Bà mẹ Việt ở Đức gây ngỡ ngàng với tuyên bố chỉ mất 150.000VNĐ cho 3 ngày ăn, "bật ngửa" với lý do sau cùng
Đi chợ ở Đức như thế này liệu có rẻ hơn cả Việt Nam?
Trước và cả sau khi đến một quốc gia khác sinh sống, học tập, điều mà nhiều người quan tâm nhất chính là giá cả, sinh hoạt phí để có kế hoạch trước, tránh bị rơi vào tình cảnh cháy túi. Và nếu đến Đức, bạn có tự tin mình sẽ biết cách để chi tiêu tiết kiệm?
Mới đây, một bà mẹ người Việt hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Đức đã có chia sẻ thú vị về cách chi tiêu cho các bữa ăn của cô ở Đức. Bà mẹ này đã gây sốc cho nhiều người khi tự tin tuyên bố rằng mình chỉ phải bỏ ra số tiền tương đương 150.000 VNĐ cho 3 ngày ăn của 2 người (6 bữa).
Đây quả thực là một con số gây choáng bởi, kể cả ở Việt Nam thì số tiền này cũng chỉ đủ cho 1 gia đình ăn trong 1 ngày. Nếu bà nội trợ đảm đang, khéo léo có thể chi cho 2 ngày. Nhưng ở một đất nước có mức sống cao và mọi thứ sinh hoạt phí, giá cả lương thực, thực phẩm đắt đỏ như Đức, thì điều đó liệu có tin được không? Lý do sau cùng sẽ "thật bất ngờ!".
Cụ thể, trên tài khoản TikTok @thuytitoduc279 với 76.000 lượt theo dõi và hơn 1,3 triệu lượt thích, bạn Thủy đã chia sẻ về một lần đi chợ "cực rẻ" của mình.
Thủy cho biết, cô không đến tận siêu thị mà mua qua ứng dụng của Hello Fresh - một dịch vụ đi chợ hộ dành cho những người cực kỳ bận rộn mà không thể tự đi chợ ở Đức. Cô đã mua tổng cộng chỉ hết số tiền tương đương 150.000 VNĐ cho 1 lần đi chợ.
Với dịch vụ này, người ta sẽ lên món sẵn cho người mua, ai thích món gì thì sẽ đặt mua. Thủy lấy ví dụ bản thân cô đã chọn 3 món cho 4 người ăn. Nhà cô chỉ có 2 vợ chồng nên có thể chia thành 6 bữa (3 ngày).
Khi shipper mang thùng đồ đến tận nhà, Thủy mở ra và thấy nguyên liệu vừa đủ nấu cho mỗi món ăn cô đã đặt. Kèm theo đó là 1 tờ giấy có chỉ rõ công thức nấu chi tiết. Có cả hình ảnh minh họa bắt mắt và giá trị dinh dưỡng của từng món.
Về nguyên liệu, bà mẹ 1 con đánh giá mọi thứ đều khá tươi ngon. Điểm trừ duy nhất đối với cô là chỉ có món Tây mà không có món Á để lựa chọn.
Sau đó, Thủy giải thích vì sao đồ ăn tốt vậy mà lại rẻ thế. Hóa ra, cô có mã giảm giá cho lần đầu dùng thử. Cô được miễn phí tiền hàng và chỉ mất 6 euro (tương đương 150.000 VNĐ) cho phí vận chuyển.
Thực tế, giá trị của đơn hàng này là 90 euro (tương đương hơn 2 triệu VNĐ) cho 2 người, 6 bữa ăn. Vậy là, bà mẹ này đã tiết kiệm được khá nhiều tiền cho những bữa ăn của gia đình, vừa đảm bảo đủ chất lại không mất công đi siêu thị hoặc ra chợ. Thủy cũng không quên nhắc nhở mọi người rằng sau khi dùng mã giảm giá xong thì nên huỷ, nếu không lần sau họ tự động gửi về nhà và trừ tiền trong tài khoản của mình.
Ở một đất nước khu vực châu Âu với mức sống cao và mọi thứ sinh hoạt phí, giá cả lương thực, thực phẩm đắt đỏ như Đức, nếu không tiết kiệm và biết cách chi tiêu thì sẽ thật khó để thích nghi và duy trì cuộc sống, đặc biệt là các bạn du học sinh - những người chưa có công việc ổn định, lại phải đóng học phí, thuê nhà...
Cô cũng tiết lộ một chi tiết cực đặc biệt khi mua hàng tiêu dùng ở Đức. Cụ thể, chính Thủy đã rơi vào tình huống phải trả lại hàng và cô không khỏi ấn tượng về quyền lợi người tiêu dùng ở quốc gia này. Mua hàng cả năm rồi hỏng vẫn được hoàn lại tiền đầy đủ.
Cô nói: "Mình có mua một chiếc máy làm mì dùng được gần năm rồi mình vô tình làm hỏng cái nắp. Mình báo cho bên hãng sản xuất với mong muốn được bảo hành thôi, nào ngờ họ xin lỗi vì chất lượng sản phẩm và trả lại tiền nguyên vẹn như hồi mình mua mới. Quá là sốc".
Thủy cho biết, chuyện trả hàng và bảo hành hàng ở châu Âu nói chung và Đức nói riêng, đều rất dễ. Chẳng hạn, bạn mua hàng xong rồi về nhà không thích nữa thì bạn được quyền trả lại hàng miễn phí trong vòng 1-3 tháng (tùy hãng). Phí vận chuyển trả lại hàng cũng thường do bên người bán chịu.
Theo luật của Đức, mọi tổn thất, thất lạc trong quá trình vận chuyển trả lại hàng là do bên bán chịu. Bạn chỉ cần đi gửi lại hàng, còn hàng có đến hay không, hoặc hỏng hóc như thế nào thì bạn không phải lo nữa. Nói chung, quyền lợi người tiêu dùng ở Đức và các nước châu Âu được bảo vệ cực kỳ tốt. Vậy nên, hàng hóa ở châu Âu tiêu chuẩn rất cao và các doanh nghiệp cũng làm việc cẩn thận.