Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm!

05/07/2023 07:50 AM | Kinh doanh

Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng như ký thay bên mua bảo hiểm, khai sai thông tin khách hàng, chậm bàn giao hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, ngoài thiếu cơ chế xử lý đại lý vi phạm, dường như doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bỏ ngỏ quyền lợi khách hàng.

Đại lý bảo hiểm dính nhiều sai phạm

Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife như vẽ thêm bức tranh về các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong kết luận thanh tra, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều phạm của đại lý bảo hiểm.

Các lỗi chung mà đại lý bảo hiểm của 4 DNBH gặp phải như: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; Chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Tại Sun Life Việt Nam, Bộ Tài chính phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định bán bảo hiểm. Trong đó, có 6 đại lý bảo hiểm để người khác ký thay bên mua bảo hiểm, ký thay bên mua bảo hiểm trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm lập qua ứng dụng SunSmart; ký thay bên mua bảo hiểm tại biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm... Có 11 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về bàn giao hợp đồng bảo hiểm. Có 9 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định gặp mặt khách hàng khi tư vấn, lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

“Người bán bảo hiểm, chuyên viên tư vấn bán bảo hiểm luôn phải chạy theo doanh số cùng với việc thưởng tiền dựa trên số hợp đồng ký kết thành công với khách hàng. Phải chăng vì khoản thưởng béo bở, với mong muốn thu lợi bất chính, đại lý bảo hiểm có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Chúng ta không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự nhưng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, bồi thường cho khách hàng”.

Luật sư Nguyễn Thành Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội)

“Có 36 đại lý bảo hiểm phát sinh khiếu nại từ khách hàng nhiều lần nhưng Sun Life chưa có hình thức xử lý. Có đại lý phát sinh nhiều khiếu nại nhưng do đại lý đã nghỉ việc nên công ty không thu thập thêm thông tin xử lý kỷ luật. Điều này chưa phù hợp quy định”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm! - Ảnh 1.

Bốn doanh nghiệp bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra. Ảnh: PV.

Ngoài sai phạm của đại lý, Prudential áp dụng yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Điều này dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tử kỳ. Số hợp đồng tính sai này chủ yếu tập trung vào sản phẩm Bảo Tín Hưng Gia khai thác qua Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam trong năm 2021. Điều này vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đối với MB Ageas, Bộ Tài chính cho biết, quy chế quản lý đại lý của công ty nhiều hạn chế. Có 31 đại lý bảo hiểm của MB Ageas chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Các lỗi vi phạm như: chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định trong sử dụng biên lai thu phí, chậm bàn giao hợp đồng bảo hiểm, để cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm…

Đối với BIDV Metlife, tại kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cho biết, phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về kê khai, hoàn thiện hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin tài liệu, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng.

Doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng

Sau khi chỉ ra sai phạm, Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc của 4 Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife rà soát, tăng cường quản lý việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Doanh nghiệp cần có quy trình, quy chế ngăn ngừa, phát hiện sớm vi phạm của đại lý bảo hiểm. Các quy trình, quy chế phải phân cấp, ủy quyền rõ ràng, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận. Khi tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, doanh nghiệp chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý”, Bộ Tài chính yêu cầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Thành Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, vi phạm của đại lý bảo hiểm như trong thông báo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính vi phạm khoản 3 Điều 22, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Trường hợp DNBH cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. DNBH phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).

“Người bán bảo hiểm, chuyên viên tư vấn bán bảo hiểm luôn phải chạy theo doanh số cùng với việc thưởng tiền dựa trên số hợp đồng ký kết thành công với khách hàng. Phải chăng vì khoản thưởng béo bở, với mong muốn thu lợi bất chính, đại lý bảo hiểm có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Chúng ta không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự nhưng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, bồi thường cho khách hàng”, Luật sư Trung nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, cơ quan chức năng phải xử lý theo mức độ vi phạm. “Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh vi phạm. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng áp dụng khung hình phạt để xử lý cụ thể, cảnh tỉnh, răn đe đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp sai phạm. Từ đó, giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mua bảo hiểm, lấy lại niềm tin của họ với thị trường bảo hiểm”, ông Long nói.

Ông Long cũng kiến nghị, thời gian tới, để không xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, cơ quan nhà nước cần giám sát, theo dõi hoạt động của DNBH nhằm sớm phát hiện hành vi sai phạm và ngăn chặn. “Thời gian tới, Bộ Tài chính cần đôn đốc, sát sao hơn trong việc giảm sát bảo hiểm”, ông Long nói.

Ngọc Linh

Từ khóa:  bảo hiểm
Cùng chuyên mục
XEM