Áp dụng 6 ĐIỀU này đảm bảo con trở nên tự lập
Dạy con tự lập đang là xu hướng giáo dục ngày càng được các bậc phụ huynh hiện đại ưa chuộng.
Việc để trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết với chính bản thân trẻ và với cả cha mẹ. Trẻ có thể tự làm những công việc cá nhân mà không phụ thuộc hay ỷ lại vào người lớn. Đồng thời, điều này cũng giúp trẻ hình thành thói quen chủ động từ sớm mà đáng ra trẻ sẽ mất nhiều thời gian tương đối lâu để học.
Nhiều cha mẹ có tâm lý bao bọc con một cách quá mức. Điều này thực sự không tốt cho trẻ. Sự bảo vệ của cha mẹ khiến trẻ đánh mất sự chủ động và bị phụ thuộc quá nhiều vào người lớn. Trẻ sẽ trở nên lười làm việc, hay nhụt chí và không muốn cố gắng. Dưới đây là một số phương pháp rèn luyện cho con tính tự lập, cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng.
1. Khuyến khích trẻ làm việc trong khả năng
Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ bao bọc, chở che con. Họ luôn thu xếp vẹn toàn cho con từ việc nhỏ đến việc to, không để con lăn tăn điều gì. Họ rất thương con, sợ con đi đường vòng sẽ gặp nhiều trở ngại. Các ông bố bà mẹ này luôn dùng kinh nghiệm sống của mình để quyết định mọi việc thay con. Họ cho rằng họ luôn đúng và việc của đứa trẻ là chấp hành nghiêm chỉnh. Ngay cả sở thích, ý tưởng, hoạt động thường ngày, trẻ cũng không được thực hiện theo ý muốn.
Đứa trẻ sống trong gia đình như vậy không có cơ hội đưa ra quyết định. Trẻ không được lựa chọn đồ ăn, học những môn năng khiếu là thế mạnh hay mua những cuốn sách mình yêu thích. Cuộc sống của trẻ trở nên tẻ nhạt, vô phương hướng. Việc cha mẹ quyết định thay con không phải là giúp con mà đang khiến con mất đi khả năng tự lập trong cuộc sống.
Cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn con hình thành suy nghĩ và thực hiện lối sống tự lập. Trẻ có thể bắt đầu làm những việc trong khả năng như: Dọn dẹp nhà cửa, nấu món ăn đơn giản, chăm sóc cây cảnh,… Điều này không chỉ giúp trẻ trở nên tự lập mà còn khiến trẻ thêm hiểu giá trị bản thân, cảm thấy hạnh phúc vì được làm việc có ích.
Những đứa trẻ biết làm việc nhỏ sẽ làm được việc lớn sau này. Trẻ sẽ trở thành người tự tin, chủ động trong công việc, được mọi người xung quanh quý mến.
2. Nâng cao tinh thần trách nhiệm
Khi các bậc phụ huynh hướng dẫn con cách đưa ra quyết định trước một sự việc thì nên dạy con chịu trách nhiệm trước lựa chọn đó. Đây là điều quan trọng mà nhiều ông bố bà mẹ thường quên hoặc không chú trọng. Nếu trẻ không biết chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến việc đưa ra quyết định mù quáng, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chẳng hạn, cha mẹ nên bắt đầu chỉ ra cho con những bất cập trong quyết định thường ngày như: "Nếu con chọn đi chơi vào cuối tuần khi chưa làm xong bài tập sẽ bị cô giáo phê bình vào đầu tuần", hay "Nếu con không tuân thủ đúng thời gian sử dụng điện thoại, con sẽ có nguy cơ học tập sa sút và mẹ sẽ tịch thu điện thoại trong 3 tháng",… Để trẻ nhìn rõ hậu quả, trẻ sẽ ý thức được trách nhiệm bản thân, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn.
Những đứa trẻ có trách nhiệm ngay khi còn nhỏ, lớn lên sẽ tiếp tục duy trì tính cách tốt này. Làm việc gì trẻ cũng luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu để cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Điều này giúp trẻ nhận được tín nhiệm lớn, có cơ hội trở thành lãnh đạo, sự nghiệp phát triển triển.
3. Luôn tin tưởng con cái
Điều những đứa trẻ cần không phải là sự bao bọc, chiều chuộng quá mức mà là việc cha mẹ tin tưởng vào khả năng của trẻ. Bảo vệ quá mức không phải là cách giáo dục hay, càng không thể đảm bảo trẻ sẽ tránh được mọi nguy hiểm.
Vì vậy, cách tốt nhất mà cha mẹ nên làm là cung cấp kiến thức cùng kỹ năng để trẻ đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống. Điều này giúp trẻ tự lập và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
4. Tích cực khen ngợi trẻ
Nhiều cha mẹ thường so sánh con mình với "con nhà người ta", nhất là trong học tập. Thực tế, mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và khuyết điểm. Cha mẹ không nên chỉ quan tâm đến khuyết điểm mà bỏ qua những mặt tốt của con. Hãy hạn chế chỉ trích, trách móc mà thường xuyên dành cho con những lời khen.
Theo các nghiên cứu khoa học chứng minh, việc giáo dục con bằng ngôn từ mang tính miệt thị không đem lại hiệu quả như mong đợi. Những lời lẽ trách móc chỉ khiến trẻ thiếu tự tin, trở nên rụt rè, thui chột tiềm năng vốn có. Cha mẹ hãy thường xuyên khen ngợi khi trẻ làm việc tốt. Điều này sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện những việc làm đó. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen tốt.
5. Tự do có ranh giới
Cha mẹ cần tôn trọng quyền tự do của con, để con tự quyết định một số việc nhưng không có nghĩa là buông bỏ, phó mặc mọi chuyện cho con. Cha mẹ hãy suy nghĩ xem vấn đề gì trẻ có thể giải quyết, vấn đề gì cần sự hỗ trợ từ người lớn. Việc nắm rõ ranh giới rất quan trọng, giúp trẻ có thể chủ động trong mọi việc mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trong quá trình hỗ trợ trẻ đưa ra quyết định, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ so sánh, phân tích và phán đoán sự việc. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho tương lai của trẻ.
6. Sử dụng hình phạt một cách thận trọng và có phần thưởng xứng đáng
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ nên dùng phần thưởng để khích lệ tinh thần con. Sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của trẻ cũng cần được tuyên dương. Cha mẹ hãy khen ngợi, cổ vũ, tặng phần thưởng cho trẻ và đừng coi đó là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý chọn phần thưởng phù hợp, tránh quá đắt tiền sẽ khiến trẻ không chú ý vào sự tiến bộ của bản thân mà chỉ quan tâm đến phần thưởng.
Về những thất bại và sai lầm, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ nguyên nhân và động cơ sâu xa. Khi trẻ vô ý mắc lỗi hoặc đã nỗ lực rất nhiều mà vẫn thất bại, cha mẹ nên thấu hiệu và tha thứ. Đồng thời hãy giúp trẻ nhận ra bài học kinh nghiệm và khuyến khích trẻ không bỏ cuộc. Việc khen, phạt đúng lúc đúng chỗ sẽ giúp trẻ phát triển được thế mạnh bản thân, trở nên chủ động hơn trong công việc của mình.
Rặng núi Dolomities phía Bắc nước Ý: Kiệt tác thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới