn và khả năng tự học đến đâu".

Ngay sau đó, những chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn FPT Telecom nhanh chóng gây tranh cãi. 

Liệu bằng cấp có quan trọng không? Sếp Hoàng Nam Tiến nói một câu chí mạng, ai nghe cũng gật gù  - Ảnh 2.

Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom

Giá trị thực sự của một người không nằm ở bằng cấp 

Có nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ: Họ tuyển 10 người có bằng đại học nhưng chỉ có 5-6 người thực sự làm được việc. Điều này cho thấy giá trị thực sự của việc học đại học không nằm ở bằng cấp

Đại học là môi trường lý tưởng để tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng. Bằng cấp chỉ là một kết quả đánh giá quá trình học tập của bạn, không thể chứng minh quá nhiều năng lực làm việc. 

Có rất nhiều người giỏi lý thuyết nhưng đến khi thực hành lại yếu kém. Nhà tuyển dụng cần những ứng viên thực sự có năng lực, hơn là những người chỉ giỏi lý thuyết suông. Có rất nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng trung bình nhưng lại rất thành công trong công việc. Và thậm chí có người không đi học đại học, chẳng có bằng cấp vẫn đứng trên đỉnh vinh quang. Họ nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng trong công ty nhờ thực lực của chính bản thân. 

"Nếu bạn là sinh viên năm 2 chẳng hạn, ngay lập tức bạn phải xin vào thực tập ở những công ty. Vì thế khi ra trường bạn sẽ có 2 năm kinh nghiệm, giống như các bạn đồng nghiệp, nhân viên của tôi. Từ năm học thứ nhất, thứ 2 họ đã đi làm tại FPT nên khi ra trường đã có 3-4 năm kinh nghiệm", sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Liệu bằng cấp có quan trọng không? Sếp Hoàng Nam Tiến nói một câu chí mạng, ai nghe cũng gật gù  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bằng cấp quan trọng bởi nó nói lên khả năng và nhận thức của mỗi người

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tranh cãi sở hữu bằng đại học vẫn là con đường ngắn nhất để tới thành công. 

Bằng cấp không quan trọng nhưng bằng cấp nói lên được khả năng và nhận thức của mỗi người. Trừ những trường hợp vì điều kiện cuộc sống mà người đó không được học. Không có bằng cấp nhưng họ có trí thông minh, nhanh nhạy và có trí ham học hỏi và hiểu biết nhiều thì những người đó sẽ là người giỏi.  

Còn với các trường hợp khác, những người có bằng đại học sẽ có kiến thức và trình độ tốt hơn người không có bằng đại học. Có thể người tuyển dụng không sử dụng chuyên môn của bằng đại học, không cần người có trình độ đại học để làm việc nhưng mà vẫn muốn người tốt nghiệp đại học.

Lý do bởi thời nay hàng năm các trường đại học tuyển sinh rất nhiều, một người có thể có nhiều cơ hội để vào học đại học, không học trường này thì học trường khác. Thế nên, số học sinh tốt nghiệp cấp 3 không trúng tuyển đại học chứng tỏ trình độ kém, nhận thức không tốt, tuyển dụng vào khó tiếp cận công việc và thiếu độ nhạy để làm việc.

Ngược lại, những người trúng tuyển đại học, có bằng cấp chứng tỏ họ có đầu óc thông minh, độ nhạy tốt hơn nên khi nhận vào, họ tiếp cận công việc sẽ nhanh hơn, có nhiều ý tưởng tốt. Kỳ thi đại học nghiêm túc giúp xã hội phần chọn được người tài, giúp các doanh nghiệp/công ty thuận tiện trong việc tuyển dụng.

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM