"Bác sĩ" lên Facebook xúi dân dùng dầu mè, dầu dừa nhỏ mũi tránh COVID-19, chuyên gia gay gắt: Chỉ "thần y" mới nghĩ ra được!

26/07/2021 22:49 PM | Sống

Việc một số tài khoản mạng xã hội tự xưng là bác sĩ chuyên môn đăng thông tin dầu mè, dầu dừa,... bảo vệ được niêm mạc mũi tránh COVID-19 đang khiến nhiều chuyên gia lên tiếng gay gắt. Lý do là nếu người dân làm theo sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Gắn mác chuyên môn, đăng tin chưa kiểm chứng

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một vị bác sĩ có tên P.X.T đăng bài viết: "Bảo vệ niêm mạc mũi khỏi sự xâm nhập của virus COVID,… Nếu bạn nào không chịu được nước muối ưu trương thì có thể thay thế bằng dầu mè.

Thực tế có rất nhiều loại dầu có công dụng hữu hiệu trong việc khiến người bệnh nhanh chóng giảm chứng khô mũi như dầu olive, dầu dừa hay dầu mè đều có tính hiệu quả trong việc điều trị chứng khô mũi mùa hanh khô.

- Dầu olive: Olive chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, chứa thêm chất chống oxy hóa ngăn ngừa đột quỵ, bảo vệ tim mạch và còn không gây tăng cân, béo phì. Mỗi ngày nhỏ 1 vài giọt dầu olive vào mũi sẽ làm mũi thông thoáng, dễ chịu.

- Dầu dừa: Dầu dừa chứa công dụng đối với tóc và giúp giảm chứng khô mũi mùa hanh khô, giảm đau hiệu quả. Thực hiện nhỏ mũi mỗi ngày từ dầu dừa nguyên chất khiến mũi không bị khô, rát khó chịu.

- Dầu mè: Dầu có chứa vitamin E, một loại chất dưỡng ẩm cho da khô. Theo nghiên cứu của các chuyên gia dầu mè có hiệu quả làm giảm khô mũi rõ rệt. Nhỏ một giọt dầu mè hữu cơ vào mũi 2 lần mỗi ngày.

- Vitamin E: Ở dạng viên nén, vitamin E được sử dụng bằng cách cắt một đầu viên thuốc rồi nghiêng đầu nhỏ 2 đến 3 giọt vào mũi. Vitamin E giúp làm giảm khô mũi, ngoài ra vitamin E còn có tính chống viêm, các chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn các bệnh qua đường mũi hiệu quả".

Ngoài những thông tin trên, vị này còn dẫn một đường link một bài nghiên cứu để làm dẫn chứng. Thực tế, ngay cả thuật ngữ chuyên môn, người xưng là bác sĩ này cũng viết sai. Tên của virus là SARS-CoV-2, còn COVID-19 là tên bệnh, nhưng vị này đã gọi là virus COVID.

Trước những thông tin này, nhiều chuyên gia đầu ngành đã lên tiếng phản đối vì công dụng của những loại dầu này hoàn toàn không như bài viết trên.

Bác sĩ lên Facebook xúi dân dùng dầu mè, dầu dừa nhỏ mũi tránh COVID-19, chuyên gia gay gắt: Chỉ thần y mới nghĩ ra được! - Ảnh 1.

Bài viết hiện đang thu hút rất nhiều lượt quan tâm của cộng đồng mạng.

Những điều phi thực!

Trao đổi với PV về vấn đề trên, Bác sĩ Ngô Việt Hùng, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Việt Tiệp cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe được khái niệm này. "Thật nực cười khi cả thế giới không ai làm thế, dùng dầu dừa, dầu mè che phủ niêm mạc bảo vệ mũi khỏi virus COVID-19 là một điều phi thực, chỉ có "thần y" mới có thể nghĩ ra điều đó", BS Hùng nói.

Theo BS Hùng, dầu mè hay còn được dầu vừng chỉ là gia vị trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta, hầu hết dầu mè hay dầu thực vật được nhiều người sử dụng, bởi nó ít gây ra tình trạng mỡ máu. Tuy nhiên, tất cả loại dầu, trừ mỡ cá đều chứa cholesterol, chính vì thế chúng ta chỉ nên ăn uống vừa phải, đặc biệt trong mùa dịch.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhận định, dầu dừa rất giàu axit lauric, cơ thể dễ dàng hấp thụ. Loại axit béo này còn giúp tăng cường miễn dịch, thích hợp chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao mà vẫn giữ trọn hương vị món ăn.

Tuy nhiên, sử dụng dầu dừa tiêu diệt virus SARS-CoV-2, coi đây là một loại thuốc chữa bệnh COVID-19 thì đây là suy nghĩ sai lầm, thiếu căn cứ khoa học.

"Nhiều người đang bị tin vào những lời đồn thổi một cách mù quáng. Bản thân dầu dừa cũng giống như bất cứ loại thực phẩm nào khác giúp tăng đề kháng, tăng cường miễn dịch, không nên đồn thổi quá mức vai trò của từng loại thực phẩm này dẫn đến những hiểu lầm không đáng có", PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.

Tương tự, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM cũng khẳng định, dùng dầu mè, dầu dừa trong việc chữa COVID-19 là sai hoàn toàn, thậm chí còn có thể dẫn đến chết người. Có nhiều trường hợp đã phải cấp cứu vì sử dụng sai cách. Thậm chí, nhiều người lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, làm niêm mạc mỏng đi, điều này không hề tốt ngược lại còn giảm đi kháng thể bảo vệ cơ thể khi gặp virus.

Theo PGS TS Nguyễn Thị Lâm, uống thật nhiều dầu dừa hàng ngày để tiêu diệt COVID-19 hay dùng để bảo vệ niêm mạc có thể dẫn tới tiêu chảy, mất nước vì tính nhuận tràng của dầu dừa; có thể gây dị ứng ở một số người; nổi mụn không kiểm soát... Bản thân dầu dừa là thực phẩm giàu chất béo, thậm chí thành phần hầu như chỉ có chất béo, nếu uống quá nhiều có thể dẫn đến việc tăng cholesterol, bao gồm cả cholesterol xấu trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ hình thành những bệnh liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch...

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay phương pháp đặc hiệu nhất để phòng ngừa COVID-19 chỉ là sử dụng vắc xin. Khi được tiêm chủng, con người sẽ có miễn dịch đặc hiệu, nếu có lỡ "va" phải virus thì họ cũng chỉ bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không bị bệnh, khi nào có triệu chứng khó thở, sốt,… lúc ấy mới gọi là gọi bệnh COVID-19. Những người có miễn dịch thì sẽ không bị bệnh nặng, tải lượng virus cũng ít đi.

Phương pháp tiếp theo là thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, xịt khuẩn... Khi chưa tiêm vắc xin hay kể cả đã tiêm, chúng ta vẫn nên thực hiện 5K để phòng tránh tối đa sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Lê Liên

Từ khóa:  covid
Cùng chuyên mục
XEM