Anh vợ mất, chị dâu lấy chồng khác, tôi đem 3 đứa cháu về nuôi: Bây giờ 70 tuổi, tôi đang hưởng một cái Tết vui vẻ con đàn cháu đống

05/02/2024 07:27 AM | Sống

Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, tôi quyết định đem sổ đỏ của gia đình mang đi thế chấp lấy tiền đóng viện phí cứu cháu. Tôi nghĩ rằng các cháu là con của anh vợ thì cũng giống như con của tôi. Tôi làm điều này không phải để đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì, chỉ để cầu xin một lương tâm trong sáng. Nhưng tôi không ngờ rằng chính nhờ sự hi sinh quên mình khi còn trẻ mà tôi đã sống một cuộc sống đặc biệt thoải mái và hạnh phúc trong những năm cuối đời...

Tôi tên Ngô Quế Tiên, năm nay tôi đã 70 tuổi. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện của cuộc đời mình, biết đâu sẽ mang tới tinh thần tích cực trong năm mới.

Năm tôi 26 tuổi thì tôi lấy vợ. Cô ấy kém tôi 2 tuổi, gia cảnh rất khó khăn. Do bố mẹ mất sớm nên để lại cho vợ tôi và anh trai một khoản nợ lớn, cứ vậy hai anh em chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống.

Mặc dù biết trước rằng nếu cưới cô ấy thì sẽ chịu gánh nặng rất lớn nhưng tôi không ngần ngại. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều là những người chăm chỉ và có trí, chỉ cần mọi người cùng cố gắng thì nhất định dần dần sẽ trả hết nợ. Vậy là bất chấp sự ngăn cản của gia đình, tôi và cô ấy vẫn kết hôn.

Anh vợ hơn tôi 5 tuổi, tính tình anh ấy rất tốt, luôn coi tôi như em trai trong nhà. Với sự nỗ lực chung của ba người, cuộc sống ở nhà đã được cải thiện rất nhiều, khi có điều kiện, vợ chồng tôi đã giúp anh tổ chức đám cưới, xây dựng gia đình nhỏ. Ban đầu tôi có ấn tượng rất tốt với chị dâu, nếu không tôi đã không để anh vợ cưới cô ấy. Nhưng thời gian trôi qua, tôi thấy mình đã phạm sai lầm.

Anh vợ mất, chị dâu lấy chồng khác, tôi đem 3 đứa cháu về nuôi: Bây giờ 70 tuổi, tôi đang hưởng một cái Tết vui vẻ con đàn cháu đống - Ảnh 1.

Chị ấy là người ích kỷ, chỉ biết chăm sóc cho gia đình nhà mẹ đẻ. Thời gian đó anh vợ đi làm xa, chị ấy thường dẫn các con về ngoại ở, tiền bạc chồng gửi về đều đem hết cho bố mẹ giữ. Vợ tôi thấy vậy nhiều lần cũng góp ý nhẹ nhàng nhưng chị dâu còn mắng lại, trách cô ấy không có quyền can thiệp.

3 năm sau, anh vợ tôi không may bị tai nạn lao động qua đời. Chị dâu đã được nhận tiền bồi thường từ công ty và tiền bảo hiểm rồi nhanh chóng về quê tái hôn với một người đàn ông khác. Thấy vậy, vợ tôi khóc lóc nói: "Chị ơi, anh vừa mới mất, bây giờ chị bỏ các cháu ở lại thì chúng làm sao sống nổi".

Vậy mà chị dâu chẳng quan tâm, chị nói mình còn trẻ nên không thể sống cô độc cả đời, các con xin gửi gắm vợ chồng tôi trông lo.

Chúng tôi có một con trai và một con gái, nuôi hai đứa con ăn học nên cuộc sống cũng không mấy dư dả. Giờ đây lại gồng gánh thêm 3 đứa cháu nên sẽ là áp lực rất lớn. Nhưng chúng tôi là người thân duy nhất còn lại của những đứa trẻ, vợ chồng tôi không thể làm ngơ.

Ngày đó nuôi 5 đứa con tuy không khó như bây giờ nhưng cũng không hề dễ dàng. Suy cho cùng, chúng tôi cũng chịu nhiều khổ cực vì phải cho 5 đứa con đi học cùng lúc, thậm chí còn phải vay mượn tiền của người khác.

Trong thôn có người nói, không cần đối xử tốt như vậy với các cháu, cho bọn nó ăn uống đã là tốt rồi, cũng không cần phải đi học. Nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ như vậy, chúng tôi đã chọn nhận bọn trẻ về nhà nuôi thì phải đối xử bình đẳng với chúng, coi bọn trẻ như con ruột của mình và để chúng có cảm giác thân thuộc trong nhà mình.

Tôi nhớ rằng cháu trai lớn của tôi bị bệnh nặng khi cháu mới 15 tuổi và chi phí để chữa bệnh là rất lớn. Chúng tôi không có nhiều tiền như vậy, và một số bạn bè đã khuyên chúng tôi nên bỏ cuộc, họ nói rằng bọn tôi dù sao cũng đã chăm sóc cháu hết sức rồi, nếu cứ cố chấp đi vay mượn thì sau này sẽ chịu cảnh làm việc cả đời để trả nợ.

Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, tôi quyết định đem sổ đỏ của gia đình mang đi thế chấp lấy tiền đóng viện phí. Tôi nghĩ rằng các cháu là con của anh vợ thì cũng giống như con của tôi. Tôi làm điều này không phải để đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì, chỉ để cầu xin một lương tâm trong sáng. Nhưng tôi không ngờ rằng chính nhờ sự hi sinh quên mình khi còn trẻ mà tôi đã sống một cuộc sống đặc biệt thoải mái và hạnh phúc trong những năm cuối đời...

Anh vợ mất, chị dâu lấy chồng khác, tôi đem 3 đứa cháu về nuôi: Bây giờ 70 tuổi, tôi đang hưởng một cái Tết vui vẻ con đàn cháu đống - Ảnh 2.

Khi còn đi học, điểm số của các con tôi ở mức trung bình, con gái tôi đỗ vào hệ đại học tổng hợp và hiện là giáo viên tiểu học. Điều kiện gia đình nhà chồng cũng ở mức trung bình, bố chồng, mẹ chồng đều đau ốm, phải nuôi con ăn học nên cuộc sống khá khó khăn.

Con trai tôi đã vào đại học, hiện đang làm chủ một tiệm sửa xe. Nhưng con lại là người chồng nhu nhược, chỉ biết nghe lời vợ nên hầu như chỉ gần gũi với bên nhà vợ.

Khi các con tôi rơi vào hoàn cảnh như thế này, nếu chúng tôi muốn dựa vào chúng để chu cấp cho chúng tôi khi về già thì cuộc sống chắc chắn sẽ không được thoải mái cho lắm. Song, bây giờ chúng tôi đã có một căn hộ ở thành phố, không phải lo cơm ăn áo mặc, ngày ngày chúng tôi vui vẻ, chủ yếu là nhờ lòng hiếu thảo của ba đứa cháu.

Hai đứa con của tôi không học tốt, nhưng các cháu của tôi thì khác, cả 3 đứa đều thông minh và đều đỗ vào các trường đại học rất tốt. Người cháu trai lớn học chuyên ngành kinh tế, sau khi ra trường bắt đầu kinh doanh riêng, hiện sở hữu hai công ty và có cuộc sống sung túc.

Người cháu thứ hai sau khi tốt nghiệp trở thành giáo viên cấp 3, hiện là trưởng khoa. Còn cháu gái nhỏ của tôi đã học đại học y và hiện là bác sĩ, đây là một nghề tốt và đáng trân trọng.

Căn nhà mà vợ chồng tôi đang ở hiện nay được cháu trai lớn của tôi mua cho khi tôi sinh nhật 60 tuổi, là một căn nhà rộng hơn 130 mét vuông có ba phòng ngủ và một phòng khách. Lúc đó bọn trẻ lo lắng chúng tôi sẽ về quê nghỉ hưu, dù sao xung quanh cũng không có các con, nếu có chuyện gì xảy ra cũng không ai có thể giúp đỡ chúng tôi. Người cháu lớn giàu có hơn nên chủ động trả tiền mua nhà.

Anh vợ mất, chị dâu lấy chồng khác, tôi đem 3 đứa cháu về nuôi: Bây giờ 70 tuổi, tôi đang hưởng một cái Tết vui vẻ con đàn cháu đống - Ảnh 3.

Hai chúng tôi được chu cấp cố định chi phí sinh hoạt hàng tháng là 3.000 tệ, trong đó cháu lớn cho 2.000, cháu thứ hai và cháu gái út mỗi người 500. Bởi vì chúng tôi quen chi tiêu tiết kiệm nên không hề dùng hết, số còn lại đều tích lũy gửi vào tài khoản ngân hàng.

Ngoài chi phí sinh hoạt, các cháu thỉnh thoảng còn cho chúng tôi tiền vào dịp Tết và các ngày lễ nên cuộc sống của chúng tôi vô cùng thoải mái. Thậm chí, chúng không chỉ chăm lo cho cô chú mà còn hết lòng giúp đỡ các em khi cần. Tôi nhớ hồi con trai và con gái tôi mua nhà, hai đứa đều vay tiền anh cả. Nói là cho vay nhưng thực ra là cho vì không có ý định lấy lại.

Giờ đây cứ vào dịp cuối tuần, 3 anh em chúng nó đều cố gắng sắp xếp thay phiên nhau về ăn cơm với vợ chồng tôi khiến ngay cả những nhà hàng xóm đều nghĩ rằng chúng mới là con đẻ. Tết này chúng nói sẽ đưa vợ chồng tôi đi du lịch để tuổi già được biết đây biết đó nhiều hơn.

Tôi nghĩ điều này có nghĩa là chỉ cần làm việc tốt thì sẽ nhận được báo đáp, nhân tốt thì quả tốt. Nếu ngày xưa tôi không hết lòng chăm sóc chúng thì làm sao về già tôi có thể hưởng được những phước lành như vậy.

Theo Toutiao

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM