Băn khoăn của Chủ tịch Tập đoàn BRG và lời giải đáp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Đâu là động lực chính để Việt Nam vừa phát triển nhanh, vừa phát triển bền vững trong 10 năm tới?"

13/09/2019 09:41 AM | Kinh doanh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đang dự thảo một chiến lược phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2020 - 2030 nhất định trên 7%, tức cao hơn cả giai đoạn 2010 - 2020.

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 với chủ đề "Vì một thập niên phát triển bền vững hơn", hướng đến cột mốc năm 2030.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng 1.000 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.

Trong phiên đối thoại, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân - bà Nguyễn Thị Nga là người đầu tiên gửi câu hỏi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

"Trong giai đoạn 2020 - 2030, quan điểm về phát triển nhanh và bền vững được đưa ra và được dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Nhưng điều này cũng có quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng nếu như chúng ta phát triển bền vững thì phải hy sinh mục tiêu phát triển nhanh. Lại có ý kiến cho rằng Việt Nam với điều kiện hiện nay hoàn toàn có cơ hội vừa phát triển nhanh vừa phát triển bền vững".

Băn khoăn của Chủ tịch Tập đoàn BRG và lời giải đáp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đâu là động lực chính để Việt Nam vừa phát triển nhanh, vừa phát triển bền vững trong 10 năm tới? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.

"Quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề này thế nào? Và đâu là động lực chính để VN vừa phát triển nhanh vừa phát triển bền vững trong thập niên 2020 - 2030?", bà Nga hỏi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng câu hỏi này nên gửi đến lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Nhưng với tư cách "người phát ngôn của Thủ tướng", ông Đam cho biết, bắt đầu từ giai đoạn Đổi Mới (1991 - 2000), Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 8,43%.

Nhiều người cho rằng lúc đầu xuất phát thấp thì tăng nhanh được, giờ thập niên thứ 4 nào dám đặt ra nhanh hơn? Logic đấy không phải không có lý, nhưng Việt Nam chắc chắn PHẢI phát triển nhanh hơn và CÓ THỂ phát triển nhanh hơn

10 năm tiếp theo (2000 - 2010), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình 7,26%.

Giai đoạn hiện nay (2010 - 2010), do khủng hoảng của 5 năm đầu tiên, tốc độ tăng trưởng giảm, ước lượng tăng trưởng GDP giai đoạn này đạt khoảng 6,4%.

"Câu hỏi rất nhiều người đặt ra là lúc đầu xuất phát thấp thì tăng nhanh được, giờ thập niên thứ 4 nào dám đặt ra nhanh hơn? Logic đấy không phải không có lý, vì khi phát triển với quy mô lớn thì tốc độ tăng trưởng càng khó. Các nước phát triển bây giờ, tốc độ tăng trưởng kinh tế 1 -2% là tốt lắm rồi".

"Nhưng Việt Nam chắc chắn PHẢI phát triển nhanh hơn và CÓ THỂ phát triển nhanh hơn. Và cũng là vế thứ hai bà Nga hỏi, bởi chúng ta vẫn còn không gian để phát triển. Rõ ràng ở cấp độ doanh nghiệp, qua ý kiến của các vị, còn nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp gặp phải mà chưa được tháo gỡ. Nếu chỉ tháo gỡ toàn bộ những vướng mắc ấy thì chắc chắn cũng đi nhanh hơn. Thứ nữa, nguồn lực trong dân còn rất lớn", Phó Thủ tướng cho biết.

Số doanh nghiệp tính theo số dân của Việt Nam hiện nay chỉ ở mức khoảng 60% so với trung bình ASEAN. Mục tiêu đạt tới 1 triệu doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra để Việt Nam có thể bằng mức trung bình ASEAN về tiêu chí này.

"Đi nhanh hơn có thể bền vững hay không? Câu hỏi này chính các doanh nghiệp phải góp phần trả lời"

"Tiềm lực trong dân còn rất lớn, nếu cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta có thể đi nhanh hơn. Còn đi nhanh hơn có thể bền vững hay không? Câu hỏi này chính các doanh nghiệp cũng phải góp phần trả lời".

Băn khoăn của Chủ tịch Tập đoàn BRG và lời giải đáp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đâu là động lực chính để Việt Nam vừa phát triển nhanh, vừa phát triển bền vững trong 10 năm tới? - Ảnh 3.

"Nếu nhìn vào 17 chỉ tiêu phát triển bền vững, chúng ta có thể trả lời được ngay. Nhanh hơn liệu có hòa bình và công lý hơn không? Chắc chắn có. Nhanh hơn có xóa đói tốt hơn? Chắc chắn có thể. Có xóa nghèo tốt hơn không? Học tập tốt hơn không? Có sức khỏe tốt hơn không? Có bình đẳng giới tốt hơn không? Các bạn nhìn 17 chỉ tiêu trên, cơ bản là có", ông Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, có một chỉ tiêu rất quan trọng nên đề cập đến là chỉ tiêu tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm.

"Chỉ tiêu này, các doanh nghiệp và người dân có làm được không? Có thể làm được quá chứ. Tại sao không? Tiêu chí cuối cùng là Quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển bền vững, vậy thì đối tác giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa Nhà nước với doanh nghiệp, với các hiệp hội, và đặc biệt giữa Việt Nam với quốc tế, nếu chúng ta tăng cường được thì chắc chắn là bền vững hơn được".

"Điều này có nghĩa nếu có giải pháp đúng thì Việt Nam đi nhanh hơn được và bền vững hơn được. Đấy cũng là mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới, một chiến lược đang dự thảo là nhất định tốc độ tăng trưởng phải trên 7%. Bây giờ chúng tôi chưa kết luận là bao nhiêu, nhưng chắc chắn mức đạt được phải trên 7%, tức cao hơn thập niên vừa rồi", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

"Tôi rất mừng thấy Thủ trưởng của tôi gật đầu", ông Đam quay sang nhìn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang gật đầu tán thành và cười nói: "Như vậy tức là tôi nói đúng".

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM