Băn khoăn về đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng, từ ngày 1/8/2024 đến hết 31/1/2025. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp giảm phí trước bạ ô tô, nhưng việc này đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Doanh số vẫn giảm
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lý do Bộ Tài chính đưa ra là để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo đó, nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024 đến hết 31/1/2025. Nếu đề xuất được thông qua, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm 50% như 3 lần trước.
Ba lần trước đó, người mua ô tô đã được giảm 50% lệ phí trước bạ, gồm lần 1 là Nghị định số 70/2020 có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến 31/12/2020, lần 2 là Nghị định số 103/2022 có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022, lần 3 là Nghị định số 41/2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.
Ở lần thứ 4, khi Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Tài chính cho rằng, đầu năm nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng cao... làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Điều này khiến doanh số thị trường ô tô 3 tháng đầu năm sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, kết quả với lần thứ 3 giảm phí trước bạ từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023 cho thấy chính sách này không vực nổi thị trường ô tô vốn giảm mạnh về sức mua.
Bằng chứng là dù được hưởng lợi từ việc giảm 50% phí trước bạ nhưng quý IV/2023 Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - mã chứng khoán: VEA) ghi nhận doanh thu thuần hơn 71 tỷ đồng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước), do giá vốn hàng bán tăng 83% nên lợi nhuận gộp âm gần 126 tỷ đồng. Cả năm 2023, VEAM đạt hơn 3.842tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất (giảm 19%) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.297 tỷ đồng (giảm 18% so với năm 2022).
Tình hình cũng tương tự ở Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - mã chứng khoán: HAX) khi năm 2023, HAX đạt doanh thu hơn 3.981 tỷ đồng (chỉ thực hiện được 59% so với kết quả của năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37 tỷ đồng (chỉ bằng 15% so với thực hiện của năm 2022).
Rõ ràng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã không giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô tăng được doanh số và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Điều này không xứng đáng với sự hi sinh của ngân sách nhà nước, trong khi bao nhiêu lĩnh vực an sinh xã hội đang cần được ưu tiên.
Hiệu quả không cao
Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, trong xu thế hội nhập các nước đều giảm hoặc bỏ hoàn toàn thuế quan nhưng tăng hàng rào kỹ thuật hoặc hỗ trợ khác để bảo vệ ngành sản xuất ô tô. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách để giúp ô tô trong nước tránh bị cạnh tranh bởi thuế nhập khẩu giảm.
Việc giảm lệ phí trước bạ 50% được xem là biện pháp hỗ trợ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước . Tuy nhiên, hỗ trợ tốt là phải từ nội lực, nội địa hóa ngành ô tô tốt, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Biện pháp giảm 50% phí trước bạ nếu đưa ra trong giai đoạn bình thường thì hiệu quả sẽ rất tốt, còn hiện tại những ngành tiêu dùng chưa thiết yếu như ô tô vẫn đang còn đang trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp và người dân vẫn phải ưu tiên cho các chi phí khác.
“Việc giảm 50% phí trước bạ là tín hiệu tích cực cho thị trường ô tô nhưng sẽ không phát huy mạnh như kỳ vọng do tình hình kinh tế vẫn còn đang khó khăn”, ông Hiển nói.
Chưa kể, trong dự thảo nghị định, dù đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng Bộ Tài chính vẫn chia sẻ nhiều băn khoăn, trong đó có nỗi lo về tác động đối với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí hiện được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo Bộ Tài chính, trong 3 lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 2020-2023, các nước có lợi ích xuất khẩu ô tô vào Việt Nam đã phản ánh việc nước ta đối xử không công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu, vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này. Chính sách này cũng đã được Ban Thư ký WTO đề cập đến trong quá trình rà soát chính sách thương mại WTO lần hai của Việt Nam năm 2021.
Qua đánh giá tổng kết của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa có quốc gia nào khởi kiện đối với việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến nêu lên thực tế khi có thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua có tâm lý chờ đợi chính sách. Cần phải nói thêm rằng, ở những lần áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ trước đó, thị trường ô tô tăng tốt hơn vào thời điểm chính sách hỗ trợ này gần hết hiệu lực, sau khi hết thời gian ưu đãi thì thị trường ô tô lại rơi vào cảnh ảm đạm. Ngoài ra, việc giảm phí trước bạ được cho là đi ngược lại với lộ trình Netzero, hướng tới số phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.