Bà Tôn Nữ Thị Ninh: TPP chỉ là một câu lạc bộ và Việt Nam có nhiều câu lạc bộ khác

21/12/2016 07:23 AM | Kinh doanh

Tôi đồng ý với ý kiến rằng TPP không phải là định nghĩa duy nhất và đầy đủ của hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đó là một trong các câu lạc bộ cơ hội và còn có những câu lạc bộ khác.

Đó là ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, tại Hội thảo Tương tác Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau 2016. Sự kiện diễn ra tại TP HCM ngày 20/12.

Trong phiên thảo luận tại sự kiện, một bạn sinh viên đặt ra câu hỏi rằng: Nếu Việt Nam vào TPP thì chính phủ sẽ thay đổi rất nhiều nhưng nếu Việt Nam không vào TPP nữa thì chính phủ có theo đuổi con đường này hay không?

Sau phần trả lời của diễn giả tại phiên thảo luận, bà Tôn Nữ Thị Ninh, đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trong nhiều câu lạc bộ. Việt Nam trong một trục rất nhất quán về chính trị, an ninh, kinh tế và có nhu cầu tham gia nhiều câu lạc bộ. Về logic của vấn đề là như thế. Thách thức đặt ra là mỗi câu lạc bộ có lợi ích đan xen lẫn nhau. Lợi ích thì luôn luôn không đồng bộ", bà Ninh nói.

Bà Ninh nhắc lại câu chuyện cá da trơn: "Tôi nhớ tới thời kỳ kiện phá giá cá da trơn. Lúc đó ở Mỹ có 2 nhóm: Một nhóm là ủng hộ việc nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam. Nhóm khác cũng nuôi cá da trơn và là đối thủ của cá da trơn Việt Nam. Như vậy, vấn đề lợi ích rất phức tạp. Ngay cả trong một nước, còn có lợi ích xung đột nhau. Cho nên, tôi nghĩ, vấn đề mà cả chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm là bàn bạc rất kỹ: Đó là lợi ích đồng bộ trong từng câu lạc bộ tới đâu và lợi ích mâu thuẫn ở chỗ nào".

Bà nhận định rằng câu hỏi của bạn sinh viên rất đúng. "Tôi thấy phần hỏi của bạn sinh viên rất hay: Vì tham gia TPP nên chính phủ sẽ cam kết như thế này về luật lao động.... Nếu không còn TPP trước mắt thì chính phủ không làm gì nữa sao?", bà nói.

Bà Ninh đồng tình với ý kiến rằng TPP không phải là định nghĩa duy nhất và đầy đủ của hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đó là một trong các câu lạc bộ cơ hội và còn có những câu lạc bộ khác.

"Câu lạc bộ đó không hoàn toàn như diễn biến ban đầu thì chúng ta sẽ thích nghi. Rõ ràng trong quá trình chúng ta đàm phán thì ít nhất, Việt Nam đã được lắng nghe và đối mặt với các vấn đề đặt ra của cộng đồng quốc tế. Đó là bài toán mới cho chính phủ nhưng tôi không nghĩ quá khắc nghiệt. Chẳng qua là lộ trình có thể điều chỉnh một chút và còn rất nhiều câu lạc bộ khác", bà Ninh bày tỏ.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM