Bản kiểm điểm mẹ gửi con trai: "Con hãy sáng suốt để biết lúc nào nên bỏ cuộc chứ đừng ngoan cố như một con lừa!"
Khi có đủ tự tin với những giá trị của bản thân - thì con sẽ thấy quần áo, xe cộ, hay nhà cửa chỉ là những vật ngoài thân, chỉ phục vụ một số nhu cầu của con chứ không mảy may làm nên giá trị gì cho con hết.
Mới đây một "bản kiểm điểm" thú vị của một người mẹ gửi cho con trai trước ngưỡng cửa cuộc đời được truyền tải rộng rãi trên mạng. Đúng tính chất là một "bản kiểm điểm", người mẹ này đã thừa nhận những khuyết điểm của bản thân trong quãng đường nuôi dạy con, đồng thời gửi tới con những lời nhắn nhủ chân thành, sâu sắc. Với văn phong dí dỏm, vị phụ huynh này thể hiện là người có suy nghĩ vô cùng hiện đại, phóng khoáng. Ngẫm một chút, những trở trăn của người mẹ này, không chỉ Đúng với gia đình họ, mà các bậc phụ huynh khác khi đọc cũng sẽ thấy bóng dáng của mình trong đó...
Con yêu!
Mẹ đã suy nghĩ và viết ra bản kiểm điểm này - để con hiểu rõ mọi suy tư trong lòng mẹ, để tấm chân tình này như một gói nhỏ hành trang - mẹ trao trước khi con tự tin sải cánh vào đời.
Khuyết điểm thứ nhất: Mẹ đã để sự vụng về, non nớt kinh nghiệm và cả những định kiến sai lầm dẫn lối trong những năm đầu đời chăm sóc và nuôi dưỡng con.
Ví dụ như: Chế độ ăn "nấu chín ninh nhừ" toàn bộ rau củ quả - đã triệt tiêu hết nguồn sinh tố vitamins và phytochemical, các enzyme hỗ trợ tiêu hoá và làm biến chất các khoáng chất vô cùng quý giá giúp kiến tạo nên sức khoẻ.
Mẹ cũng đã quá ỷ lại vào đơn khám bác sĩ và thuốc tây trong việc trị bệnh cho con mà không lường được rằng điều đó sẽ dẫn lối cho việc lạm dụng kháng sinh, rồi đẩy con vào vòng luẩn quẩn: ho sốt, giảm cân, biếng ăn, ép ăn, cáu giận,…
Thật may là mẹ đã tự nhận ra, đã dành nhiều năm gần đây để học hỏi về dinh dưỡng và sức khoẻ, đã cố gắng dạy lại các kiến thức đó cho các con, đã cố gắng hết sức áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho cả gia đình mình để chuộc lại những sai lầm trong quá khứ.
Mẹ mong con sẽ luôn nhớ và đồng ý với mẹ rằng: SỨC KHOẺ là tài sản đầu tiên và quý giá nhất mà chúng ta có thể tự mình tạo ra cho chính bản thân mình, đó không phải là đặc ân của Tạo hoá, mà là sự lựa chọn của chính con trong từng miếng ăn ngụm uống.
Khuyết điểm thứ hai: Giống như nhiều bậc làm cha mẹ khác, cha mẹ đã luôn tâm niệm cố gắng dành cho con mọi thứ tốt đẹp nhất: Trường học tốt nhất, những chuyến nghỉ dưỡng ở resort sang trọng, những bộ quần áo và đồ chơi "xịn" nhất có thể.
Khi đó, mẹ không hề nhận ra rằng đứa con bé nhỏ của mình cần hơn hết là thời gian mà bố mẹ có thể chơi đùa cùng nó, trò chuyện với nó bằng tư duy và ngôn ngữ trẻ con, tự tay làm ra một món đồ chơi cho nó, hay chỉ đơn giản là ôm chặt nó vào lòng mà không cần nói gì hết cả.
Mẹ chỉ nhận ra những điều quan trọng đó nhờ thời gian, khi đã có nhiều trải nghiệm trong đời sống. Đôi khi mẹ vẫn mắc sai lầm, nhưng vẫn luôn cố gắng để thực sự trở thành BẠN THÂN của con, và có một điều quan trọng mà con cần biết: Mẹ cảm thấy thật hạnh phúc khi con có thể chia sẻ với mẹ rất nhiều những tâm tư thầm kín - điều mà trước đây mẹ đã không làm được với bà ngoại - mẹ của mẹ.
Khuyết điểm thứ ba: "Mong con nên người" là một trạng thái tâm lý mang tính phổ quát của các bậc cha mẹ trên đời. Từ "nên người’ ở đây mang ý nghĩa thành công, thành đạt và có lẽ khác biệt ít nhiều tuỳ vào các giá trị văn hoá, đạo đức, văn minh ở các xã hội khác nhau.
Trong ít nhiều ý niệm của mình, khi con còn bé xíu đi mẫu giáo, mẹ đã mong con được làm lớp trưởng, được là học sinh giỏi khi con bắt đầu vào lớp 1 và những năm phổ thông sau đó, và tới gần đây nhất là mong ước con sẽ vào học tại một trường đại học danh giá. Để làm chi?
Phần lớn là để mẹ có thể tự hào con mình giỏi giang hơn hay chí ít cũng không kém "con nhà người ta". Mẹ không phủ nhận những cảm giác như vậy đã từng tồn tại trong suy nghĩ của mẹ, trong cả những câu nói kiểu như "con nhìn bạn A,B,C mà xem",…
Nhưng rồi cuối cùng, mẹ cũng hiểu được rằng, ngược lại, con cũng có thể phán xét bố mẹ theo đúng cách như vậy, và mẹ thấy mình đã thật thiếu công bằng với con. Mẹ sẽ phải nhẫn nại và khiêm nhường thật nhiều hơn nữa - để TÔN TRỌNG và TRÂN QUÝ những giá trị riêng biệt của con, tài năng đặc biệt theo cách mà Đấng Tạo hoá dành tặng cho con, và nhiều giá trị khác mà không bao giờ mẹ được phép áp đặt lên con.
Nhưng cũng nhờ phạm phải những sai lầm đó mà giờ đây, mẹ đã có thể dạy các em của con rằng người đàn ông homeless vẫn ngồi gục đầu im lặng trước cửa tiệm tạp hoá đầu phố không hẳn đã đáng thương hơn người đàn ông luôn mặc vét có chiếc xe hơi rất sang trọng đỗ ở cửa văn phòng gần đó.
Họ đều có những giá trị riêng biệt, có nỗi buồn niềm vui chẳng giống nhau, và càng không thể khẳng định ai đáng ngưỡng mộ hơn ai, ai thành công và hạnh phúc hơn ai. Cuộc đời không cho ta quyền phán xét như vậy, chỉ cho phép ta - nếu có thể, lấy một đồng xu trong ví, nhẹ nhàng thả vào cái cốc đặt trước mặt người đàn ông trước cửa tiệm tạp hoá, và đừng bao giờ quên một lời nhỏ nhẹ chân thành: God bless you!
Và, mẹ có thêm vài món quà nhỏ - dù không hề mới mẻ, muốn dành tặng cho con
# Món quà 1: Mẹ hoàn toàn không có bất kì KỲ VỌNG nào đặt vào con hết! Từ nay, con hãy sống trọn vẹn từng giây phút cuộc đời của con, cho con, vì con - đừng mảy may suy nghĩ mẹ sẽ cảm thấy thế nào. Vì mẹ cũng bận rộn để sống cho trọn vẹn cuộc đời của riêng mẹ, chả có rảnh mà tham dự vào đời con đâu. Nhớ nhé!
# Món quà 2: Mẹ hoàn toàn không có nhu cầu cần con BÁO HIẾU, kiểu như tới thăm mẹ mỗi tháng một đôi lần, năm mới giáng sinh phải về nhà bố mẹ vui vẻ đoàn viên. Nếu thích, nếu thấy cần, con có thể VỀ NHÀ bất cứ lúc nào - cánh cửa sẽ luôn mở rộng đón con. Mẹ sẽ cố gắng để tự lo cho mình lúc tuổi già, sống vui vẻ an yên cho tới giây phút mỉm cười nhìn các con lần cuối.
# Món quà 3: Hãy tự mình viết tiếp những trang tự điển của cuộc đời con, nhớ đừng bỏ quên những điều chúng mình đã tranh luận và định nghĩa cùng nhau, như là:
- Làm việc thông minh tốt hơn là làm việc cần cù.
- Hãy sáng suốt để biết lúc nào nên bỏ cuộc chứ đừng ngoan cố như một con lừa.
- Trường học hay giáo viên giỏi không quan trọng bằng khát khao hiểu biết và khả năng tự học và học tập suốt đời của con.
- Các bác sĩ chỉ được dạy cách chữa bệnh là chính chứ ít được dạy về dinh dưỡng - cách phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu nhất. Trường học là nơi dạy các kỹ năng công việc để đào tạo nên những người làm công lành nghề chứ không hề dạy chúng ta những hiểu biết cơ bản về tài chính và trở nên tự do. Vì vậy, hãy tự học hỏi về dinh dưỡng phòng chữa bệnh tật, kiến thức tài chính cá nhân, cách lập trình tư duy để hạnh phúc,… và tất cả những gì con thấy thực sự hứng thú và cần thiết cho sự phát triển của bản thân mình.
- Sống đơn giản và hiệu quả bằng cách mua sắm đồ thật tốt, đắt cũng được, và nhớ luôn tự hỏi "mình MUỐN hay CẦN cái này". Hãy chỉ mua những thứ con CẦN chứ đừng mua những gì con muốn. Tiền bạc khó nhọc kiếm ra nên hãy sử dụng nó một cách thông minh- nếu con không muốn suốt đời khổ sở kiếm tiền rồi chỉ để tiêu đi.
- Hãy bồi đắp và tăng dần lên những tính từ để tạo nên giá trị của bản thân con: Khoẻ mạnh, vui vẻ, tử tế, lương thiện, chân thành, nhiệt huyết, sáng tạo,… không quan trọng mọi người xung quanh có công nhận hay không. Đừng quá để ý đến chuyện người khác nghĩ gì về con - mẹ không chắc có ai rảnh để làm việc đó thay cho con đâu. Khi con có đủ tự tin với những giá trị nêu trên - thì con sẽ thấy quần áo, xe cộ, hay nhà cửa chỉ là những vật ngoài thân, chỉ phục vụ một số nhu cầu của con chứ không mảy may làm nên giá trị gì cho con hết.
# Món quà 4: Hôm qua, mẹ con mình đã có một nửa ngày đi shopping, cắt tóc, ăn tối cùng nhau, và đặc biệt là trò chuyện về TÌNH YÊU. Cũng không phải là lần đầu tiên con tâm sự với mẹ về chủ đề này, nhưng hôm qua mẹ đã bất ngờ khi con mở lòng nhiều hơn, đã gật đầu và mỉm cười khi mẹ khẳng định: Tình yêu là tình cảm tự do và đẹp đẽ vô cùng, con không cần mảy may vướng bận với những giới hạn về tuổi tác, về xuất thân, về ngày sau có đến được với nhau hay không...
Mẹ là người tin vào nhân duyên, tin vào thuyết luân hồi, nên mẹ sẽ luôn khuyên con: Hãy cứ là chính con, hãy cứ để tình yêu trong lòng mình được tự do tung cánh, và hãy dũng cảm đón nhận mọi khả năng.
# Món quà cuối cùng: Mẹ đã, đang và sẽ mãi mãi YÊU CON!