Bamboo Capital và kế hoạch 3 năm đầy tham vọng: Mỗi năm doanh thu tăng lên xấp xỉ từ 1.000 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng, mục tiêu trở thành tập đoàn tầm cỡ thế giới
Với những tăng trưởng ấn tượng trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ 2 mảng bất động sản và năng lượng tái tạo, đồng Bamboo Capital mạnh dạn đặt ra những mục tiêu về doanh thu rất thách thức: tăng trưởng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm cho đến 2022.
Trong Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư 2019, để thuyết phục các nhà đầu tư tin vào một tương lai tươi sáng của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), ông Phạm Minh Tuấn – Thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc của doanh nghiệp này đã đưa ra một bảng kế hoạch về doanh thu – lợi nhuận hết sức bắt mắt.
"Theo dự đoán của tôi, doanh thu năm 2019 sẽ đạt kế hoạch 2.961 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tầm 312 tỷ đồng. Theo đà tăng trưởng như hiện tại, trong năm 2020, doanh thu của BCG có thể lên 5.288 tỷ đồng – lợi nhuận sau thuế hơn 681 tỷ đồng; năm 2021 và 2022 lần lượt sẽ là 6.720 tỷ đồng – 505,1 tỷ đồng và 7.601 tỷ đồng – 803 tỷ đồng.
Đến năm 2023, có thể doanh thu của chúng tôi sẽ chững lại, đạt 6.744 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế sẽ không giảm mà còn tăng nhệ lên 826,5 tỷ đồng", ông Phạm Minh Tuấn trình bày.
Theo đó, trong 3 năm tiếp theo, doanh thu của BCG mỗi năm sẽ tăng thêm từ 1.000 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng cho đến 2022, cộng theo lợi nhuận sẽ có vài năm tăng đột biến, ví dụ như năm 2020, lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi so với năm 2019, năm 2022 lợi nhuận sẽ tăng thêm 300 tỷ so với năm 2021.
"Cứ mỗi 3 tháng, chúng tôi sẽ ngồi lại cùng nhau để nhìn lại 1 lần, ngoài thay đổi - điều chỉnh danh mục đầu tư, chúng tôi cũng sẽ cập nhập lại bảng kế hoạch về doanh thu – lợi nhuận nói trên. Vì những biến động thị trường và chính sách, dù nhỏ nhất cũng sẽ khiến doanh thu thay đổi", vị Phó Giám đốc này nói thêm.
Vậy đâu là nguyên do khiến tập đoàn đầu tư tương đối non trẻ này có thể đưa ra bản kế hoạch đầy tham vọng như thế?
Những tăng trưởng vượt bậc trong năm 2019 chính là tiền đề để BCG mạnh dạng ‘phóng tay’
Trong lịch sử của BCG, chưa năm nào tình hình đầu tư – kinh doanh của họ thuận lợi như trong năm 2019. Những tưởng, mục tiêu điên rồ 2.961 tỷ đồng doanh thu, 312 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế -tăng lần lượt 166% - 265% so với năm 2018, là bất khả thi, nhưng họ đã làm được. Theo tiết lộ của Ban lãnh đạo BCG, cho tới thời điểm hiện tại, doanh thu của họ đã chạm gần tới con số nói trên, nên kết năm nó có thể nhỉnh hơn 1 chút so với kế hoạch đề ra.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận của BCG đến năm 2023.
Sở dĩ, BCG có thể hoàn thành kế hoạch là nhờ những dự án đầu tư bất động sản lẫn năng lượng tái tạo của họ đang mang về những kết quả rất khả quan. 2 dự án mà họ đã mở bán trong năm nay là King Crown Village (Quận 2, TP.HCM) Radisson Blu Hội An đều đã được bán hết hàng; King Crown Village đã mang về cho họ 802 tỷ đồng, còn Radisson Blu Hội An mang về 3.295 tỷ đồng.
"Với 2 dự án nói trên, chúng tôi chỉ còn ngồi đợi thu tiền từ khách hàng và tìm cách quản lý chi phí xây dựng – vận hành chặt chẽ hơn là ổn", ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc của BCG cho biết.
Còn với mảng năng lượng tái tạo, do tỷ lệ vốn vay ở những dự án điện mặt trời đầu tiên tại Long An khá lớn, khiến họ chưa thể ngay lập tức có lời; nhưng tin mừng là họ có thể bán hết các công suất của các nhà máy chứ không chỉ bán 50% như các nhà máy điện mặt trời khác tại Ninh Thuận – Bình Thuận.
"Do các đường đấu nối ở Ninh Thuận và Bình Thuận chỉ có công suất khoảng 4.000MW trong khi 2 tỉnh này cấp phép đầu tư tổng cộng tới 9.000MW, thế nên các nhà máy điện mặt trời tại 2 tỉnh này chỉ được bán cho nhà nước 50% công suất. Tuy nhiên, theo tôi, tới năm 2020, Nhà nước sẽ giải quyết được vấn đề này và sẽ mua hết 100% công suất của các nhà máy tại khu vực này.
Tại Long An không hề xảy ra tình trạng quá tải nói trên và các nhà máy đã đóng điện của chúng tôi vẫn bán hết 100% công suất", ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Bamboo Capital tiết lộ.
Doanh thu những năm tiếp theo của BCG vẫn dựa vào 2 mảng chính là bất động sản và năng lượng tái tạo
Theo chia sẻ từ BCG, doanh thu trong năm 2020 của họ sẽ tiếp tục đến từ 2 dự án King Crown Village, Radisson Blu Hội An cùng dự án Alila Residence & Resort với 90 biệt thự và condotel cùng khách sạn 1.500 phòng, đã khởi công xây dựng từ đầu năm 2019. Theo kế hoạch, dự án này sẽ mở bán vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.
Nguồn thu thứ hai sẽ đến từ 2 dự án điện mặt trời mới nhất là CME Long An 1 và Gaia. Mỗi năm, CME Long An 1 sẽ mang về cho Bamboo Capital 180 tỷ đồng còn Gaia sẽ mang về 290 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng điện mặt trời mái nhà, với thời gian thi công rất ngắn từ 6 tuần đến 8 tuần là mảng kinh doanh mà BCG sẽ đẩy mạnh trong năm 2020. BCG đã huy động được khoảng 5 triệu USD vào mảng điện mặt trời áp mái từ nhà đầu tư NTVE JSC của Nhật Bản và một vài nhà đầu tư khác.
Ban Giám đốc của BCG đang trả lời chất vấn của các nhà đầu tư.
"Với mảng kinh doanh năng lượng tái tạo đầy tiềm năng này, BCG đang cố kêu gọi các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đến hợp tác nhằm hạn chế vay ngân hàng càng nhiều càng tốt. Chiến lược của chúng tôi là sẽ ‘đứng trên vai người khổng lồ’, để hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn toàn cầu", ông Nguyễn Hồ Nam không ngừng ngại chia sẻ ước mơ của mình.
Hiện tại, BCG đang nắm được khá nhiều dự án bất động sản và quỹ đất tốt. Đầu tiên là dự án Pegas – khách sạn 38 tầng, mà họ mua lại tại Nha Trang đang trong quá trình hoàn tất pháp lý và sẽ nhanh chóng được ra mắt thị trường trong tương lai ngắn. Họ cũng mua được vài mảnh đất có vị thế tốt tại Bảo Lộc và Đà Lạt ở tỉnh Lâm Đồng, để phát triển các khu đô thị mới trong tương lai. Bên cạnh đó, BCG còn có một khu đất rộng 6,3ha ở Hiệp Bình Chánh, là nền tảng để họ triển khai các dự án bất động sản từ năm 2021 đến 2023.
Về mảng năng lượng tái tạo, dự án điện mặt trời Sunflower có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng đang chờ Chính phủ phê duyệt bổ sung, dự án Redsun có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng được đầu tư trong 20 năm, dự án ở Bến Tre có công suất 100MW, dự án tại Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng…
Hiện tại, họ đã bắt đầu huy động vốn để đổ vào 2 dự án tốn cực kỳ nhiều tiền trong tương lai: nhà máy điện khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) với tổng mức đầu tư lên đến 70.000 tỷ đồng, có quy mô 500ha, tổng công suất 2.800MW tại Cần Đước – Long An; Thành phố Thông minh Bình Đức với tổng đầu tư 37.000 tỷ đồng, quy mô 390ha thuộc xã Bình Đức – Bến Lức – Long An.