Nhắc đến người chồng của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại rơi nước mắt, bà nói "Tôi phải cứu chồng tôi, cứu Trung Nguyên".
Mở đầu câu chuyện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhớ về khoảng thời gian 25 năm qua, khi bà và chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng sáng lập nên công ty, xây dựng từng bước, trải qua nhiều khó khăn để Trung Nguyên hiện nay là một tập toàn lớn.
LÊ HOÀNG DIỆP THẢO: Tôi bắt đầu từ Trung Nguyên, đây là thương hiệu rất đặc biệt của Việt Nam, với hiện tại, điều tôi quan tâm nhất là làm sao để cứu được thương hiệu này. 25 năm, tôi nắm giữ vị trí là phó tổng giám đốc thường trực của công ty, xây dựng từ một công ty rất nhỏ thành tập đoàn. Và để hiểu giá trị, tầm nhìn chiến lược tiếp theo cho Trung Nguyên, ngoài 2 người sáng lập là anh Vũ và tôi thì chưa thể có ai đảm đương được vị trí đó.
Mới đây, tôi bất ngờ nhận được thông tin từ phía nhân viên là có người khác đảm nhiệm vị trí của mình. Đã có sự lo lắng của các nhân viên, khi người này đã ra vào nhiều lần, ngồi ngay chính phòng làm việc của tôi trong nhiều năm. Và nay, ban hành quyết định bổ nhiệm phó tổng giám đốc thường trực mới thì nhân viên hoảng hốt. Vị trí này ở công ty khác thì không sao, nhưng ở Trung Nguyên thì khác, bởi vị trí này trong nhiều năm qua chỉ có tôi.
Trong 5 năm qua, khi anh Vũ ở trên núi và tôi cũng bị âm mưu đẩy mình ra khỏi công ty, còn họ - nhóm người toan tính chiếm đoạt công ty, càng ngày càng chứng tỏ đã nắm giữ hết toàn bộ tập đoàn.
Đã có những chiến lược sai lầm của Trung Nguyên thời gian qua. Đầu tiên họ chuyển đổi sang thương hiệu không đúng, mà tôi đã cảnh báo, là đi lệch chiến lược ban đầu. Thậm chí gần đây đưa ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận bằng 0 là không tưởng!
Trong khi các sản phẩm Trung Nguyên, G7 thì rất được ưa chuộng nhưng giờ lại chuyển sang bao bì khác, màu sắc, cách thức, thậm chí người ta nhìn vào không biết đó là cà phê. Với cách làm thương hiệu như vậy là quá sai.
Câu chuyện hơn 5 năm qua, với những chuyện xảy ra thì cũng dài. Bằng sự cố tình tâng bốc anh Vũ, làm anh ảo tưởng, không đúng quy luật thị trường và thực tế, nhất là chiến lược xuyên suốt hơn 20 năm qua của Trung Nguyên. Những năm gần đây, việc thay đổi cách điều hành, hoạt động khiến tôi thật sự không yên tâm, cảm thấy lo lắng rằng tập đoàn đang có dấu hiệu mất kiểm soát.
Tôi nhận thấy những sự việc như vậy xảy ra liên tục. Vì nguyên tắc, các sự việc phải được làm tốt hơn trong 20 năm qua nhưng gần đây thì đi xuống, sự mất kiểm soát ở hầu hết các quán cà phê, thậm chí nhiều nơi phải đóng cửa.
Sau đợt anh thiền 49 ngày trên núi thì ảnh không còn là ảnh.
Với một doanh nhân, đặc biệt là người điều hành tập đoàn lớn như vậy, việc đầu tiên nhận thấy là các hoạt động xã hội rất nhiều, phải xuất hiện trước công chúng và xã hội nhiều. Nhưng tất cả bạn bè thắc mắc mấy năm qua không gặp ai. Vài cuộc làm việc với nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp khác cũng có trục trặc. Sai lệch từ chuyện họ bơm anh Vũ lên và tưởng rằng như thế là đúng.
Biểu hiện sự không bình thường về tinh thần của anh Vũ tương đối rõ, nhưng sau quá trình 49 ngày mới rơi vào tình trạng đó. Tôi nghĩ cần phải cứu anh.
Lúc còn ở bên cạnh anh, tôi thường nói với anh là trong phạm vi anh em đồng sự, cần phải có những người tâm phúc. Đó là những người biết nói không khi ông chủ của mình sai, biết đâu là giới hạn của pháp lý, đạo lý. Minh tuệ là điều cần thiết.
Không ngờ rằng hôm nay tôi đã phải nhắc lại điều này, không với anh mà là những người xung quanh anh, đang hưởng những lợi ích từ Trung Nguyên. Hãy dừng những hành động sai trái lại.
King Coffee được tung ra từ tháng 10-2016, khi ở Mỹ. Sau đó, đến Trung Quốc, Hàn Quốc rồi mới đến Việt Nam. Và hiện nay, chúng tôi cần rất nhiều thời gian và sự ủng hộ để xây dựng được một thương hiệu vươn ra toàn cầu.
Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cứu anh Vũ, gia đình và thương hiệu Trung Nguyên. Vừa qua toà án sơ thẩm đã xử yêu cầu khôi phục lại chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực cho tôi.
Và hiện Trung Nguyên đang kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Tôi phải trở về công ty, nắm giữ vị trí phó tổng giám đốc thường trực và khi đó không ai cản trở được việc cứu anh Vũ và công ty.
Nguồn: Người Lao động
Người lao động