Bài học trở thành 'con hổ' mới của châu Á nhờ ngành may mặc từ quốc gia từng nghèo đói Bangladesh

23/05/2018 16:01 PM | Xã hội

Từng là một trong những khu vực nghèo nhất khu vực Nam Á, Bangladesh đã vươn lên trở thành một “con hổ” mới ở châu Á. Bí quyết nào đã giúp Bangladesh đạt được thành tích này, và làm thế nào để quốc gia này không dẫm phải vết xe đổ của các nền kinh tế “sớm nở chóng tàn” trong suốt chiều dài lịch sử?

Bangladesh đã trở thành một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý và bất ngờ nhất châu Á trong những năm gần đây. Từng là một trong những khu vực nghèo nhất thuộc Pakistan, Bangladesh vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói nghèo trong nhiều năm kể cả sau khi độc lập vào năm 1971.

Thực tế, vào năm 2006, các điều kiện ở quốc gia này vô vọng đến mức khi Bangladesh được ghi nhận đạt mức tăng trưởng nhanh hơn Pakistan, nhiều người đã cho rằng đó là một kết quả ăn may. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, tăng trưởng GDP hàng năm của Bangladesh đã vượt chỉ số của Pakistan khoảng 2,5 điểm %/năm.

Và năm nay, tốc độ tăng trưởng của Bangladesh thậm chí còn có khả năng vượt qua Ấn Độ (dù kết quả này chủ yếu phản ánh suy thoái kinh tế ở Ấn Độ - điều có thể được đảo ngược nếu ngăn chặn được quản lý sai chính sách tổng thể).

Bài học trở thành con hổ mới của châu Á nhờ ngành may mặc từ quốc gia từng nghèo đói Bangladesh - Ảnh 1.

Yếu tố nào đã giúp Bangladesh chuyển mình một cách thầm lặng nhưng đầy ấn tượng như vậy? Cũng như với tất cả các hiện tượng lịch sử có quy mô lớn, không có câu trả lời chính xác nào, chỉ có những manh mối.

Đầu tiên, chuyển đổi kinh tế của Bangladesh phần lớn được thúc đẩy bởi những thay đổi xã hội, bắt đầu bằng việc trao quyền cho phụ nữ. Nhờ những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ Grameen Bank và BRAC, cùng với nhiều nỗ lực gần đây của chính phủ, Bangladesh đã đạt những bước tiến đáng kể trong giáo dục con gái và trao tiếng nói nhiều hơn cho phụ nữ, cả trong gia đình lẫn ở công cộng.

Những nỗ lực này đã được chuyển hóa thành cải thiện về sức khỏe và giáo dục của trẻ em. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của người Bangladesh hiện tại là 72, so với 68 tuổi của người Ấn Độ và 66 tuổi đối với người Pakistan.

Chính phủ Bangladesh cũng có công nhờ ủng hộ các sáng kiến kinh tế bao hàm ở mức cơ sở. Những tác động tích cực của sáng kiến này có thể được tìm thấy trong dữ liệu được công bố gần đây của World Bank.

Trong số những người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, 34,1% đã thực hiện giao dịch kỹ thuật số trong năm 2017, so với tỷ lệ trung bình 27,8% của các nước Nam Á. Hơn nữa, chỉ có 10,4% tài khoản ngân hàng của người dân Bangladesh “đóng băng” không có hoạt động gửi và rút tiền trong năm trước đó), so với con số 48% của các tài khoản ngân hàng ở Ấn Độ.

Một lời giải thích khác cho sự tiến bộ của Bangladesh là thành công của ngành sản xuất hàng may mặc. Thành công đó lại nhờ một số yếu tố.

Một yếu tố đáng chú ý là các công ty may mặc chính ở Bangladesh có quy mô lớn – đặc biệt khi so với các công ty ở Ấn Độ, chủ yếu là do các luật lao động khác nhau. Tất cả các thị trường lao động đều cần các quy định. Nhưng ở Ấn Độ, Đạo luật Tranh chấp công nghiệp năm 1947 áp đặt những hạn chế lớn lên khả năng ký kết hợp đồng với công nhân và mở rộng lực lượng lao động của họ, gây ra nhiều tác động có hại hơn có lợi.

Luật này được ban hành một vài tháng trước độc lập của Ấn Độ và Pakistan khỏi sự cai trị của đế quốc Anh, nghĩa là cả 2 quốc gia mới đều thừa hưởng nó. Tuy nhiên, chế độ quân sự ở Pakistan (khi đó Bangladesh chưa tách ra khỏi quốc gia này) đã bãi bỏ Đạo luật tranh chấp công nghiệp vào năm 1958. Do đó, sau khi độc lập, Bangladesh không cần thừa hưởng luật này và có một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các công ty sản xuất để đạt lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo số lượng lớn việc làm.

Bài học trở thành con hổ mới của châu Á nhờ ngành may mặc từ quốc gia từng nghèo đói Bangladesh - Ảnh 2.

Câu hỏi được đặt ra là liệu hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Bangladesh có thể duy trì được hay không? Triển vọng của quốc gia này là rất tuyệt vời, nhưng cũng có những rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách cần phải tính đến.

Thứ nhất, khi nền kinh tế của một quốc gia phát triển, tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu, và bất bình đẳng có xu hướng tăng lên và có thể ngăn chặn quá trình tăng trưởng nếu không được kiểm soát. Bangladesh cũng không ngoại lệ.

Nhưng có một mối đe dọa sâu sắc hơn đến từ các nhóm và các cá nhân theo thuyết chính giáo phản đối các đầu tư ban đầu của chính phủ Bangladesh vào cải cách tiến bộ xã hội. Đây không chỉ đơn thuần là một lo thoáng qua: các nền kinh tế năng động đã nhiều lần bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự cuồng tín trong lịch sử.

Bangladesh cần thận trọng về những rủi ro do chủ nghĩa chính thống gây ra. Với quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng Sheikh Hasina để giải quyết những vấn đề này, có lý do để hi vọng vào thành công của Bangladesh. Trong trường hợp đó, quốc gia này sẽ trở thành một câu chuyện thành công của châu Á, một viễn cảnh khó ai có thể tưởng tượng ra 20 năm trước.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM