Bà chủ trà Tâm Lan: Dành cả đời nuôi dạy 10 người con, ở tuổi 60 mới bắt tay khởi nghiệp đem trà Việt bán khắp năm châu
Người mà chúng tôi nhắc tới là bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan. Sản phẩm trà thảo dược của bà có mặt ở nhiều đại lý trên khắp cả nước và được xuất khẩu sang Campuchia, Mỹ, Australia...
Người mà chúng tôi nhắc tới là bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan. Sản phẩm trà thảo dược của bà có mặt ở nhiều đại lý trên khắp cả nước và tại Campuchia, Mỹ, Australia.
Chúng tôi gặp bà Lấn tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao do Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh Và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp (BSA) tổ chức cuối tháng 4. Gần 70 xuân, da dẻ hồng hào, bà Lấn trông trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi của mình. Thương hiệu trà Tâm Lan của người phụ nữ này đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Campuchia, Mỹ, Australia, Singapore...
Khởi nghiệp ở tuổi 60 khi bệnh tật triền miên
“Nếu nói tuổi tác khởi nghiệp thì trong hội trường này, không có ai bằng tui hết. Không phải do tuổi tác quyết định thành công đến quá trình khởi nghiệp mà mình phải có điều kiện, đam mê và đặc biệt khai thác những giá trị để tạo nên sự khác biệt thì chắc chắn thành công”, bà Lấn nói tại sự kiện.
9 năm trước, bà Lấn bắt đầu khởi nghiệp khi đã 60, độ tuổi nhiều người cho rằng là thời điểm để nghỉ ngơi "dưỡng già". Lúc đó, bà bệnh tật triền miên, cơ thể chỗ nào cũng đau bệnh như cao huyết áp, suy tim… , một phần do sinh 10 người con, không có thời gian chăm sóc bản thân.
"Lúc đó, tôi tự hỏi: Tại sao mình bệnh như vậy mà không lấy cây thuốc mà ba sử dụng ngày xưa, nấu uống để đỡ đi bệnh viện. Tôi nấu nước uống và các con tôi không đồng tình. Chúng nói: Khoa học giờ rất hay, sao mẹ không đi viện? Tôi thấy sức khỏe mình càng yếu và mày mò để uống thuốc”, người phụ nữ gần 70 tuổi kể lại.
Cha bà Lấn vốn là thầy thuốc nam. Khi còn nhỏ, bà vẫn thường theo cha đào rễ cây, bốc thuốc. Tuy nhiên, 18 tuổi lấy chồng, mải mê cuộc sống với 10 người con nên bà không còn thời gian để nghĩ đến nghề của cha.
Và khi sức khỏe yếu, những ký ức về cha hiện về. Bà đi tìm các loại thảo dược để uống. Sau đó, sức khỏe bà được cải thiện. Bà mang các sản phẩm đi biếu và được ủng hộ. Lúc này, bà Lấn quyết định thương mại hóa sản phẩm.
“Đầu tiên, tôi đưa ra sản phẩm trà Tâm Lan thì 10 con, 6 gái, 4 trai đều phản đối. Các con tôi nói rằng: Mẹ lớn tuổi rồi, nếu sản phẩm ra thị trường mà người tiêu dùng không chấp nhận thì thôi, mà nếu người tiêu dùng chấp nhận thì sẽ bị cạnh tranh ác liệt”, bà kể.
Bỏ ngoài tai lời can ngăn của con cháu, bà Lấn vẫn quyết tâm mày mò nghiên cứu sản phẩm. Kết quả thực tế đã không phụ lòng người.
“Khi đưa ra thị trường rồi thì phải bảo vệ được sản phẩm của mình. Lúc đó, tôi tự trồng nguyên liệu. Tôi nuôi bò để lấy phân bò. Trang trại bò giờ có khoảng 500 con. Tôi nuôi trùn quế để cho vào phân.
Nếu không để bón cho cây, tôi có thể sử dụng phân trùn quế để bán. Trong 4 tuần, có thể bán được 2 tỷ đồng. Hiện tại, cây nguyên liệu chúng tôi không sử dụng phân hóa học”, chủ thương hiệu Tâm Lan cho biết.
Theo bà Lấn, các nước như châu Âu rất khắt khe về chất lượng nhưng trà Tâm Lan đạt 500 chỉ tiêu. Bản thân bà khi tới Úc bán hàng, bà tự tin bưng từng ly nước để mời khách hàng thưởng trà.
Những ngày mồ cô mẹ, rong ruổi theo cha hái lá thuốc
Cách đây hơn nửa thế kỷ, cô bé Võ Thị Lan được sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tây Ninh. Mẹ mất sớm, Lan hàng ngày rong ruổi theo cha đi hái lá thuốc. 12 tuổi, Lan phải nghỉ học vì điều kiện gia đình và tiếp tục hành trình theo cha đi hái lá, đào rễ cây.
18 tuổi, cô gái lấy chồng. Cuộc đời mới mở ra với thiên chức làm vợ, làm mẹ khi sinh liên tiếp 10 người con, tần tảo nuôi con đã ngốn hết phần lớn tuổi xuân của Lan. Ước mơ trở thành một bác sĩ của cô đã phải cất vào ngăn ký ức.
Hòa bình lập lại, do sự nhầm lẫn, tên Lan chuyển thành Lấn trong hồ sơ của địa phương. Cuộc sống vẫn vất vả, người mẹ không từ việc gì, từ mò cua bắt ốc, cạo mủ cao su… để có đủ cơm cho các con.
Khi các con trưởng thành, có công ăn việc làm cũng là lúc sức khỏe của bà giảm sút. Những thứ cha bà từng dạy, dường như đã ngấm vào máu dù mấy chục năm qua đi. Bà đi tìm thuốc cho bản thân, trước hết để hồi phục sức khỏe.
Lặn lội khắp nơi để giới thiệu sản phẩm, có những lúc thứ bà nhận lại chỉ là những cái lắc đầu của các đại lý. Nhưng dần dần, nhiều người đã tìm đến sản phẩm của bà.
Người phụ nữ ấy giờ đã 69 tuổi và chưa tính đến chuyện nghỉ hưu. “Tôi chưa biết ngày nào sẽ về hưu. Ngày nào còn sức khỏe thì vẫn còn làm. Tôi 10 con nhưng lập nghiệp muộn và các con tôi đều có sự nghiệp riêng. Các con tôi chỉ hỗ trợ. Tâm Lan có như hôm nay, tôi đã phải dành rất nhiều tâm sức. Tôi chưa thể dừng mà chưa có người quản lý được”, bà Lấn tâm sự.