Bà Mai Thanh: “Chính phủ đã tạo ra cơ hội cho REE và tôi hy vọng vì dân tộc Việt Nam, tất cả chúng ta cùng có trách nhiệm với công việc mình đang làm”

19/05/2017 07:34 AM | Kinh doanh

Chủ tịch HĐQT của REE đánh giá, việc Nhà nước thoái vốn khỏi nhiều đơn vị quốc doanh là cơ hội cho các thành phần ngoài nhà nước tham gia đầu tư, giống như REE đã ra tay mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thủy điện.

Gặp nhau tại Hội nghị Thủ tướng và Doanh nghiệp 2017 được tổ chức vào sáng thứ Tư vừa qua, bà Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT của CTCP Cơ điện lạnh ( REE ) và ông Don Lam – Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital tươi cười rạng rỡ: “Trời ơi, bao lâu rồi mới gặp”. Ông Don Lam lắc đầu: “Hàng xóm đó, vậy mà 6 tháng trời không nhìn thấy mặt nhau”.

Là những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân, việc bà Mai Thanh và ông Don Lam bận rộn như vậy không phải là chuyện gì khó hiểu. Trước những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, họ đã và đang hành động rất quyết liệt với chung một suy nghĩ: Đây là cơ hội.

Cơ hội của REE

Nếu như VinaCapital “tất bật” với các thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp cho nước ngoài và mua cổ phần khi IPO của một số doanh nghiệp lớn thì REE tìm thấy cơ hội khi Nhà nước thoái vốn cổ phần.

Năm 2016, REE chính thức thâu tóm CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,6%. Mảng kinh doanh căn hộ của VIID cùng với đóng góp của CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigon Res) đã đem lại 226 tỷ đồng doanh thu bất động sản cho REE trong năm 2016 và giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 33%.

Tuy nhiên, việc liên tục “vung tiền” mua cổ phần tại các doanh nghiệp thủy điện mới là điều khiến người ta chú ý nhất.

Tháng 9/2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đấu giá mua trọn lô cổ phần tại 5 doanh nghiệp thủy điện với giá khởi điểm hơn 1.414 tỷ đồng. CTCP Điện Gia Lai (công ty điện thuộc Tập đoàn Thành Thành Công), REE và CTCP Thủy điện Đắk R’Tíh là 3 doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá này.

Bà Mai Thanh cho biết không mua được lô 5 doanh nghiệp thủy điện nói trên bởi nó đã về tay Đắk R’Tíh. Nhưng REE, ngay sau đó đã liên tiếp thông báo mua cổ phần của một loạt doanh nghiệp thủy điện tên tuổi khác, nổi bật là vụ mua 21% cổ phần của Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) từ SCIC. REE cũng mua 14% của Thủy điện miền Trung (CHP), 10% Thủy điện miền Nam (SHP), nâng tỷ lệ sở hữu tại Thủy điện Thác Bà (TBC) lên trên 60%, nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Phong điện Thuận Bình lên 25%...

Những cái tên này đóng góp dài thêm vào danh sách công ty thành viên của REE trong mảng điện nước bên cạnh Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Quảng Ninh, Thủy điện Thác Mơ, B.O.O nước Thủ Đức, nhiệt điện Ninh Bình… Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản mảng điện-than-nước lên đến hơn 6.000 tỷ đồng - chiếm 52% tổng tài sản hợp nhất của REE.

Trước thắc mắc của chúng tôi về lý do của động thái mạnh mẽ này, Chủ tịch HĐQT của Cơ điện lạnh thản nhiên trả lời: Bởi vì đó là cơ hội.

“Với Nghị định 58 của Chính Phủ, một danh mục dài các doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn đã được nêu rất rõ ràng. Đó là cơ hội cho các thành phần ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Đối với REE, năm 2017, 2018 vẫn là cơ hội để chúng tôi nâng công suất của mình trong ngành điện”. – Bà Mai Thanh nói.

Có thể thấy, trong báo cáo thường niên 2016, một lần nữa HĐQT của REE nhấn mạnh 3 mảng hoạt động chiến lược: Cơ điện lạnh, hạ tầng điện nước và bất động sản, văn phòng cho thuê. Và thời gian qua là lúc Ban điều hành thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội để đầu tư.

Thủy điện là ngành phụ thuộc nhiều vào thủy văn, thời tiết. Điều này thể hiện rõ nét trong các năm qua khi các doanh nghiệp ngành này đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn với El Nino, nhưng rồi sau đó lại hồi phục ngoạn mục khi La Nina đến. Và REE đã "vung tiền" đúng thời điểm khi chọn đầu tư các DN thủy điện miền Trung và Nam Trung Bộ vào cuối năm 2016. Lợi nhuận quý 1/2017 phần nào chứng minh điều đó khi lợi nhuận từ mảng điện nước đạt 130 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 40 tỷ.

Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực tế

REE có một chiến lược tốt và nhanh chóng nắm bắt được cơ hội. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có năng lực tài chính như REE để thực hiện điều đó. Cộng đồng doanh nghiệp cần sự đồng hành của Chính phủ.

Năm trước, Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp có chủ đề “Chính phủ kiến tạo”, năm nay là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Sự chuyển động tích cực của Chính phủ trong 1 năm qua được Chủ tịch HĐQT của REE công nhận khi nhận xét rằng các cấp Bộ, ban, ngành có đã có nhiều thay đổi, thể hiện qua các văn bản, Nghị định sâu sát được ra đời. Tuy nhiên, ở địa phương thì chưa.

Bà Mai Thanh nhận xét, tại địa phương có nhiều lãnh đạo trẻ đổi mới về tư duy và họ cũng “action – hành động” nhưng chưa có sự đồng điệu tại tất cả mọi nơi. Còn về thủ tục hành chính – điều mà doanh nghiệp vẫn luôn kêu than – bà Thanh cho rằng một phần lý do là bởi văn bản luật pháp Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng các đối tượng lại hiểu khác nhau.

“Nói Chính Phủ kiến tạo là làm sao để hành lang pháp lý rõ ràng, cơ quan lập pháp, hành pháp và người dân hiểu văn bản pháp luật như nhau. Khi rõ ràng minh bạch như vậy thì chúng ta sẽ nhìn mọi thứ giống nhau. Cơ chế xin - cho sẽ hết.”

Chủ tịch của REE lấy ví dụ, trong khâu xin quy hoạch xây dựng cần quy định rõ ràng về mật độ, chiều cao và Doanh nghiệp chỉ cần tự động đăng ký xây dựng. Tuy nhiên hiện tại vẫn có quá nhiều khâu thủ tục khiến cho DN mất thời gian.

Ví dụ, REE có dự án xây một tòa nhà và chính quyền thành phố yêu cầu giải trình về vấn đề giao thông vì những năm qua giao thông của thành phố khá căng thẳng. Chỉ giải trình vấn đề này đã mất 7 tháng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai dự án.

“Tôi hy vọng với tinh thần cùng nhìn về phía trước, vì dân tộc Việt Nam thì tất cả chúng ta cùng có trách nhiệm với công việc mình đang làm, đặc biệt là cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi làm ăn, nếu không chúng ta sẽ thua kém các nước lân cận”. – Bà Mai Thanh nói.

Theo Mai Linh

Từ khóa:  mai thanh , ree
Cùng chuyên mục
XEM