Bà Nguyễn Thị Phương Thảo rơi mất vị trí top 5 người giàu, vua hàng tiêu dùng trở lại

16/05/2021 08:10 AM | Kinh doanh

Top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán đang chứng kiến những biến động bất ngờ trong những ngày gần đây. Nữ tỷ phú bay Nguyễn Thị Phương Thảo, lần đầu tiên kể từ ngày cổ phiếu VJC lên sàn, không có mặt trong top 5 người giàu nhất sàn

Diễn biến tuần trước là cuộc đua nước rút của Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn khi từ vị trí ngoài top 5 đã bất ngờ bật lên soán vị trí thứ 3 của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, đồng thời gián tiếp đưa ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) rời top 5 sau khi kết thúc tuần giao dịch.

Diễn biến tuần này cũng bất ngờ không kém khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lần đầu tiên kể từ ngày cổ phiếu VJC lên sàn, không có mặt trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuần qua giá cổ phiếu VJC giảm thêm 1,33%, trong khi cổ phiếu MSN đã có một tuần rực rỡ với mức tăng thêm 14%.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo rơi mất vị trí top 5 người giàu, vua hàng tiêu dùng trở lại - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lần đầu tiên kể từ ngày cổ phiếu VJC lên sàn, không có mặt trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán

Hiện bà Thảo đang tạm xếp thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản đến từ HDB và VJC đã giảm xuống còn 25.314 tỷ đồng. Trong đó, HDB giúp bà Thảo tích lũy thêm 56 tỷ đồng trong tuần vừa qua, trong khi diễn biến giá của VJC lại lấy đi của bà Thảo 323 tỷ đồng.

Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang trở lại top 5 quen thuộc khi có thêm 3.318 tỷ đồng sau một tuần giao dịch nhờ hai mã cổ phiếu TCB và MSN cùng tăng giá.

Trong đó, đáng chú ý nhất là MSN tăng giá 14% sau một tuần giao dịch, giúp cho ông “vua” hàng tiêu dùng bỏ túi thêm 3.200 tỷ đồng. Hiện tổng giá trị cổ phiếu TCB và MSN do cá nhân ông Quang nắm giữ đã lên mức 27.719 tỷ đồng, khoảng cách với người đứng sau là bà Thảo tới 2.400 tỷ đồng.

Xếp trên ông Quang vẫn là tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, tạo nên bộ đôi tỷ phú quen thuộc luôn song hành cùng nhau trên thương trường nhờ cùng sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB và MSN.

Với mức tăng của cả hai mã cổ phiếu trên, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh đã tăng thêm 3.302 tỷ đồng, đạt 28.645 tỷ đồng tính đến cuối tuần qua.

Ba vị trí dẫn đầu trong top 5 lần lượt là ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long và Bùi Thành Nhơn.

Trong đó, việc VIC giảm 5% về giá trong tuần qua khiến ông Phạm Nhật Vượng đánh mất 12.800 tỷ đồng, đưa tài sản của người giàu nhất Việt Nam về 240.173 tỷ đồng.

Với ông Trần Đình Long – Chủ tịch HPG, hiện tổng giá trị cổ phiếu HPG do ông “vua thép” này nắm giữ đã đạt mức 53.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Con số này đã tăng thêm 520 tỷ đồng trong tuần vừa qua và tăng thêm 2.800 tỷ đồng (5,67%) kể từ đầu tháng 5.

Nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng thêm 48%, và giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng đã tăng thêm 17.200 tỷ đồng kể từ thời điểm đó. Qua đó giúp ông Long củng cố vững chắc vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Gương mặt mới toanh của top 5, ông Bùi Thành Nhơn, dù cổ phiếu NVL của ông có 3 phiên tăng giá liên tiếp gần đây nhưng giá cổ phiếu NVL của Novaland vẫn giảm 1,25% trong tuần qua. Do đó, giá trị tài sản của ông Nhơn giảm 367 tỷ đồng, còn lại 28.971 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 24,55 điểm (+%) lên 1.266,36 điểm; HNX-Index tăng 14,86 điểm (5,3%) lên 294,72 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước với trung bình khoảng 24.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 29,3% lên 110.384 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 20,6% lên 3.686 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 40,6% lên 12.807 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 28,4% lên 609 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 7,1% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như PLX (8,1%), OIL (2,5%), BSR (4%), PVD (3,1%), PVS (4,4%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức tăng 4,8% giá trị vốn hóa, với các mã như CTG (7,3%), BID (4,2%), VPB (8,3%), VIB (6,1%), TCB (3,4%), ACB (3,6%), SHB (16,7%)...

Nhóm hàng tiêu dùng tăng 4% giá trị với các trụ cột như VNM (2,9%), MSN (13,8%), SAB (1,2%)... Nhóm nguyên vật liệu tăng 2,9% giá trị vốn hoá với các mã trong ngành con thép như HPG (1%), HSG (0,3%).

Tính đến hết ngày 14/05/2021, khối ngoại đã bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 20,9 nghìn tỷ đồng. Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 136,5 nghìn đồng và bán ra 157,1 nghìn tỷ đồng, chênh lệch bán ròng 20,6 nghìn tỷ đồng.

Ngân Giang

Từ khóa:  sàn chứng khoán
Cùng chuyên mục
XEM