Ảnh hưởng từ bạo lực gia đình đối với tâm lý nam giới: Căng thẳng, trầm cảm, không dám chia sẻ cùng ai và dẫn tới hành động cực đoan

23/05/2024 15:39 PM | Sống

Một nửa số nạn nhân nam không nói với ai họ từng bị bạo lực gia đình, họ thường có xu hướng giấu kín mọi chuyện, nhất là không báo cáo với cơ quan chức năng.

Thống kê cho thấy cứ 4 đàn ông Mỹ thì một người phải chịu một số hình thức bạo lực gia đình. Mỗi năm, khoảng 699.000 đàn ông bị người bạn gái hoặc vợ bạo lực thể xác.

Còn tại Việt Nam, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Ảnh hưởng từ bạo lực gia đình đối với tâm lý nam giới: Căng thẳng, trầm cảm, không dám chia sẻ cùng ai và dẫn tới hành động cực đoan- Ảnh 1.

Gia tăng tỷ lệ nam giới bị bạo lực gia đình tại Việt Nam

Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng.

Theo các chuyên gia, đàn ông hay phụ nữ đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Và hậu quả để lại về mặt tâm lý đối với nam giới cũng trầm trọng không kém so với nữ giới.

Bạo lực gia đình là gì?

Định nghĩa của đường dây nóng Bạo lực gia đình Quốc gia Mỹ, lạm dụng hoặc bạo lực là "kiểu hành vi được một người sử dụng để duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người bạn đời hoặc người yêu".

Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ phổ biến của bạo lực gia đình đối với nam giới. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Psychology of Men & Masculinity chỉ ra rằng sự kỳ thị, né tránh xung quanh vấn đề này khiến đàn ông bị tổn thương, lạm dụng ngày càng nhiều. Khoảng 8% nam giới cho biết đã bị bạn đời hiện tại hoặc trước đây tấn công tình dục hoặc thể xác, theo Khảo sát Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Mỹ, năm 2023.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đàn ông có thể bị phụ nữ lạm dụng ở mọi hình thức, kể cả thể xác. Cứ 7 nam giới thì có một người cho biết đã từng bị bạo lực thể xác nghiêm trọng từ bạn đời. Đường dây nóng Bạo lực gia đình Quốc gia báo cáo 13% cuộc gọi họ nhận được là đàn ông.

Ảnh hưởng từ bạo lực gia đình đối với tâm lý nam giới: Căng thẳng, trầm cảm, không dám chia sẻ cùng ai và dẫn tới hành động cực đoan- Ảnh 2.

Nam giới bị bạo lực gia đình bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề không kém phụ nữ

Một phân tích tổng hợp chỉ ra rằng "phụ nữ có nhiều khả năng sử dụng một hoặc nhiều hành vi xâm hại thể chất hơn nam giới, họ cũng có hành vi này một cách thường xuyên". Trong khi đó nam giới có khả năng gây thương tích nhiều hơn.

Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến đời sống của nạn nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Phân tích chuyên sâu chỉ ra rằng các nạn nhân bị căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở mức độ ngang với phụ nữ. Người mắc PTSD có thể bị giật mình, khó chịu, trải qua ký ức đau thương, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, cáu kỉnh, trầm cảm, thậm chí nghĩ đến việc tự sát.

Một số người sử dụng các biện pháp cực đoan để đối phó với rối loạn tâm lý, chẳng hạn nghiện công việc hoặc lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích.

Vì sao đàn ông bị ngược đãi nhưng không dám lên tiếng?

Thống kê của Impact Family Service chỉ ra rằng một nửa số nạn nhân nam không nói với ai họ từng bị bạo lực gia đình, họ thường có xu hướng giấu kín mọi chuyện, nhất là không báo cáo với cơ quan chức năng.

ManKind Initiative - một tổ chức cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân nam bị lạm dụng và ngược đãi trong gia đình tại Vương quốc Anh và ONS - Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã đưa ra 11 lý do hàng đầu khiến đàn ông chấp nhận chịu đựng còn hơn lên tiếng gồm:

- Lo lắng về con cái (89%)

- Hôn nhân suốt đời (81%)

Ảnh hưởng từ bạo lực gia đình đối với tâm lý nam giới: Căng thẳng, trầm cảm, không dám chia sẻ cùng ai và dẫn tới hành động cực đoan- Ảnh 3.

Nam giới bị bạo lực thường không dám nói với ai

- Tình yêu (71%)

- Nỗi sợ sẽ không bao giờ được nhìn thấy con cái nữa (68%)

- Tin rằng vợ sẽ thay đổi (56%)

- Không đủ tiền (53%)

- Không có nơi nào để đi (52%)

- Xấu hổ (52%)

- Không muốn tách con cái khỏi mẹ của chúng (46%)

- Vợ đe dọa tự sát (28%)

- Sợ bị vợ giết (24%)

Khoảng 59% những người đàn ông gọi đường dây trợ giúp của ManKind Initiative chưa bao giờ nói chuyện bị ngược đãi với bất kỳ ai trước đây và 70% khẳng định sẽ không gọi cầu cứu nếu không được ẩn danh. Mặc dù chịu tổn thương nhưng 59% nạn nhân nam và 40% nạn nhân nữ cho rằng những gì đã xảy ra với họ là không phải ngược đãi trong gia đình, theo ONS.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM