Bà mẹ 46 tuổi đã lập di chúc sớm để con trai thừa kế tài sản còn con dâu tương lai không có phần, chuyên gia thẳng: “Chưa hiểu đúng về luật"

18/02/2024 11:35 AM | Sống

Lo lắng hôn nhân của người trẻ khó bền, người phụ nữ Trung Quốc quyết định lập di chúc sớm để đảm bảo quyền lợi cho con trai.

Cuối năm 2022, một người phụ nữ họ Trương, 46 tuổi đến Trung tâm dịch vụ di chúc tại Thượng Hải (Trung Quốc) để lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai. Bà Trương cho biết con trai mình đang đi du học, sở dĩ bà muốn lập di chúc sớm như vậy là vì lo lắng hôn nhân của giới trẻ hiện nay không ổn định.

Người phụ nữ này cho rằng nếu sau lỡ con trai ly hôn, tài sản của bà sẽ bị “cưa đôi xẻ nửa”. “Nếu chúng hòa thuận thì đó vẫn là tài sản chung của 2 vợ chồng còn nếu ly dị thì tôi vẫn muốn con trai tôi được giữ hết toàn bộ” , bà Trương cho biết.

Ảnh minh họa

Thông tin này đã gây tranh cãi trên mạng xã hội đất nước tỷ dân, có người ủng hộ hành động của bà Trương, đồng tình tài sản của cha mẹ nên để lại cho con ruột. “Nhiều người trẻ chưa thực sự nghiêm túc với cuộc hôn nhân của mình, cũng có trường hợp lừa đảo để nhận tiền chia tài sản sau khi ly hôn. Từ góc nhìn của cha mẹ, chắc chắn họ không muốn số tiền tiết kiệm cả đời mất đi nếu trường hợp xấu nhất xảy ra” , một cư dân mạng họ Trần để lại bình luận.

Bên cạnh đó cũng có người nhận định việc đề phòng quá mức như vậy là không cần thiết. Việc lập di chúc quá sớm có thể tránh tổn thất về kinh tế cho gia đình nhưng lại tác động tiêu cực đến quan hệ gia đình nếu con trai và con dâu tương lai của bà Trương biết được. “Con dâu cũng là thành viên gia đình và có đóng góp không nhỏ trong việc vun vén hạnh phúc gia đình. Bà Trương làm như chẳng khác nào coi con dâu tương lai như người ngoài. Khó có cô gái nào chấp nhận việc này để kết hôn với anh con trai” , tài khoản Lý Huy cảm thán.

Trước đó một người phụ nữ họ Mã tại Thượng Hải (Trung Quốc) cũng gây chú ý khi chia sẻ rằng từ lúc con gái duy nhất chuẩn bị kết hôn, cô đã nhanh chóng đi lập di chúc để cho con thừa kế một căn nhà riêng ngay trước khi thủ tục kết hôn hoàn thành.

“Ngày lập di chúc tôi thấy hơi buồn vì tự cảm thấy mình chưa đến tuổi phải làm như vậy, thông thường phải 60-70 tuổi người ta mới lập di chúc. Thế nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, ít nhất không ai có thể cướp nhà của con gái tôi” , cô Mã cho biết.

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, giáo sư Diệp Minh Nghĩa, một chuyên gia về luật dân sự tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định hành động có phần "lo xa" của các bậc phụ huynh là do chưa hiểu đúng về luật

Theo quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ở bất cứ thời điểm nào, ngay cả khi đã kết hôn thì chỉ cần trong di chúc xác định tài sản này là cha mẹ chỉ tặng riêng cho 1 bên, không thuộc tài sản chung của vợ chồng thì con ruột vẫn được thừa kế toàn bộ tài sản mà không cần chia cho vợ/chồng nếu ly hôn.

Lập di chúc sớm từng có thời điểm là xu hướng tại đất nước tỷ dân trong những năm gần đây. Theo dữ liệu Sách trắng của Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc năm 2022, độ tuổi trung bình của người lập di chúc đã giảm gần 10 tuổi trong 9 năm qua.

Với thế hệ người lớn tuổi tại Trung Quốc, lập di chúc khi vẫn khỏe mạnh giống như một việc xui xẻo. Tuy nhiên người trẻ hơn lại cho rằng đó là việc cần thiết để bảo vệ tài sản cho chính bản thân họ và một sự đảm bảo quyền lợi cho thế hệ sau, tránh tranh chấp rắc rối nếu có việc bất trắc xảy ra.

Theo Toutiao

Theo Kim Linh

Cùng chuyên mục
XEM