Bà chủ tập đoàn Trung Thủy: "Tôi từng làm ôsin đến tận 16 tuổi, nỗi ám ảnh đói nghèo là động lực giúp tôi có ngày hôm nay"
Nữ doanh nhân Dương Thanh Thủy sinh năm 1961, là bà chủ tập đoàn Trung Thủy, được biết đến là người "khai sinh" ra thương hiệu Miss Aodai. Bà chủ Trung Thủy đang dần rút về hậu trường để nhường nghiệp kinh doanh cho con trai mình là ông Nguyễn Trung Tín.
Người viết có cơ hội gặp lại doanh nhân Dương Thanh Thủy vào một buổi chiều cuối tuần, vẫn nụ cười thật thoải mái của người phụ nữ có một tuổi thơ đầy cơ cực, bà Thủy nói "lúc này khó khăn đang chồng chất khó khăn" khi đề cập đến những kế hoạch lớn sắp tới để tiếp tục lèo lái Trung Thủy.
Nhân ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), chúng tôi có dịp trò chuyện với vị nữ doanh nhân này, và được bà chia sẻ nhiều ấp ủ, hoài bão của mình cũng như tập đoàn Trung Thủy.
Câu chuyện vượt khó để trở thành nữ doanh nhân thành đạt của bà đã từng rất ấn tượng với nhiều người. Vậy những gì trải qua đã mang đến cho bà điều gì để có tên tuổi của ngày hôm nay?
Ba tôi mất khi tôi còn rất nhỏ, từ đó gia đình có nhiều thay đổi nên tôi đã sống tự lập từ năm lên 6, đi làm "ôsin" cho đến tận 16 tuổi để kiếm sống. Đã có lúc, khi lau tủ lạnh cho nhà chủ, tôi nghĩ rằng biết bao giờ mình mới có tiền để mua một cái như thế? Khi mở tủ, thấy có nhiều đồ ăn ngon, tôi lại nghĩ nếu có tủ rồi thì làm sao có tiền để mua đồ ăn?
Gia đình chúng tôi có 4 anh chị em, nhưng khi lên thành phố kiếm sống, tất cả đều ly tán, mỗi người một nơi. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp được gặp nhau. Bởi vậy mà tôi luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, thiếu không khí gia đình nên luôn cần sự yêu thương chăm sóc của người thân. Và tôi cũng hiểu được nỗi cơ cực của những con người cùng cảnh ngộ.
Có lẽ, những ám ảnh về sự đói nghèo từ thời thơ bé và sự thiếu thốn tình cảm chính là một trong những động lực để giúp tôi có được ngày hôm nay. Tất cả đã tạo cho tôi tính cách "chịu đựng và cố gắng vượt qua khó khăn, luôn phấn đấu" để ngày mai phải hơn ngày hôm nay.
Tuy nhiên, sau khi đưa tên tuổi Trung Thuỷ có chỗ đứng trên thị trường ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau, bỗng dưng có một giai đoạn mọi thứ chìm vào im ắng? Nhiều tin đồn cho rằng Trung Thuỷ đang co cụm lại vì khó khăn, bà nói gì về điều này?
Thật sự chúng tôi vẫn hoạt động tốt từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, mặc dù đã gặp không ít sóng gió trên thương trường. Chúng tôi luôn tự hào về thương hiệu của Miss Aodai và cũng chính môi trường kinh doanh đó đã tạo ra Tập đoàn Trung Thủy hoạt động đa lĩnh vực của ngày hôm nay.
Và cũng từ việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu Miss Aodai, chúng tôi đã có được nhiều kinh nghiệm quý giá. Trong thời gian qua khi con trai mình (anh Nguyễn Trung Tín - Tổng Giám đốc Trung Thuỷ Group) du học ở nước ngoài nên chưa thể bàn giao hết việc kinh doanh cho người đáng tin tưởng. Nhưng sau khi cháu về nước, chúng tôi như đang chạy một chiếc xe với tốc độ 100km/giờ, bất thình lình giao vào tay con trai và buộc con mình phải tiếp tục lèo lái.
Đây là thời điểm vợ chồng tôi phải lùi lại để bàn giao cho một thế hệ mới, chấp nhận ban đầu chiếc xe có thể chạy loạng choạng hoặc té ngã. Chúng tôi cảm nhận được nếu con trai mình có vấp phải sai lầm thì cũng là những bài học tốt và giúp cháu ghi nhớ suốt đời. Vợ chồng tôi luôn nói với con mình rằng "một lần vấp ngã là một lần bớt đau", phải tạo cơ hội đương đầu với thế giới bên ngoài thì mới mạnh mẽ lên được. Đương nhiên, với kinh nghiệm trên thương trường hơn 30 năm thì tôi vẫn phải đứng sau lưng hỗ trợ Tín rất nhiều.
Được biết, tập đoàn Trung Thuỷ đang manh nha chiến lược "nhảy" vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Đây không phải là "chiếc bánh" dễ kiếm lợi nhuận, vậy hướng đi của mình sẽ như thế nào?
Chuyển sang làm nông nghiệp là chúng tôi làm theo phương châm mỗi người Việt đều được ăn những loại nông sản có chất lượng, đảm bảo sức khoẻ, chứ không phải làm nông nghiệp để kiếm tiền. Mình phải ăn những sản phẩm của mình làm ra thì mới mang đến cho những người khác. Theo suy nghĩ của tôi, mình luôn đau đáu khi nhận thấy rằng chúng ta là một đất nước thuần nông nhưng hiện nay vẫn đi nhập khẩu các mặt hàng nông sản, ngay cả từng hạt lúa đến ký thịt heo...
Ở TP.HCM đầu tư vào nông nghiệp không đâu hợp lý bằng Củ Chi, do đây là vùng đất cao, nước không nhiễm phèn và nhất là thành phố đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào nơi đây.
Hiện nay đất sạch dành cho dự án này đã có, lên đến hơn 500ha và dự kiến sẽ nhận được các quyết định đầu tư vào cuối năm này. Mô hình phát triển của dự án nông nghiệp sạch này là hoàn toàn khép kín, du khách đến trải nghiệm, tận mắt chứng kiến các quá trình canh tác, tự tay hái rau quả nấu ăn chứ không bán trên thị trường trong giai đoạn đầu.
Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện liên kết mạnh mẽ với nhiều tập đoàn nông nghiệp lớn trên thế giới để đầu tư nhiều mô hình nông trang, du lịch kết hợp làm nông, biến nơi này thành một điểm đến không chỉ vui chơi, ăn uống sạch mà còn là nơi học tập, nghiên cứu.
Có thông tin cho rằng Trung Thủy đang có ý tưởng đầu tư khu du lịch trên sông tại Tp.HCM. Vì sao bà lại có ý tưởng đầu tư vào mô hình này?
Nhiều năm qua, du khách quốc tế cứ than phiền là TP.HCM không có điểm đến ấn tượng, quá nghèo sản phẩm du lịch dẫn đến lượng khách đến TP.HCM ngày càng sụt giảm. Tôi đã ấp ủ dự án phát triển du lịch đường sông, tạo điểm nhấn cho thành phố.
Những lần đi trên đại lộ Võ Văn Kiệt ban đêm quá tối, nhìn dòng kênh Bến Nghé lặng lẽ, lòng tôi lại se thắt. Tại sao chúng ta không tạo ra sản phẩm du lịch tấp nập trên sông như các quốc gia láng giềng từng làm?
Tôi từng gửi ý tưởng khai thác du lịch trên sông đến lãnh đạo thành phố để bày tỏ tâm huyết của mình: để phục vụ du khách đi trên sông, trên thuyền chỉ cần bán kem, cà phê, nước giải khát. Trên bến trước mắt sẽ tìm 2 điểm dừng là những nhà kho cũ; một ở quận 4, cái còn lại ở quận 8 để biến thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật, ban đêm biểu diễn cải lương, đờn ca tài tử, trình diễn áo dài, áo bà ba... cũng như giới thiệu các sản phẩm quà tặng mà bất cứ khách du lịch nào cũng muốn mua làm quà cho người thân. Khi khai thác trên sông, tập đoàn sẽ kêu gọi các doanh nghiệp quảng cáo, trang bị đèn hai bên sông.
Thế mạnh của dự án này là tính nhân văn. Có thể nhận những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ đang bán hàng rong đeo bám khách trên bờ đưa xuống tàu bán hàng phục vụ khách quốc tế. Tập đoàn sẽ hướng dẫn trẻ mồ côi lang thang kỹ năng giao tiếp, bán hàng trên tàu, khoác lên mình các em những bộ đồng phục, trả lương để các em trở thành những người bán hàng thật sự, bán đúng giá, đúng chất lượng chứ không chụp giật như trước. Ngay trẻ đánh giày, tập đoàn cũng tập hợp về, đeo bảng tên, lý lịch cuộc đời trên ngực áo, trang bị giỏ đồ đánh giày đẹp đẽ, đúng kiểu để các em lên tàu phục vụ khách.
Nếu dự án được triển khai, chắc hẳn du khách đến TP.HCM sẽ gia tăng khi họ được trải nghiệm một sản phẩm đặc thù trên sông mà xứ sở họ không hề có. Hiện chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các phương án thiết kế để trình lãnh đạo thành phố.
Theo bà, để thành công trên thương trường thì một doanh nhân cần yếu tố nào nhất?
Trong kinh doanh, chúng ta phải biết xem khách hàng là một partner (đối tác) thật khó tính. Nếu mình suy nghĩ như vậy thì mình sẽ luôn tồn tại, tại vì họ luôn là đối tác của mình, tức là hai bên đều cùng có lợi và đều thắng (win - win). Với suy nghĩ đó, chúng tôi luôn làm tốt nhất có thể trong từng hoạt động kinh doanh.
Trung Thủy luôn nhận thấy rằng khách hàng không đơn giản chỉ là người mua hàng của chúng ta mà họ còn là những người thầy, là người bạn và còn là chính mình. Hãy đặt mình ở vị trí của người mua hàng, bạn sẽ biết khách hàng của chúng ta cần gì, muốn gì cho sản phẩm mà họ đang mua.
Ngay cả trong các dự án nhà ở của chúng tôi sắp được bán ra thị trường, phương châm của tôi là hãy xây mỗi ngôi nhà như xây cho chính bản thân mình. Từ đó, tôi yêu cầu các kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng phải chăm chút từng chi tiết dù nhỏ nhất để tạo sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.
Xin cám ơn bà!