Apple, Google đều lên kế hoạch sản xuất ở Việt Nam, liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới?

06/07/2022 16:01 PM | Xã hội

Hãng truyền hình nổi tiếng của Đức - Deutsche Welle (DW) nhận định, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng. Cụ thể, cả Apple và Google đều lên kế hoạch sản xuất một số sản phẩm của hãng ở Việt Nam.

Nhiều ông lớn công nghệ lên kế hoạch đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam

Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tháng 6, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ, các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam.

Theo đó, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam…

Cụ thể, theo Nikkei Asia, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đồng thời, tờ báo Nhật cho biết đây là “lần đầu tiên” Apple thực hiện điều này. Được biết, ngoài kế hoạch chuyển sản xuất hiện tại, Apple đã làm việc với công ty BYD của Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất iPad tại Việt Nam. BYD dự kiến ​​sẽ sớm đi vào hoạt động, nhưng ban đầu có thể chỉ sản xuất một số lượng nhỏ iPad.

Ở một diễn biến khác, Digitimes đưa tin, Google đang xem xét chuyển đơn đặt hàng cho smartphone thế hệ mới đến các nhà máy của đối tác sản xuất ở Việt Nam. Mục đích của tập đoàn Mỹ là tránh rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những đợt phong toả vì dịch bệnh của Trung Quốc.

Theo đó, Google sẽ chuyển một phần nhỏ đơn đặt hàng Pixel 7 sang sản xuất tại Việt Nam để thử nghiệm và "đào tạo nhân sự". Digitimes cho hay, dây chuyền sản xuất smartphone mới của Google tại Việt Nam sẽ được thành lập sau năm 2023. Lúc này, các máy thế hệ smartphone mới nhất của hãng sẽ được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á.

Liệu Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới?

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) từng cho biết, nguyên nhân sâu xa của xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng vào Việt Nam, phần lớn đến từ việc, Trung Quốc có ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đến nay đã tương đối phát triển.

"Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, họ đã phát triển lên tầm cao hơn là chỉ lắp ráp đơn thuần như trước. Việt Nam là nước khá tương đồng với Trung Quốc trong các hoạt động về sản xuất điện tử, cả về nhân công và vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, logistics… và sẽ rất phù hợp để tiếp nhận dòng dịch chuyển vốn, cũng chính là dòng dịch chuyển về công nghệ", bà Đỗ Thị Thúy Hương nói.

Hãng truyền hình nổi tiếng của Đức - Deutsche Welle (DW) nhận định, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Trả lời phỏng vấn với Reuters, ông Raphael Mok từ công ty tư vấn Fitch Solutions cho hay: “Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng".

Nhiều công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang chi rất nhiều tiền đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, vào tháng 2, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung đã thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.

Theo tạp chí thương mại điện tử Elektronik Praxis của Đức, các tập đoàn điện tử đến từ Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek, Pegatron, cũng đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.

Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn lọt vào danh sách ưu tiên của các công ty Đức.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Caijing (Trung Quốc), Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Duane Morris Vietnam LLC nhận định, Việt Nam hiện có đủ yếu tố để trở thành công xưởng của thế giới như nguồn nhân lực, công nghệ, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như vốn đầu tư nước ngoài.

"Việt Nam đã phát triển quá nhanh về kinh tế và chính trị trong 5 năm qua, và trong vòng 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi mà chúng ta thậm chí không thể lường trước được", ông khẳng định.

Tham khảo: DW, Nikkei Asia, Caijing...

Theo Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM