Liên hệ quảng cáo
0942.86.11.33 - doanhnghiep@admicro.vn
Liên hệ ban biên tập
024.7309.5555 máy lẻ 41294 - info@cafebiz.vn
Mới nhất
Máu sau khi được lấy từ người hiến sẽ được chuyển thẳng về Khoa Điều chế các thành phần máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Trước khi bước vào khu vực phân loại, xử lý máu, các bác sĩ buộc phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng.
Bên trong căn phòng, nhiệt độ lúc nào cũng duy trì ở mức 25 độ C hoặc thấp hơn. Nhiều người làm việc trong căn phòng nói đùa rằng họ bị 'cớm nắng' vì dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc tại đây mà không nhìn thấy ánh mặt trời.
Thông thường quá trình xử lý máu hiến tặng sẽ kéo dài nhiều giờ trước khi được đưa tới các bệnh viện. Hiện, Khoa Điều chế các thành phần máu đang chia ra hai ca làm việc để xử lý kịp thời lượng máu hiến chuyển về.
Từ một đơn vị máu toàn phần ban đầu, các chuyên viên y tế sẽ ly tâm, tách các thành phần máu bằng cách ép thủ công hoặc bằng máy vào từng túi sản phẩm thu được riêng biệt.
Sau khi tách được các chế phẩm máu mong muốn, tất cả được đem đi bảo quản ở kho trong những điều kiện nhiệt độ khác nhau. Ví dụ, khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-6 độ C, tiểu cầu là từ 20-24 độ C có kèm lắc liên tục, huyết tương được bảo quản ở nhiệt độ từ -18 cho đến -25 độ C hoặc sâu hơn...
Chia sẻ với PV VTC News, Thạc sĩ Trần Thị Thủy, Phó trưởng Khoa Điều chế các thành phần máu cho biết: "Để có được các chế phẩm máu đến tay bệnh nhân, máu sẽ được điều chế trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy máu".
Cũng theo Thạc sĩ Thủy: "Trong quá trình điều chế, tất cả các sản phẩm đều phải có đầy đủ các kết quả xét nghiệm mới được đối chiếu và dán nhãn sản phẩm. Thường quá trình xét nghiệm sẽ diễn ra trong khoảng từ 10-14 tiếng. Những đơn vị máu có kết quả xét nghiệm an toàn sẽ được dán nhãn và bàn giao cho Khoa lưu trữ phân phối máu để cung cấp cho các đơn vị sử dụng".
Trung bình một ngày, các bác sĩ tại Khoa Điều chế các thành phần máu phải xử lý tới 1.500 đơn vị máu. Cứ 100 đơn vị máu sẽ hủy đi 1,7 đơn vị máu do kết quả xét nghiệm dương tính với các bệnh như: Viêm gan B, viêm gan C, giang mai, HIV... Việc hủy máu được thực hiện mỗi tháng 1 lần.
Dù lượng máu hiến về tương đối nhưng chỉ đủ dùng cho một ngày vì phải cung cấp đi 150 bệnh viện khác nhau. Mặt khác, nhu cầu của người bệnh cũng rất lớn.
Theo Việt An