Bắc Giang siết chặt kiểm soát dịch trong cộng đồng, truy tìm F0 mất dấu
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 “thắng hay bại là do ý thức của người dân”.
Chiều 20/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với Bắc Giang và Bắc Ninh - 2 khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới tăng nhanh trong các khu công nghiệp và cộng đồng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh đã phát hiện lây nhiễm từ các công nhân trong khu công nghiệp (KCN) sang các thành viên trong gia đình. Theo đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đang triển khai rà soát đúng trọng điểm để khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan. Bên cạnh đó, với hỗ trợ của Bộ Y tế, Học viện Quân y và BV 103, năng lực xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm hằng ngày. Cụ thể, Bắc Giang từ thực hiện 14.000 mẫu đơn tăng thêm 10.000 mẫu đơn mỗi ngày và thực hiện được trên 100.00 mẫu gộp. Vấn đề thiếu sinh phẩm, thiếu kit test đã được giải quyết. Ông Dương khẳng định, từ ngày 21/5, tỉnh bắt đầu trả kết quả xét nghiệm trong ngày.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với tỉnh Bắc Giang.
Theo Chủ tịch UBND Bắc Giang, tỉnh đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, với công suất 1.260 giường và hiện mới chỉ dùng một nửa công suất. Từ ngày 21/5, Học viện Quân y sẽ đưa vào hoạt động thêm bệnh viện 300 giường và có thể nâng công suất lên 500 giường. Tỉnh cũng đang chuẩn bị một bệnh viện thu dung các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng ở Nhà thi đấu tỉnh với công suất 620 giường và dự kiến ngày 22/5 sẽ đi vào hoạt động. Tổng dự kiến, công suất của các bệnh viện tại Bắc Giang từ 2.500-2.700 giường.
Bên cạnh đó, đoàn cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành khảo sát thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại 2 tầng Bệnh viện Phổi Bắc Giang, với quy mô 58 giường để điều trị bệnh nhân nặng.
“Về cơ sở điều trị, hiện Bắc Giang có thể đáp ứng trong trường hợp số ca mắc tăng cao”, ông Dương nói.
Hiện tại tỉnh Bắc Giang có 5 khu cách ly tập trung đáp ứng cho 5.000 người. Các huyện, thành phố đảm bảo cách ly cho 25.000 người. Thực tế, nhiều khu cách ly chưa đáp ứng yêu cầu và đã được chấn chỉnh, theo đó, đã lắp thêm camera...
Trong trường hợp phải vận hành các bệnh viện thu dung có công suất lớn trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ gặp vấn đề về thiếu trang thiết bị và nhân lực y tế. “Chúng tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế vấn đề này để hỗ trợ. Chúng tôi cũng dự kiến xin chi viện từ tỉnh Phú Thọ - có đơn vị từng vào hỗ trợ Đà Nẵng và có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19”, Chủ tịch UBND Bắc Giang nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, số ca F0 trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tăng. Từ đêm 19/5 đến sáng 20/5, đã tăng 61 ca so với ngày trước đó. Trong đó, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 6 F0 và đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.
Ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 273 F0, tăng 12 trường hợp, đa số là các trường hợp đã được cách ly. Ổ dịch tại Khu công nghiệp Quang Châu có 306 F0, tăng 68 trường hợp, chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, ngoài ra có công nhân của Công ty TNHH Samkwang Vina, Công ty Luxshare.
Số F0 tại Khu công nghiệp Quang Châu tăng cao, nhất là Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 tại ổ dịch này vẫn tiếp tục tăng do các công nhân là trường hợp F1 đã tiếp xúc đến giai đoạn bệnh khởi phát và số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tiếp tục chạy có kết quả.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm một số trường hợp F0 rải rác ở Khu công nghiệp Đình Trám, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và trong cộng đồng.
“Có một số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, gồm 2 trường hợp học sinh lây từ ổ dịch Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh; một trường hợp là giáo viên trường HTPT Yên Dũng số 1 liên quan đến ổ dịch ở KCN Vân Trung; và 5 ca F0 trong 1 gia đình ở xã Mỹ An, Lục Ngạn, liên quan đến ổ dịch Hosiden. Ngoài ra, có 2 trường hợp là giáo viên mầm non trong tổ truy vết COVID-19 cộng đồng tại xã Song Khê phát hiện mắc COVID-19 trong ngày 19/5. Đây là những ca lây nhiễm ngoài KCN và tất cả đều đã được khoanh vùng, cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng...”, ông Dương cho biết.
Ông Dương nhận định, Bắc Giang đã bắt đầu xuất hiện ổ dịch ngoài cộng đồng, với nguồn lây từ KCN và từ Mão Điền, Thuận Thành. Trong đó, trường hợp từ Mão Điền về đã cách ly 17 ngày mới phát bệnh: “Tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao cho phòng, chống dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, tổ chức tuyên truyền cho người tự phòng, chống dịch tại gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cách ly, giãn cách… “Thắng hay bại là ý thức của người dân”. Đồng thời, xét nghiệm mẫu gộp tầm soát tại khu vực ít nguy cơ. Đưa công nghệ vào phục vụ truy vết và xét nghiệm…”
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Tham gia đoàn chuyên gia y tế hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, số F0 sẽ còn tiếp tục tăng. Theo đúng dự đoán, dịch từ KCN đã bắt đầu lây nhiễm ra cộng đồng.
“Trong 3 ngày từ 18-20/5, tại Bắc Giang đã xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng lây từ công nhân KCN. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đang phải xác định nguồn lây. Bắc Giang là vùng dịch, đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng ở mức giới hạn nhất định. Theo đó, có thể có nguồn lây lẩn khuất phải truy vết để không bị mất dấu F0. Chúng tôi đề xuất siết chặt giám sát trong cộng đồng, khoanh vùng ngay các ca mắc mới để hạn chế dịch lan rộng”, PGS.TS Trần Như Dương khuyến cáo.
Cũng từ điểm cầu Bắc Giang, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề lo ngại nhất và cấp thiết nhất là khu vực hồi sức cho các bệnh nhân COVID-19: “Tại Bắc Giang, trong số các bệnh nhân đang điều trị đã xuất hiện tình trạng người khoẻ mạnh không có bệnh nền đã suy hô hấp nên cần hết sức cảnh giác chủng Ấn Độ, đã có 3 ca. Hiện Bộ Y tế đã huy động thêm nhân lực và trang thiết bị cho điều trị”./.