Bán sạch tài sản để đầu tư vào Bitcoin, đây là cách gia đình 5 người sống sót suốt 4 năm qua: Đi 40 nước, chỉ tiêu tiền số
Tại cửa khẩu Kapıkule nằm giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, Bitcoin không được chấp nhận khi đóng phí xin thị thực. Điều đó không khiến Taihuttus nản lòng.
Gia đình 5 thành viên người Hà Lan đậu chiếc xe của mình trên vành đai đường cao tốc. Họ tìm mọi cách để có thể thanh toán chi phí cho chuyến đi của mình bằng tiền số. Suốt 4 năm qua, gia đình này gắn chặt với Bitcoin. Sau khi bán mọi tài sản của mình, từ nhà cửa tới những bộ quần áo, để đầu tư vào tiền số, gia đình Taihuttus chưa có ý định dừng lại.
Xuống tiền từ giá 900 USD/coin, tài sản của gia đình Taihuttus hiện đã tăng mạnh sau khi đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới gần chạm 20.000 USD, đỉnh cao của mọi thời đại. Trải qua những thăng trầm trong vài năm qua, niềm tin của gia đình Taihuttus với tiền số chưa hề giảm. Khi nó vượt qua đỉnh của năm 2017, họ có lý do để tự hào về mình.
Tuy nhiên, tự hào có lẽ chưa đủ để mô tả. Có thể nói, Taihuttus đã cuồng tín với Bitcoin. Gia đình này thề rằng họ sẽ không trả tiền cho dịch vụ hay sản phẩm nào mà không thể thanh toán bằng Bitcoin. "Chúng tôi sẽ đợi cho đến khi tìm được một người sẵn sàng chấp nhận Bitcoin", Taihuttus, người chủ của gia đình 5 thành viên chia sẻ.
Sau khi nói về Bitcoin và giá trị của tiền điện tử với một người muốn nghe, họ cài ví Bitcoin vào điện thoại của người đó để có thể thực hiện trao đổi tiền mặt. Ở cửa khẩu giữa Bulgary và Thổ Nhĩ Kỳ, tiền mặt này được họ trả cho khoản phí xin thị thực bắt buộc. Điều này, dù không khiến các thành viên gia đình cảm thấy thoải mái, nhưng là việc làm không thể khác trong bối cảnh Bitcoin vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi.
Kể từ khi Taihuttus cuồng tín Bitcoin vào năm 2017, người đàn ông này cùng vợ và 3 con đã cùng nhau đi tới hơn 40 quốc gia mà không dùng tới tiền mặt. Việc tiền số trở nên phổ dụng hơn trong vài năm qua khiến các giao dịch của gia đình này dễ dàng hơn nhưng thực sự, họ đã phải sáng tạo rất nhiều để có thể tiếp tục hành trình kỳ lạ của mình.
Thông qua việc trao đổi, thương lượng, thẻ ghi nợ Bitcoin hay thuyết phục các nhà cung cấp chấp nhận tiền số, gia đình này đã cùng nhau đi qua phần lớn châu Âu, châu Á và châu Đại dương. Dẫu vậy, họ cũng chỉ thừa nhận chỉ có 2 nơi mà họ có thể thanh toán thoải mái bằng Bitcoin theo nghĩa đen là thủ đô Ljubljana của Slovenia và một ngôi làng nhỏ của Ý có tên Rovereto.
Ở Ljubljana, họ có thể trả các chi phí sửa xe hay mua vé xem phim bằng Bitcoin. ở Rovereto, họ có thể mua xe máy, trả thuế và cắt tóc bằng Bitcoin.
"Tôi luôn nói với mọi người rằng tôi sẽ không cắt tóc cho tới khi tôi tìm được một cửa hàng chấp nhận Bitcoin. Sau đó, tôi bước vào một cửa hàng và chủ ở đó chấp nhận Bitcoin. Tôi ngay lập tức nhận thấy mình cần phải cắt tóc", Taihuttus chia sẻ.
Đối với gia đình này, việc xuất hiện những nơi chấp nhận Bitcoin chính là dấu hiệu để đồng tiền số có thể được chấp nhận ở bất cứ đâu. Đặt niềm tin vào Bitcoin như một phương thức thanh toán hay thậm chí là tiền mặt ngang hàng, Taihuttus tin tiềm năng của tiền số sẽ có lớn hơn nữa trong tương lai.
Thực tế, khi Bitcoin gần chạm mốc 20.000 USD vào đầu tuần trước, nhiều nhà phân tích tin rằng nó còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Mike Novogratz, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Galaxy Digital, cho rằng cú tăng lần này của Bitcoin mới chỉ bắt đầu. Thậm chí, nó còn có thể tăng tới 60.000 USD trong năm tới.
Trong khi đó, Tom Fitzpatrick, người đứng đầu của CitiFXTechnicals, nói rằng các biểu đồ kỹ thuật cho thấy Bitcoin có thể đạt 318.000 USD vào tháng 12/2021. Với những dự đoán cao ngất trời này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn tích cóp Bitcoin thay vì tiêu nó. Thực tế, dù được kỳ vọng là một giải pháp thanh toán mới nhưng 95 số Bitcoin vẫn được lưu trữ trong ví.
Cú tăng năm 2020 ghi nhận sự tham gia của các tỷ phú và thập đoàn thay vì người dùng nhỏ lẻ như trong năm 2017. Với khách hàng lớn, Bitcoin được chuyển sang ngoại tuyến để tăng cường bảo mật. Điều này cũng khiến lượng Bitcoin được dùng để trao đổi ít đi. Thay vào đó, nó giống như một loại vàng số.
"Tôi nhận thấy sự quan tâm tới Bitcoin trong năm nay nhiều hơn so với năm 2017. Nó không còn là một từ thông dụng nữa mà ngày càng chứng tỏ đây là một tài sản hợp pháp của cả nhà đầu tư và tổ chức", Douglas Boneparth, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Bone Fide Wealth, nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang thắc mắc Bitcoin là tài sản hay tiền tệ. Khi được các công ty fintech lớn, chẳng hạn như PayPal, chấp nhận, nó rõ ràng là một loại tiền tệ. Tuy nhiên, người ta cũng cư xử với Bitcoin như vàng hoặc dầu mỏ. Giá trị của nó rất dễ biến động trong khi có một thị trường nơi người ta mua bán Bitcoin tương tự như các hàng hóa khác. Thậm chí, các nhà đầu tư có thể suy đoán về giá Bitcoin tương lai thông qua thị trường phái sinh. Thêm vào đó, năm 2015, Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai của Mỹ đã phân loại Bitcoin là hàng hóa ở thị trường này.
Dẫu vậy, Bitcoin phù hợp với cả 2 định nghĩa. Ngay cả Taihuttu, người dành cả nửa thập kỷ để tiêu Bitcoin như đồng tiền duy nhất, cũng tin rằng vai trò của nó về cơ bản sẽ thay đổi.
"Tôi tin rằng Bitcoin đang dần trở thành một tài sản giá trị. Chúng tôi coi Bitcoin như những thỏi vàng kỹ thuật số để lưu giữ giá trị và đôi khi, giá trị đó tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mang viên vàng đó vào cửa hàng để thanh toán", Taihuttu giải thích.