Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Trung Nguyên và King Coffee đều là con tôi, tôi không muốn 2 đứa cạnh tranh, mà muốn chúng cùng thành công
"Người ta nói phía sau thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ. Còn bây giờ, câu hỏi đặt ra là, liệu phụ nữ có thể tự tạo thành công cho mình hay không? Tôi phải thử mới biết được!", bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói.
Tôi muốn cả Trung Nguyên lẫn King Coffee cùng thành công
Với tư cách là Chủ tịch và CEO của thương hiệu King Coffee tại Việt Nam, Lê Hoàng Diệp Thảo gây sự chú ý với hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt. Sản phẩm cà phê hòa tan của công ty này đã bước chân vào 60 thị trường quốc tế, với doanh số lên tới 60 triệu USD ngay trong năm đầu tiên. Tháng 4 vừa qua, nhà máy thứ hai của King Coffee đã được xây dựng, đặt tại tỉnh Bình Dương, cách TPHCM khoảng 65km.
Nhưng câu chuyện đằng sau thành công của Lê Hoàng Diệp Thảo còn thú vị hơn nhiều: Bà đã ly thân, và giờ đang chuẩn bị ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người được mệnh danh là "ông vua cà phê" của Việt Nam. Trong hơn 20 năm đồng hành của hai vợ chồng, người ta biết đến ông Vũ là người đã gây dựng tập đoàn Trung Nguyên trở thành nhà rang xay và nhà bán lẻ cà phê chất lượng cao của quốc gia. Còn vai trò của bà Thảo tại Trung Nguyên bao gồm giám sát các hoạt động của nước ngoài. Bà Thảo là người mở những quán cà phê tại Singapore, nơi mà bà kết hợp với các sản phẩm của Trung Nguyên International, công ty mẹ của King Coffee.
Khi ông Vũ và bà Thảo giải quyết ổn định các vấn đề hiện tại và hoàn tất việc ly hôn, bà Thảo sẽ được giữ lại một lượng cổ phần nhỏ của Trung Nguyên. Bà cho biết, doanh thu của Trung Nguyên năm 2016 là 260 triệu USD.
Thành công trước đó đã giúp bà Thảo có thể tự xây dựng cơ ngơi riêng cho mình. "Tôi đã mất 2 năm để gây dựng King Coffee, và tôi coi nó như con đẻ của mình", bà Thảo nói. "Đứa con cả của tôi là Trung Nguyên. Tôi không hề có ý định để King Coffee cạnh tranh với Trung Nguyên. King Coffee là nơi tôi hiện thực hóa ước mơ gây dựng nên một thương hiệu cà phê 'Made in Vietnam'. Tôi muốn cả Trung Nguyên lẫn King Coffee đều cùng thành công".
Xây dựng lại thị trường
Bà Thảo gặp ông Vũ vào năm 1994, khi ông vẫn còn là sinh viên tại Buôn Ma Thuột, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Bà Thảo cho hay, gia đình bà đã chu cấp chi phí ban đầu để mở quán cà phê đầu tiên tên Trung Nguyên. Hai người kết hôn vào năm 1998 và nhanh chóng phát triển thương hiệu cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Theo bà Thảo, bà là người chịu trách nhiệm trong công việc điều hành hàng ngày cũng như thảo luận chiến lược cùng với ông Vũ.
Sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. Điều này đã thúc đẩy bà Thảo tích cực tìm cách giới thiệu sản phẩm King Coffee ra nước ngoài (bắt đầu là nước Mỹ), trước khi tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường nội địa. Bà Thảo hiện đang điều hành 2 nhà máy. Một đặt ở tỉnh Bắc Giang, nơi sản xuất thương hiệu cà phê hòa tan G7. Nhà máy này được mở từ năm 2012 và thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Nhà máy thứ hai của Bà Thảo chủ yếu sản xuất cho King Coffee.
Trong số hàng nghìn cái tên kinh doanh cà phê ở thị trường nội địa Việt Nam, chỉ có một vài tên tuổi lớn thống trị thị trường bán lẻ cà phê, gồm Trung Nguyên (gần đây được bày bán với tên Legend), Vinacafe (thuộc Masan Group), và Nescafé (của tập đoàn Nestlé's). Năm 2012, Trung Nguyên sở hữu 5 nhà máy và một chuỗi 40 cửa hàng cà phê.
Khi mối quan hệ giữa 2 vợ chồng Chủ tịch đổ vỡ, Trung Nguyên đã đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.
"Tôi rất am hiểu thị trường, và tôi muốn phát triển nền công nghiệp cà phê nội địa". Bà khẳng định: "Tôi muốn tham gia vào việc phát triển ngành trồng cà phê tại Việt Nam, giúp những người nông dân trồng cà phê và bảo đảm chất lượng của hạt. Đó là quá trình tiếp cận lâu dài trong ngành nghề này."
Bà Thảo cho biết, bà đã làm việc với Chính phủ để thúc đẩy trồng rừng thông qua đầu tư trực tiếp, giúp người nông dân tự chủ, không bị phụ thuộc bởi biến động thị trường và yếu tố thời tiết. Mục tiêu của bà là đạt đến 30% tổng diện tích canh tác cà phê tại Việt Nam, khoảng 660.000 ha. Bà hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam và đang tạo dựng được nhiều mối quan hệ kinh doanh và chính trị. Bà đã có những chuyến đi cùng các phái đoàn thương mại với Thủ tướng và Chủ tịch nước của Việt Nam đến Nhật Bản và Nga trong thời gian gần đây.
Thử thách khiến người phụ nữ này có thêm năng lượng. "Người ta nói phía sau thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ. Còn bây giờ, câu hỏi đặt ra là, liệu phụ nữ có thể tự tạo thành công cho mình hay không? Tôi phải thử mới biết được!"