Bắc Giang: Cứ 100 lô đất đấu giá sẽ có 16 lô bỏ cọc, thu chêch lệch 1.600 tỷ đồng
Trong hai năm vừa qua, Bắc Giang đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô. Số lô đấu thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471.
Tại Hội nghị đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang Lê Anh Tuấn cho biết, trong 2 năm (2020-2021) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, số lô đấu thành 7.720 lô, số lô bỏ cọc là 1.471; tổng giá bán khởi điểm là hơn 10.000 tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá thu được là hơn 11.800 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch là hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo thống kê này, tỷ lệ số lô bỏ cọc trên tổng số lô được đưa ra đấu giá lên đến hơn 16%, nghĩa là cứ 100 lô được đưa ra đấu giá thì có trung bình 16 lô bỏ cọc.
Ông Tuấn cho biết: “Chênh lệch giữa giá trúng đấu giá trong đấu giá quyền sử dụng đất so giá khởi điểm cao, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực trong các cuộc đấu giá trước đây; qua đó tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, do hoạt động đấu giá tài sản có tính chất phức tạp; việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản còn phụ thuộc vào sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan; do đó hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này một số mặt còn chưa cao. Công tác phối hợp trong giám sát các cuộc đấu giá còn có lúc chưa được tốt; công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá còn chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá tính răn đe chưa cao…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đánh giá, công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại một số địa phương việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất chưa sát giá thị trường; tình trạng mất an ninh trật tự tại cuộc đấu giá vẫn còn xảy ra; vi phạm trong việc gia hạn nộp tiền; hủy kết quả trúng đấu giá; tình trạng “bỏ cọc”, hiện tượng “cò mồi” đẩy giá làm nhiễu loạn thị trường bất động sản… dẫn đến thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá cần tăng cường theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Ông Tuấn giao Sở Tư pháp thành lập Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh thực hiện việc giám sát các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở và đất dự án trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ hoạt động giám sát theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục thẩm định giá của nhà nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về thẩm định giá của nhà nước khi các đơn vị có nhu cầu,...