Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 4 điều "còn may mắn" ở Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát ra cộng đồng

28/01/2021 22:58 PM | Sống

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, dịch Covid-19 ở Hải Dương diễn biến với số ca mắc tăng nhanh nhưng giới truyền nhiễm vẫn coi là còn nhiều may mắn.


4 may mắn

Bác sĩ Khanh cho biết với gần 100 ca Covid-19 được công bố trong 1 ngày hoàn toàn không phải là quá lớn. Nếu tính chu kỳ của bệnh nhân người Việt đã sang Nhật từ 17/1 và cộng với thời gian ủ bệnh chúng ta có thể thấy virus đã vào trong nước khoảng 14 ngày. Với 14 ngày và 100 ca mắc biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 cũng là hợp lý.

Bác sĩ Khanh cho biết F0 không phải là cô gái Việt đã sang Nhật, có thể bản thân họ cũng bị lây từ người khác. Cô gái này trước đó ở Việt Nam xét nghiệm PCR âm tính vì vẫn đang trong giai đoạn ủ bệnh và sang tới Nhật Bản dương tính do bệnh khởi phát. Trường hợp này hoàn toàn không phải năng lực xét nghiệm của Việt Nam kém hơn Nhật – BS Khanh nhấn mạnh.

Các nhà dịch tễ có thể đặt con đường của virus là từ sân bay Vân Đồn về Hải Dương, F0 của ca ở Vân Đồn và ca Hải Dương là 1. Nhưng đó là việc của các nhà khoa học, đối với người dân, hiện tại virus đã có trong cộng đồng và bất kể ai cũng có thể là người lành mang trùng vì thế cần nâng cao cảnh giác với tất cả các tiếp xúc gần.

 Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 4 điều còn may mắn ở Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát ra cộng đồng - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh.

Với con số ca mắc ở Hải Dương và vào thời điểm năm hết, Tết đến, bác sĩ Khanh cho biết vẫn còn những điều may mắn sau:

Thứ nhất, dịch xảy ra khi lượng người đi lại, du lịch, lễ Tết chưa nhiều. Nếu dịch xảy ra chậm hơn 10 ngày nữa chắc chắn không thể kiểm soát được vì lễ Tết người dân đi lại vô cùng nhiều giữa các tỉnh, các thành phố. Chỉ nghĩ tới kịch bản đó, bác sĩ Khanh cho rằng đây thực sự là điều may mắn.

Thứ hai, chủng virus biến thể mới, nghe tốc độ lây nhiễm nhanh có thể hoang mang nhưng việc lây lan nhanh chính là đặc điểm của virus để nó tấn công, xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Thời gian ủ bệnh ngắn hơn thì việc khoanh vùng, dập dịch sẽ nhanh hơn. Với thời gian 10 ngày, bác sĩ Khanh cho rằng thời gian này hoàn toàn có thể khống chế dịch vì virus SARS-CoV-2 biến thể mới có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, 5, 7 ngày.

Thứ ba, một may mắn để dịch có thể khống chế tốt đó là năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. So với các giai đoạn trước, giai đoạn này chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được việc xét nghiệm. Mở rộng đối tượng xét nghiệm chính là chặn đứng virus. Nếu virus được khoanh vùng thì đỉnh dịch có thể 1 tuần tới sau đó giảm dần.

Thứ tư, những ca mắc ở Hải Dương đều là ca người trẻ. Bác sĩ Khanh cho biết đây thực sự là điều may mắn vì các ca bệnh đều phát hiện qua phỏng vấn sàng lọc đối tượng F1, F2. Hiện theo báo cáo chỉ có 1 ca ở Quảng Ninh là đã vào viện khám khi có triệu chứng. Nếu những người bệnh đều đến bệnh viện khám khi đó dịch sẽ vô cùng khó kiểm soát. Từ trước tới nay, giới y tế đều sợ nhất là dịch ở bệnh viện và ở nhà già (trại dưỡng lão).

Tiệm cận sống chung với virus

Virus SARS-CoV-2 với biến chủng mới, tốc độ lây lan nhiều hơn dần dần con người sẽ tiệm cận sống chung với virus này.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cho rằng dù tiệm cận với virus SARS-CoV-2, chúng ta cũng không thể coi đây là cảm cúm thông thường mà vẫn phải có các biện pháp bảo vệ người có nguy cơ như người mắc bệnh mãn tính, người già.

Về việc vắc xin phòng bệnh, bác sĩ Khanh cho biết Nhà nước đều có kế hoạch mua vắc xin. Hiện tại, chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sử dụng biện pháp 5 K thay vì chờ đợi vắc xin. Hơn nữa, vắc xin không phải là vấn đề nay mai mà đằng sau đó nó còn rất phức tạp về tính an toàn khi tiêm nên chúng ta vẫn chờ đợi thêm và áp dụng phòng bệnh cá nhân trước.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM