Ảnh: Bên trong những căn nhà tập thể cũ nát, "vừa ở vừa run" giữa trung tâm Đà Nẵng
Giữa trung tâm Đà Nẵng, nhiều hộ dân đang phải sống trong những căn nhà tập thể xập xệ như khu ổ chuột, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Hiện, thành phố đã có kế hoạch di dời, giải tỏa 17 khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng này trong năm 2022 - 2023.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch di dời, giải tỏa 17 khu tập thể thuộc sở hữu Nhà nước bị xuống cấp. Hầu hết các nhà tập thể cũ này đều ở khu vực trung tâm, trên những tuyến phố đông đúc
Trong ảnh là khu tập thể số 35 Hoàng Diệu, ở mức độ nguy hiểm cấp C. Cùng mức độ nguy hiểm này còn có 13 nhà tập thể khác ở quận Hải Châu và Thanh Khê, được xây dựng từ hơn 50 năm trước, thuộc quản lý Nhà nước và người dân ký hợp đồng thuê. Do đã xuống cấp, nguy cơ sụp đổ nên Đà Nẵng không bán hóa giá mà di dời, bố trí người dân thuê lại chung cư diện tích bằng hoặc rộng rãi hơn
Tại căn nhà tập thể số 35 Hoàng Diệu, trần nhà đã hư hỏng, rơi hồ vữa để lộ ra phần sắt sàn. Cửa sổ được che chắn tạm bợ bằng tôn, ván gỗ và cả những tấm bạt cũ. Người dân thường đem áo quần ra lan can phơi, gây mất mỹ quan đô thị
Tại hành lang, nhiều mảng tường bị bong tróc mạnh, chỉ cần dùng tay là có thể bóc từng mảng lớn...
... và có thể đổ sập bất cứ lúc nào
Mái ngói tầng 3 của khu tập thể này cũng đã bị vỡ, nhìn thấy trời bên ngoài. Mỗi khi trời mưa, nước chảy tràn xuống sàn rồi xuống các tầng dưới
Đến nay nhiều hộ dân đã dời đi; những hộ còn lại chủ yếu là người già, người đau yếu...
Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa (60 tuổi), thường đến chăm sóc mẹ già nằm một chỗ trong căn phòng tập thể. Người em trai cũng ở nhà này, nhưng thường xuyên đau ốm
Bên trong các khu nhà là cảnh nhếch nhác, xuống cấp. Hệ thống điện cũ kỹ, lâu năm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Nhà vệ sinh tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân
Cố nhoài người qua 1 lỗ nhỏ để kiểm tra tầng 3 của nhà tập thể 35 Hoàng Diệu, ông Trương Ngọc Thành (53 tuổi) cho biết, do khu vực này hay có mèo hoang, chuột nên phải che chắn tạm bợ. Cuộc sống tại đây khá ngột ngạt, nóng bức, không đảm bảo vệ sinh và "vừa ở vừa run"
"20 năm trước, gia đình tôi ở khu giải tỏa phía bờ đông sông Hàn. Do không có tiền xây nhà nên nhà tôi không nhận đất mà về khu tập thể này ở. Hiện, tôi mong sớm được di dời vì căn nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng quá rồi", ông Thành chia sẻ
Lối vào khu tập thể 22 Lý Thái Tổ nhỏ hẹp ẩm thấp, ban ngày nhưng tối om. Hiện, nơi đây còn 2 hộ dân sinh sống. Trong đó, một hộ ở căn mặt tiền và bán bún để mưu sinh vào buổi sáng
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (62 tuổi) sống 35 năm qua cùng gia đình người con trai trong căn phòng 16 m2 trên tầng 2. Theo bà Mai, khu tập thể này được đưa vào sử dụng vào những năm 1977, trước kia có 7 hộ sinh sống, nhưng hiện đã có 3 hộ tự dọn đi, 2 hộ mất do lớn tuổi, chỉ còn 2 hộ đang cư trú
Khu tập thể này hiện không khác gì "ổ chuột", cầu thang là nơi tập kết rất nhiều đồ đạc không còn dùng đến và là chỗ ở của chuột, gián, mèo hoang...
Nước sinh hoạt được người dân xả thẳng ra hệ thống thoát nước đang bị hư hỏng. Do vậy, nước bẩn cùng thức ăn thừa ứ đọng lại, bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sản, gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng
Theo ông Lê Quang Bình (63 tuổi), khu tập thể này được đưa vào sử dụng vào những năm 1977, riêng gia đình ông sống tại đây đã hơn 30 năm. Khoảng 10 năm nay, khu nhà này bị xuống cấp nặng khiến ông không yên tâm sinh sống, nhất là mùa mưa bão
"Lúc trước tôi ở tầng 3, nhưng sợ ảnh hưởng đến tính mạng nên chuyển xuống tầng trệt. Để đủ chỗ ngủ cho 4 người, tôi phải chế thêm gác lửng. Mùa hè thì rất nóng, mùa mưa thì thấm dột. Chúng tôi mong sớm được di dời để có cuộc sống tốt hơn", ông Bình tâm sự
Được biết, quá trình vận động di dời, chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân muốn được ở khu trung tâm thuận lợi việc buôn bán nhỏ lẻ. Một số hộ đã có đất, nhà riêng, nhưng vẫn muốn giữ lại "suất" nhà ở tập thể để cho thuê lại kiếm lời
Đối với các gia đình đã di dời, cơ quan chức năng đã tổ chức niêm phong để đảm bảo không có người ra vào, tránh tai nạn. Đà Nẵng bố trí nơi ở mới cho người dân tại chung cư số 201 Đống Đa (quận Hải Châu) và chung cư thuộc khu Phong Bắc (quận Cẩm Lệ)
Hiện, các hộ dân ở khu tập thể cũ tại ngã tư Hùng Vương - Yên Bái đã được di dời đến chung cư mới. UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng tổng hợp tình hình di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp theo kế hoạch. Nhà tập thể cũ sẽ được tháo dỡ để tránh nguy cơ sụp đổ và bàn giao cho Trung tâm Quỹ đất để phục vụ quy hoạch chung của thành phố.
Theo thống kê mức độ nguy hiểm kết cấu nhà cho thấy, trong số 17 khu tập thể xuống cấp chưa giải tỏa ở Đà Nẵng hiện nay, có 2 khu mức độ nguy hiểm cấp D gồm: số 5 đường Nguyễn Thái Học và số 50-52 đường Lê Lai. 14 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp C gồm: 42 đường Trần Kế Xương, 03 đường Nguyễn Thái Học, 28-30 Hùng Vương, 76 Trần Phú, 346-348 Phan Châu Trinh, 35 Hoàng Diệu, 9 Trần Phú, 158B Lê Lợi, 57 Hùng Vương, 22 Lý Thái Tổ, 48 Lý Thái Tổ, 104 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 324 Hùng Vương; một khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp B tại 25 Hùng Vương.
Theo kế hoạch của TP Đà Nẵng, 2 khu tập thể nguy hiểm cấp D sẽ giải tỏa trong quý II/2022, với 11 hộ di dời; các khu tập thể cấp C hoàn thành giải tỏa trong năm 2022, với 84 hộ di dời. Một khu tập thể cấp B tại 25 Hùng Vương giải tỏa trong năm 2023, di dời 10 hộ.