Bài đồng dao 400 tuổi dẫn đường đến kho báu đại gia thời nhà Minh, đoàn khảo cổ kinh ngạc: Vàng bạc chất đống dưới đáy sông!
"Rồng đá đối hổ đá, ngân lượng vạn vạn ngũ/ Muốn biết rõ điều đó, mua hết phủ Thành Đô."
Đại gia khét tiếng, giàu hơn cả vua nhà Minh
Trương Hiến Trung là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Minh, từng tự xưng đế là Đại Tây vương sau khi chiếm được Vũ Xương, đồng thời cùng với Lý Tự Thành kiến lập chính quyền Đại Thuận.
Năm 1644, Trương Hiến Trung dẫn quân vào Tứ Xuyên và làm hai việc để lại tai tiếng, một là giết người, hai là cướp của. Cuốn "Thục Khâu giám" của nhà Thanh ghi lại, số tiền mà hắn ta cướp được của các thương gia giàu có lên đến hàng chục nghìn lượng vàng, sau khi lấy được tiền thì sẽ giết người diệt khẩu.
Bằng cách này, toàn bộ tài sản tỉnh Tứ Xuyên lúc bấy giờ đều thuộc về Trương Hiến Trung. Theo ghi chép lịch sử, số tài sản của Sùng Trinh đế cũng chỉ được coi là "tiểu hộ" đối với ông.
Khung cảnh khai quật kho báu của Trương Hiến Trung tại sông Mân Giang. Hình ảnh: Kknews
Trương Hiến Trung còn từng tổ chức Đấu bảo Đại hội ở Thành Đô (Tứ Xuyên) để phô trương sự giàu có của mình: 24 căn phòng chứa đầy kho báu quý hiếm, tràn ngập khắp nơi là thỏi vàng thỏi bạc. Một số nhà sử học ước tính rằng vào cuối thời nhà Minh, một hoặc hai lượng bạc dao động khoảng 300 nhân dân tệ ngày nay. Vào thời đại đó, ông có tài sản tương đương 3 tỷ NDT.
Năm 1646, Trương Hiến Trung bị quân Thanh bắn chết trên núi Phượng Hoàng (nay là tỉnh Tứ Xuyên). Kho báu khổng lồ của ông cũng biến mất theo.
"Minh sử" ghi chép lại, trước khi di tản khỏi Thành Đô, ông đã làm một điều kỳ lạ là thuê một đội nhân công, yêu cầu họ xây kè trên sông Cẩm Giang, rút nước sông, đào nhiều cái hố sâu ba trượng, đổ tất cả kho báu vào đó, rồi đắp đê lại xả nước che mắt dân.
Di chỉ Giang Khẩu - nơi tìm thấy kho báu chìm dưới sông của Trương Hiến Trung. Hình ảnh: Sina.
Nhưng cũng có rất nhiều ghi chép, khi Trương Hiến Trung di tản khỏi Thành Đô, vì đường bộ đã bị quân Thanh chặn đánh, nên phải đổi sang đường thủy. Vào lúc hạm đội của ông đang ở cửa sông thì bị quân Thanh phục kích và gần như toàn bộ đội quân bị tiêu diệt, nhiều tàu gỗ chở đầy vàng bạc chìm xuống dòng nước cuồn cuộn chảy.
Bởi vậy hàng trăm năm qua, có không biết bao nhiêu nhà khảo cổ học, đạo tặc và thậm chí là dân chúng cũng lần theo bài đồng dao "Rồng đá đối hổ đá, ngân lượng vạn vạn ngũ/ Muốn biết rõ điều đó, mua hết phủ Thành Đô" đi tìm những khúc sông có khối đá hình rồng, hình hổ để săn kho báu khổng lồ này.
Kho báu "chất đống dưới đáy sông"
Năm 2013, một người dân tên là Tống Mỗ tại trấn Giang Khẩu – Bàng Sơn đã mò được một con hổ làm bằng vàng và một ấn vàng khắc chữ Đại nguyên soái Vĩnh Xương bèn đem đi đấu giá với số tiền 13,6 triệu nhân dân tệ.
Đây chính là manh mối giúp cho các nhà khảo cổ học bắt đầu những cuộc khai quật nhỏ lẻ để đi tìm vết tích của kho báu mà Trương Hiến Trung đã dày công chôn vùi.
Dấu vàng Đại nguyên soái Vĩnh Xương. Hình ảnh: Kknews
Năm 2014 họ đào được một chiếc đĩa vàng nặng 12 kg ở một cửa sông gần đó; đến năm 2015, một con rồng đá ở cửa sông được tìm thấy tại quận Bành Sơn.
Đầu con rồng đá hướng xuống, đuôi hướng lên, vảy và móng vuốt của rồng có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Phát hiện này đã khiến khối tài sản khổng lồ của Trương Hiến Trung dần dần lộ diện.
Không chỉ có các chuyên gia mà những ngư dân ở thị trấn Giang Khẩu khi đi giăng lưới, họ cũng thường nhặt được khúc gỗ hình thù lạ, sau khi mở ra thì phát hiện bên trong có giấu những đồng tiền có khắc chữ "Tây vương thưởng công" nên đã báo cho chính quyền địa phương.
Đồng xu "Tây vương thưởng công" - Văn thư khắc trên vàng của Trương Hiến Trung. Hình ảnh: Kknews
"Thục nan kỷ thực" có ghi chép, khi Trương Hiến Trung tháo chạy khỏi quân Thanh, bởi có quá nhiều vàng bạc, nên ông đã làm rất nhiều máng trượt bằng gỗ, bỏ những đồng "Tây vương thưởng công" (những đồng vàng dùng để thưởng công thần) vào máng rồi thả trôi xuống, dự định sẽ vớt lên khi hạm đội đi đến khúc sông hẹp.
Tại cuộc đấu giá quốc giá China Guardian năm 2013, những đồng "Tây vương thưởng công" này đã được bán với giá 15 triệu nhân dân tệ.
Vị trí của "rồng đá" đã được xác nhận trên con sông Mân Giang, đây chính là nơi đội khảo cổ tiến hành khai quật. Ảnh: Kknews
Tính đến năm 2017, nhóm công tác khảo cổ học ở quận Bàng Sơn – Tứ Xuyên đã mở cuộc họp báo công bố hơn 20.000 hiện vật được tìm thấy. Đoàn khảo cổ cho biết, số di tích này thậm chí còn chất đống dưới đáy sông.
Kết quả giám định xác thực đây chính là khối tài sản khổng lồ chìm sâu dưới nước suốt 400 năm của Trương Hiến Trung, được định giá tới 3 tỷ NDT. Hiện những hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Quốc gia.