AP: Chúng ta đã nhầm to về Triều Tiên
Triều Tiên vẫn luôn là trường hợp khó hiểu, khi liên tiếp dốc mọi nguồn lực vào chế tạo vũ khí hạt nhân trong khi vẫn phải kêu gọi viện trợ lương thực thường xuyên.
Một nhà ngoại giao Mỹ từng gọi đây là đất nước "bất khả thi", chỉ cần một cú hích nhẹ là có thể "sụp đổ".
Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng chúng ta vẫn nghe truyền thông đưa tin Nhà Trắng và Hội đồng Bảo an LHQ nói mãi về Triều Tiên như vậy rồi.
Trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các biện pháp trừng phạt sau vụ thử hạt nhân hồi đầu tháng, hãng tin Mỹ AP đã có bài phân tích những quan niệm "nghĩ vậy mà không phải vậy" về đất nước bí ẩn này.
Kim Jong-un là người khó đoán, kém cỏi?
Khi các quốc gia đang trong cơn phẫn nộ, việc nhạo báng là một cách để "hạ hỏa". Nhưng dù có thấy đối thủ khó hiểu đến đâu - vẫn rất nguy hiểm nếu đánh giá thấp người đó.
Trên thực tế, có rất ít bằng chứng cho thấy lãnh đạo Triều Tiên là người điên rồ, khó đoán hay kém cỏi như một số báo chí và nhà phân tích phương Tây vẫn nhận xét.
Sau khi cha ông - cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il - qua đời, Kim Jong-un lên nắm quyền trong khi có rất ít sự chuẩn bị và mới chỉ 27 tuổi. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo trẻ tuổi tỏ ra nắm rất chắc thực quyền trong tay, khi không có một vòng tròn quyền lực nào khác ngoài ông ra.
Trong một chế độ như ở Triều Tiên, cân bằng các nhóm lợi ích và ngăn chặn tình trạng bất ổn không phải là việc dễ làm. Kim Jong-un cũng được dự đoán rằng sẽ gặp phải nhiều rào cản, nhưng ông luôn cho thấy khả năng duy trì cân bằng quyền lực nhuần nhuyễn - và thậm chí tàn nhẫn nếu cần.
Thử thách lớn nhất trong thời gian cầm quyền đến rất sớm, và nhà lãnh đạo đã đối phó bằng cách tử hình người chú - và trước kia là người thầy - đầy quyền lực của mình, sau đó thực hiện thanh trừng hàng ngũ.
Về chính sách, chế độ dưới thời Kim Jong-un vẫn nhất quán. Mục tiêu của ông là phát triển kho vũ khí hạt nhân của đất nước, và cải thiện đời sống nhân dân.
Các nhạc sĩ và vũ công Triều Tiên vẫy cờ tại lễ khai mạc Đại hội thể thao sinh viên thế giới (Universiade) 2003 ở Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Lựa chọn hạt nhân là "phi lý"?
Nếu bàn đến những cơ hội thương mại biến mất, các biện pháp trừng phạt và cô lập ngoại giao, thì việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân khiến nước này phải trả giá đắt. Bình Nhưỡng cũng phải sử dụng các nguồn lực mà lẽ ra có thể được đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng.
Thế nhưng các phép toán về quân sự lại cho kết quả khác.
Hàng xóm của Triều Tiên toàn những nước mạnh về hạt nhân. Hai trong số đó - Nga và Trung Quốc - tỏ ra khá thân thiện. Nhưng con át chủ bài lại thuộc về tay Mỹ, rồi đến Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia nằm trong cái ô hạt nhân của Mỹ.
Washington có khả năng đánh bom Triều Tiên đến khi nước này bị đẩy lùi hoàn toàn về quá khứ - điều mà họ đã gần làm được với vũ khí thông thường trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Bình Nhưỡng xưa nay kiềm chế được Hàn Quốc là nhờ kho vũ khí khá lớn nằm gần khu Phi quân sự. Nhưng việc tấn công được sang đất Mỹ vẫn nằm ngoài tầm với. Một phương thức giúp ngăn chặn bằng vũ khí hạt nhân , theo lời Bình Nhưỡng, sẽ thay đổi cục diện này. Vị thế trên bàn đàm phán của Triều Tiên cũng sẽ được cải thiện nếu chứng tỏ được tiềm lực hạt nhân.
Điều này nghe hơi giống bệnh hoang tưởng, nhất là khi khi bản thân Mỹ cũng khẳng định suốt nhiều thập kỷ rằng nước này không có ý định "xâm lược" Triều Tiên.
Thế nhưng năm nào cũng vậy, lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc luôn tổ chức các cuộc tập trận chung dù trên danh nghĩa phòng thủ, nhưng gần đây đã bao gồm các các cuộc diễn tập tấn công chính xác, thậm chí là các cuộc tấn công giả định nhằm "tiêu diệt" Kim Jong-un, cùng với nhiều kịch bản xâm lược hay phá hủy Bình Nhưỡng.
Đối với Triều Tiên, đây là một nguy cơ có thật.
Mọi lời đe dọa, dù là thật hay giả, đều được dùng vào mục đích chính trị. Có rất ít điều khiến cả đất nước tụ họp lại phía sau nhà lãnh đạo của họ. Một trong số đó là nỗi lo sợ bị tấn công - nhất là khi nguy cơ đó đến từ nền quân sự mạnh nhất thế giới.
Công nhân Triều Tiên làm việc trong Đặc khu kinh tế Rason, thành lập năm 1991 trên cơ sở hợp tác Triều Tiên-Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Nền kinh tế Triều Tiên "vô cùng thảm hại"?
Đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề, ngăn cấm tất cả các hình thức thị trường tư bản và sở hữu hệ thống tài chính nghèo nàn, nhưng kinh tế Triều Tiên vẫn đạt mức tăng trưởng đều qua các năm.
Mặc dù phải làm việc với dữ liệu có sai lệch và không hoàn chỉnh, các nhà kinh tế đồng tình với quan điểm rằng tình hình chung đang có một số khởi sắc. Họ ước tính mức tăng trưởng GDP hàng năm từ 1 đến 3%.
Lệnh trừng phạt chắc chắn rất đau, nhưng không gây tê liệt.
Bất chấp lo ngại hạt nhân trong khu vực, Triều Tiên vẫn tiếp tục giao thương với Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ này không có dấu hiệu dừng lại, nhất là khi cả Bắc Kinh và Moscow đều có những e ngại nhất định xoay quanh các chính sách mà hai nước cho rằng do Washington đề ra.
Triều Tiên vẫn là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới. Tình trạng thua kém do thiếu ăn, nghèo khổ và thiếu lựa chọn kinh tế chắc chắn vẫn duy trì. Thế nhưng Triều Tiên vẫn không nghèo hơn những nước nghèo khác là bao.
Văn phòng tại Bình Nhưỡng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết tình hình thực phẩm tại đây rất bấp bênh. Phần lớn người Triều Tiên không có bữa ăn cân bằng, đủ chất.
Nhưng người Triều Tiên có bị thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng trên diện rộng không? Nước này có nằm trong danh sách các nước hứng chịu tình hình thực phẩm nguy cấp nhất không?
Không hề.
(Các trường hợp khẩn cấp nhất, theo WFP, là Syria, Iraq, Nigeria, Nam Phi, Nam Sudan và Yemen.)
Nguy cơ "sụp đổ"?
Phương Tây đã không ít lần nói về khả năng "sụp đổ" của Triều Tiên. Nhưng nước này đã đứng vững trong gần 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của 3 đời cha con họ Kim.
Chính phủ Triều Tiên cũng sống sót qua chiến tranh. Nhờ có sự giúp đỡ khổng lồ từ Trung Quốc, mà cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên kết thúc trong tình trạng bế tắc.
Lịch sử đã cho thấy, nếu không có xâm lược, nổi loạn trong nước hay một cuộc tổng nổi dậy, mối đe dọa lớn nhất đối với một chế độ sẽ là một nền kinh tế tiêu dùng trong nước được sử dụng nhằm đối phó với những năm nạn đói hoành hành.
Khi Triều Tiên không còn khả năng cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, người dân đã học cách tự cung tự cấp. Điều này giúp Triều Tiên vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng tạo ra nền kinh tế dựa vào tiền mặt và kinh doanh tự phát. Nền kinh tế này đã và đang phát triển, có khả năng sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Nhưng rất có thể chính quyền lại vẫn áp chế được.