Bán cả đất đai và nhà máy để lao vào cuộc đua xe điện, "người đàn ông đi trước Elon Musk 20 năm" nhận lấy thất bại đau đớn, phá sản vì nợ nần
Cứ ngỡ sẽ là người đưa đế chế xe điện Trung Quốc sánh vai với các cường quốc, thế nhưng doanh nhân này lại nhận kết cục ê chề vì không gặp thời.
Ngày nay, khi nhắc đến ngành công nghiệp xe điện, nhiều người sẽ nghĩ đến hãng xe điện Tesla và tỷ phú Elon Musk. Tuy nhiên ít ai biết rằng trước Elon Musk gần 20 năm, ở Trung Quốc đã có một doanh nhân cũng đã từng chế tạo thành công ô tô điện. Thành công của ông vào thời điểm đó được xem là “bom tấn”, đi trước thời đại nhưng vì “không gặp thời” nên nhanh chóng lụi bại. Dẫy vậy mỗi khi nhắc về vị doanh nhân này, người Trung Quốc vẫn yêu quý gọi ông với cái tên: “Người đàn ông đi trước Elon Musk 20 năm”.
Doanh nhân với giấc mộng xe điện
Năm 1978, Diệp Văn Quý là ông chủ của một nhà máy cán nhôm ở quê nhà Ôn Châu, Chiết Giang. Vài năm sau đó, với sự nhạy bén và tài kinh doanh thiên bẩm, doanh nhân này đã mở rộng doanh nghiệp của mình sang các lĩnh vực khác và mở thêm 5 nhà máy. Trong đó, nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói, nhà máy sản xuất pin và nhà máy sản xuất nhạc cụ siêu nhỏ do ông thành lập nhanh chóng chiếm lĩnh thành công thị trường Ôn Châu. Đặc biệt, nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói do ông thành lập cũng phát hành cổ phiếu mệnh giá 1.000 NDT, trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong phát hành cổ phiếu tại Trung Quốc.
Năm 1987, Diệp Văn Quý đã có tài sản hàng chục triệu NDT, được chọn là một trong 100 doanh nhân nông dân xuất sắc của Trung Quốc đến Bắc Kinh để nhận giải thưởng. Tuy nhiên lúc đó, ông lại vắng mặt vì đang bận đầu tư vào một dự án lớn lao. Dự án này không chỉ mang tính bước ngoặt trong chặng đường kinh doanh của ông mà còn có tính bước ngoặt với ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô của Trung Quốc.
Theo Sohu, vào thời điểm đó, có 16 hãng xe ở trong nước nhưng không có thương hiệu nào của Trung Quốc nên Diệp Văn Quý tham vọng muốn tạo ra thương hiệu xe hơi riêng của nước mình. Tuy nhiên, vì cảm thấy rằng xe chạy xăng gây ô nhiễm môi trường nên ông chuyển hướng phát triển xe điện.
Vào đầu những năm 1988, ông bắt đầu dành hàng tháng để nghiên cứu các tài liệu liên quan, đồng thời tuyển dụng các chuyên gia trong các ngành như hàng không vũ trụ, đóng tàu và luyện kim để cùng làm việc tại Ôn Châu. Chỉ trong 6 tháng, Diệp Văn Quý và các cộng sự đã chế tạo ra chiếc ô tô điện đầu tiên. Chiếc xe điện này tên là Ye Feng, có thể chạy hơn 200km sau 8 giờ sạc và nhiều thông số nổi bật.
Sau đó, Diệp Văn Quý đến Hoa Kỳ để nghiên cứu thêm về xe điện thì phát hiện ra pin xe điện thuần túy có tuổi thọ pin ngắn và độ bền kém, do đó, sau khi trở về Trung Quốc, doanh nhân này đã điều chỉnh hướng nghiên cứu và phát triển từ pin chạy điện sang sử dụng kết hợp giữa động cơ điện và động cơ xăng. Để thực hiện được điều này, Diệp Văn Quý đã mua 25 mẫu đất ở Khu Phát triển Kinh tế Ôn Châu và mời các chuyên gia từ nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu cùng phát triển.
Vào tháng 4 năm 1990, chiếc Yefeng No. 2 hybrid đầu tiên ra đời. Một năm sau đó, tại Hội thảo Xe điện Trung Quốc tổ chức ở Thâm Quyến, chiếc xe hybrid này đã trở thành “bom tấn” được giới kỹ thuật Trung Quốc và quốc tế công nhận. Trong khi đó, Yefeng No. 1 cũng được 4 bộ và ủy ban quốc gia Trung Quốc chọn là sản phẩm mới cấp quốc gia, trở thành thành tựu nghiên cứu khoa học lớn đầu tiên của Ôn Châu trong 40 năm gần đây.
Giấc mơ dang dở
Với thành tựu này, Diệp Văn Quý càng tham vọng hơn nhưng cũng vì thế mà ông lần lượt bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Vào đầu năm 1992, một công ty Thâm Quyến đã lên kế hoạch đầu tư 50 triệu NDT (hơn 174 tỷ đồng) để bắt đầu hợp tác doanh nghiệp của ông nhưng cuối cùng thất bại vì vấn đề quyền sở hữu. Sau đó, Diệp Văn Quý cũng từ chối cơ hội hợp tác với một chuyên gia xe điện người Mỹ vì đối phương không chịu dán nhãn hiệu "Ye Feng" lên xe.
Sở dĩ, Diệp Văn Quý nhiều lần từ bỏ các cơ hội lớn vì ông cho rằng nếu không có các nhà đầu tư đó, kế hoạch của ông vẫn sẽ được chính quyền ủng hộ và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên lần này, Diệp Văn Quý đã sai và sai lầm này đã đẩy ông đến bờ vực phá sản.
Theo đó vào mùa thu năm 1994, để mẫu xe hybrid Ye Feng với tốc độ tối đa 109 km và phạm vi sạc 3 giờ cho phạm vi 200km ra đời, Diệp Văn Quý đã vay hơn 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng). Sau đó, để tiếp tục ước mơ chế tạo ô tô, ông còn phải đã bán nhà máy, bất động sản và đất đai để có tiền đầu tư vào nhà máy sản xuất ô tô. Tuy nhiên tất cả dường như vô ích khi thiếu thiên thời địa lợi.
Vào thời điểm mà ô tô chạy xăng vẫn còn là một mặt hàng xa xỉ đối với hầu hết người dân Trung Quốc, việc thay thế ô tô chạy xăng bằng ô tô điện được coi là một giấc mơ viển vông nên doanh thu mà Diệp Văn Quý thu về không đủ để tái sản xuất. Sau khi dốc toàn bộ tài sản hơn 40 triệu NDT (hơn 139 tỷ đồng) của mình vào đó, chuỗi vốn của Diệp Văn Quý cuối cùng đã bị phá vỡ hoàn toàn vào năm 1995. Ông miễn cưỡng nói lời tạm biệt với tất cả các kỹ thuật viên và giấc mơ chế tạo ô tô cũng tan thành mây khói.
Đến cuối cùng, người đàn ông này tiếc nuối nhận ra rằng sức mạnh của một người cũng không thể thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Phải đến năm 2001, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc mới chính thức xây dựng dự án đưa xe điện vào danh sách dự án lớn trong kế hoạch nghiên cứu và phát triển quốc gia.
Sau khi trả hết nợ, Diệp Văn Quý chỉ còn lại một nhà máy đóng gói và chấp nhận sống một cuộc sống bình thường. Theo Sohu, mặc dù giấc mơ chế tạo ô tô của ông phải kết thúc một cách đáng buồn nhưng ông vẫn là doanh nhân tiêu biểu của Ôn Châu những năm 1980.
Ngày nay, ngành công nghiệp xe điện đang phát triển mạnh mẽ và CEO của Tesla cũng nhờ đó mà trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Có thể nói, thời thế tạo nên anh hùng, nếu Diệp Văn Quý sinh ra ở thời đại ngày nay, có thể tương lai của ông sẽ khác biệt hẳn. Mặc dù doanh nhân Trung Quốc này thất bại trong cuộc đua xe điện nhưng tinh thần dám tiên phong, dám đi đầu của ông luôn khiến thế hệ sau phải ngả mũ thán phục và học hỏi.