Bãi rác Đa Phước lại bị tố bốc mùi, "Vua rác" David Dương nói: Bị ném đá giấu tay nhằm thâu tóm giá rẻ

23/07/2020 10:30 AM | Kinh doanh

Tháng 7 này có vẻ nhiều vấn đề rắc rối hơn xảy ra với "Vua rác" David Dương khi bãi rác Đa Phước lại bị phản ánh bốc mùi hôi thối. Đồng thời, dự án rác tại Long An đứng trước thông tin bị thu hồi đất để chuyển đổi mục đích.

Những ngày gần đây, như đến hẹn lại lên, khi mùa mưa đến, bãi rác Đa Phước lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với thông tin về mùi hôi bị người dân tại Phú Mỹ Hưng phản ánh.

Bãi rác Đa Phước – tên đầy đủ là Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) có các dự án xử lý chất thải đang hoạt động gồm Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình.

Bãi rác lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh từng bị phản ánh rất nhiều lần về mùi hôi. Đặc biệt, năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra VWS theo đơn tố cáo của các công dân.

Tuy nhiên lần này, ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) bất ngờ lên tiếng trên Facebook cá nhân với nội dung:

"Công ty (Tàu) Malaysia này thông qua nhóm PMH (Phú Mỹ Hưng – PV) đánh phá công ty VWS, và từng muốn nuốt trọn công ty VWS với giá rẻ nhưng không thành.

Muốn thâu tóm giá rẻ cho rằng VWS gây ra mùi hôi và bị một số dân PMH phản ảnh (Trò chơi ném đá dấu tay)".

Bãi rác Đa Phước lại bị tố bốc mùi, Vua rác David Dương nói: Bị ném đá giấu tay nhằm thâu tóm giá rẻ - Ảnh 1.

David Dương là ai và VWS có gì để đối mặt với nguy cơ "thâu tóm giá rẻ", khiến cho một vị Chủ tịch lại phát biểu trên FB như vậy?

Vua rác vùng Oakland và San Jose

Ông David Dương có tên tiếng Việt là Dương Tử Trung, thường được báo chí gọi là "Vua rác".

Đến Mỹ vào những năm 1970 và bắt đầu sự nghiệp với rác vào năm 1991, gia đình ông Dương thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS).

Công ty này gần như độc chiếm hoạt động thu thập rác tái chế ở Oakland và San Jose nhờ chiến lược "luôn làm việc với giới chính trị gia để mọi thứ đi đúng hướng"- như ông Dương chia sẻ trên báo chí.

Tư duy đó bắt nguồn từ năm 1992, ngay sau khi CWS ra đời, gia đình ông Dương gặp cơ hội lớn khi thành phố Oakland thúc đẩy chiến dịch tái chế rác mới. Khi đó, tái chế rác ở gia đình vẫn còn quá mới nên khi thành phố mời thầu, chỉ có ba công ty nộp thầu, trong đó có CWS.

Không có nhà thầu nào có đủ tài chính để làm cho cả TP nên hội đồng quyết định chia một phần ba gói thầu cho mỗi công ty. Cơ hội đó đã tạo nên sự thành đạt cho "Vua rác".

Ông Dương sau khi thành đạt đã trở thành một trong những nhà đóng góp tài chính tranh cử lớn nhất ở Oakland. Năm 2015, CWS tiếp tục thắng thầu hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD tại TP. Oakland.

Tại San Jose, đầu những năm 2000, CWS từng là tâm điểm truyền thông với vụ cáo buộc cựu thị trưởng Ron Gonzales. Thị trưởng Gonzales khi đó bị cáo buộc là đẩy cao giá hợp đồng mua bán rác để đổi lại nhận tiền ủng hộ tranh cử từ công ty xử lý rác Norcal (đối tác của ông Dương) và CWS.

Năm 2016, trên Mercury News, cây bút Scott Herohold nhắc lại vụ bê bối này và chỉ trích hoạt động tái chế rác của CWS ở San Jose là "thiếu hiệu quả" và cho rằng người dân TP không nên tiếp tục dùng dịch vụ của CWS.

CWS phản bác lại cho rằng vấn đề nằm ở rác của người dân không được phân loại chuẩn xác.

Năm 2019 là năm đáo hạn hợp đồng thu gom rác của CWS với thành phố San Jose. CWS đã yêu cầu thành phố này tăng giá gần 60% cho dịch vụ xử lý rác.

Chia sẻ trên báo chí, ông Dương cho rằng việc tăng giá là điều bình thường và đó cũng là mức giá cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền thành phố không chấp nhận mức phí đó, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau để không tiếp tục tái ký hợp đồng thu gom rác với CWS.

Vào tháng 1.2018, các nhân viên của CWS tập trung tại Tòa thị chính San Jose để phản đối việc chính quyền không chấp thuận gia hạn hợp đồng thu gom rác thải của công ty.

Một cuộc điều trần giữa CWS với Sở Tài nguyên - Môi trường (ESD) tại San Jose có mặt đông đảo người Mỹ gốc Việt đã diễn ra.

Cuối cùng, chính quyền San Jose buộc phải đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom và xử lý rác cho 166.000 ngôi nhà tại thành phố này trong vòng 1 năm. Sau 1 năm, chính quyền sẽ cân nhắc tiếp để tiến tới ký hợp đồng 15 năm với công ty.

Về phía chính quyền thành phố cũng có trách nhiệm giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường theo chương trình mà CWS đề ra.

Bãi rác Đa Phước lại bị tố bốc mùi, Vua rác David Dương nói: Bị ném đá giấu tay nhằm thâu tóm giá rẻ - Ảnh 2.

Bãi rác Đa Phước: Hôi thối hay béo bở?

Tại Việt Nam, ông David Dương mở Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS, 100% vốn từ CWS) để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

VWS chịu không ít tai tiếng về việc vận hành bãi xử lý rác có thể tích 3 triệu m3. Dự án này được cho là nguyên nhân chính khiến những người dân tại "khu nhà giàu" Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP HCM không dám về nhà do mùi khó chịu.

Cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra VWS theo đơn tố cáo của các công dân. Kết quả kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường bãi rác Đa Phước của Thanh tra Chính phủ năm 2018 chỉ ra rằng, Dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển, nhưng phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thành phố 10 năm trước.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện công nghệ này đã bộc lộ những hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy từ năm 2007 đến nay, dù Công ty VWS đã có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,... nhưng trong từng thời điểm vẫn còn để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở xung quanh. Một số chỉ tiêu về môi trường còn vượt mức cho phép.

Về nội dung tố cáo dự án bao gồm công nghệ làm phân compost, tái chế nhưng thời gian hơn 8 năm qua đều đem rác để chôn, Thanh tra Chính phủ khẳng định tố cáo này "là đúng". Nguyên nhân là do khi thương thảo hợp đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM không lường trước được sự khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn của thành phố.

Công ty VWS đã xây dựng xong các hạng mục nhà xưởng để phân loại rác và sản xuất phân compost nhưng do thành phố không phân loại được rác tại nguồn nên không thể vận hành được nhà máy phân loại, tái chế.

Về tình hình kinh doanh, bãi rác Đa Phước mang về cho VWS hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm. Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước do VWS quản lý tiếp nhận khoảng 5.800 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại TP HCM.

Trong ba năm từ 2014 – 2016, doanh thu của VWS tăng từ 491 lên 822 tỷ đồng với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 281 tỷ.

Là đơn vị quản lý khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, VWS cũng có ưu thế đáng kể trong việc đàm phán đơn giá xử lý. Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cũng cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố.

Ngoài Đa Phước, vào năm 2015, Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An thuộc VWS được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ Môi trường xanh có diện tích 1.760 ha tại Long An với tổng vốn đầu tư hơn 450 triệu USD.

Ông Dương chia sẻ: "Đây là dự án môi trường xanh vì tương lai. Dự án này sẽ được đầu tư toàn diện, sử dụng công nghệ tiên tiến từ khâu thu gom đến xử lý, tái chế rác thải, tạo ra nhiều sản phẩm mới."

Ông cũng nói: "Chúng tôi đang dự định đầu tư nhân rộng mô hình này tại miền Trung và miền Bắc theo hướng cổ phần hóa Công ty để kêu gọi bà con Việt kiều về đầu tư, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong nước quan tâm đến lĩnh vực đầu tư môi trường. Những gì chúng tôi làm được tại Mỹ cũng sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa tại Việt Nam."

Tuy nhiên, tháng 7 này, dự án lại vướng vào một lùm xùm khi thông tin trên một số tờ báo cho hay, lãnh đạo UBND tỉnh Long An đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục để trình Chính phủ xin chuyển đổi phần lớn diện tích đất sạch trong dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh sang đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại.

N.M

Cùng chuyên mục
XEM