Ăn nói tục tĩu, không cống hiến, bị phạt hành chính vì nghênh ngang trên đường cao tốc, các bạn trẻ đang thần tượng "Khá Bảnh" vì cái gì vậy?
Văn hóa ưa chuộng những thứ nhảm nhí đã chắp cánh cho "Khá Bảnh" trở thành hiện tượng mạng xã hội.
Kênh Youtube của Khá Bảnh có hơn 1 triệu 8 người theo dõi với các video chủ yếu quay cuộc sống hàng ngày của Bảnh, đạt từ vài trăm ngàn tới mấy triệu lượt xem. Facebook cá nhân của Bảnh có hơn 600 ngàn người theo dõi, lượt share một bài viết không dưới 500, mỗi lần livestream là mấy chục ngàn người vào xem.
Những con số đó khiến bất kì một người làm nội dung mạng xã hội nào cũng phải trầm trồ hoặc khao khát. Và cũng bởi vậy, cậu trai có mái tóc ngồ ngộ này đang được bao nhiêu bạn trẻ tán dương làm "idol" kiểu mới.
Múa quạt bình thiên hạ và... chẳng còn gì cả
Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Theo Bảnh kể thì cậu ta học hết lớp 7, hay đánh nhau nên phải đi trại giáo dưỡng từ năm 17 tuổi vì tội hành hung, cố ý gây thương tích người khác. Công việc chính của Bảnh thì…không rõ, nhưng chắc cũng chẳng cần rõ làm gì.
Giờ Bảnh chỉ cần ngồi nhà livestream bán hàng hộ các shop online cũng kiếm vài chục triệu một giờ, kênh Youtube của Bảnh kiếm vài trăm triệu một tháng. Riêng việc gật đầu để xuất hiện trong clip Hài Tết của một đơn vị sản xuất nào đó, Khá Bảnh đã rỉnh rang đút túi cả trăm triệu đồng.
Bảnh chất quá!
Bảnh ngầu quá!
Bảnh của tao! - là những lời tán dương kịch liệt mà cư dân mạng dành cho hiện tượng Khá Bảnh. Buồn cười thay, những em nhỏ, những bạn sinh viên ngày mai thi rồi nhưng tối nay vẫn ngồi chờ từng phút để xem “livestream Khá Bảnh”.
Thanh niên trai tráng, thay vì đọc sách, xem những nội dung bổ ích, lại ào ào chia sẻ những clip, những câu nói “chất như nước cất” của “idol giới trẻ”. Cứ thế, Khá Bảnh trở thành hiện tượng mạng xã hội trong khi… chẳng có gì đáng để ngưỡng mộ.
Nhiều người tự hỏi Bảnh đã làm gì để có nhiều người theo dõi, kiếm được nhiều tiền thế? Câu trả lời thật đơn giản: chả làm gì cả. Bảnh ngồi nói chuyện cuộc sống thường ngày của mình: "hôm nay Bảnh đi bay mấy ca về mệt quá mọi người ạ", "mọi người chia sẻ livestream cho Bảnh nhé", "anh X này là người anh thân thiết của Bảnh đã tặng quà cho Bảnh. Cảm ơn anh nha", "Nhạc này hay không mọi người"…Cứ thế là những lời độc thoại qua livestream vô thưởng vô phạt, không có nội dung hoặc nội dung sáo rỗng về những cuộc ăn chơi vẫn có hàng chục nghìn người theo dõi và bình luận liên tục.
Và đó chính là cái khó hiểu. Tại sao một thanh niên rảnh rỗi, ngồi nói huyên thuyên trên mạng xã hội, khi xuất hiện thì hết chửi bậy, khoe đàn anh, đàn em, lại tới khoe xăm trổ, trang sức… lại trở thành một hiện tượng của giới trẻ, kiếm được nhiều tiền dễ dàng hơn số đông xã hội? Có phải dân ta đã quá dễ dãi trao quyền cho một người như vậy?
Thực chất, dù trên cả nhảm nhí song Khá Bảnh cũng rất gây cười. Có không ít người theo dõi không phải vì hâm mộ, mà Bảnh làm họ buồn cười chính vì sự lố bịch, nhảm nhí tới mức khó hiểu của cậu ta. Bảnh nổi như cồn, nên hiếu kì xem Bảnh livestream giờ cũng là điều bình thường.
Nhưng thường xuyên theo dõi để chia sẻ livestream, thậm chí nhìn thấy ở ngoài là xin chữ ký, chụp ảnh như gặp thần tượng US-Uk, K-Pop thì thật sự đáng đặt dấu hỏi. Việc chăm chú theo dõi cho tới hâm mộ một thanh niên tự hào về thành tích vào tù ra tội, đánh người, bay lắc có thể phần nào phản ánh sự ngược đời của một bộ phận không nhỏ.
Tệ hơn cả là rất nhiều trẻ con, trẻ vị thành niên biết tới Khá Bảnh và còn học theo kiểu nhảy vinahouse "huyền thoại" cho tới kiểu tóc không giống ai của chàng thanh niên ấy.
"Vui tí thôi, gì mà căng" là những gì chúng tôi nhận được khi đặt dấu hỏi vào hiện tượng Khá Bảnh. Vâng, vui thôi chứ đừng vui quá, cái mác thần tượng cũng không nên dán lung tung, nhất là dán nhầm chỗ. Không phải bất cứ ai cũng đủ hiểu văn hoá đại chúng của chúng ta để không khỏi đánh giá nhầm lẫn xu hướng của một thế hệ đang sống trong nhiều điều kiện văn minh tử tế.
Khi đi ngược chuẩn mực là thước đo của sự thú vị
Cái gì đi ngược dòng cũng là sự độc đáo. Chúng ta ai cũng ít nhất một lần trong tuổi trẻ có cái tính nổi loạn thế này.
Hâm mộ những điều không giống ai, yêu thích những thứ không thuộc về lề thói, làm những hành động chọc tức người lớn, chọc tức cái quy tắc ứng xử của xã hội, ai cũng từng mang tư tưởng buồn cười như vậy trong quá trình lớn lên. Tuy nhiên, vẫn lại câu nói cũ thôi, vui thôi đừng vui quá.
Giới trẻ bây giờ có kiểu hâm mộ rất buồn cười và đáng lo. Họ thích những thứ tục, những nội dung được truyền tải thật suồng sã bằng câu từ không hay ho và coi đó là sự gần gũi, tiếp cận cộng đồng. Những fanpage nói tục mọc lên như nấm, những review đi ngược quan điểm chuẩn mực được tiếp thêm sức mạnh từ câu từ bẩn lại càng được tôn sùng.
Bấy nhiêu đó thể hiện tâm lý nổi loạn của đám trẻ, khi họ tìm cách xả hết năng lượng tiêu cực thông qua từ ngữ vô văn hoá mà không màng đến chuyện dần dần mình sẽ góp phần bôi bẩn tư duy, từ ngữ, văn hoá đại chúng ra sao.
Bây giờ trẻ con 6 tuổi cũng biết truy cập Internet, và chúng không nên biết chửi trước khi biết làm văn.
Có một sự nghịch lý hiển hiện thật rõ ràng. Chúng ta ca ngợi sự sang trọng cảnh vẻ, nhưng lại thể hiện cái sang bằng cách dùng từ ngữ xấu xí, chỉ nhằm mục đích vun đắp hình tượng bất cần. Giữa sự tiêu diêu và sự bất cần hung hãn có một ranh giới rất lớn nhưng phải lớn lên, chúng ta mới nhìn rõ ra được.
Có những Youtuber lặn lội đường sá xa xôi, thâm nhập vào tụ điểm buôn bán trái phép động vật quý hiếm để quay lại những thước phim được đánh đổi bằng mạng sống, chỉ để chứng minh cho người xem thấy chúng ta đang thờ ơ như thế nào, và thiên nhiên vì thế mà bị hủy hoại ra sao.
Có những Blogger, Vlogger xắn quần áo, lội xuống những mương rạch bẩn thỉu nhất, dùng đôi tay kiếm ăn của họ để nạo vét, thu gom rác thải, những mong có thể cảnh tỉnh và làm gương cho mọi người về việc bảo vệ môi trường.
Ấy vậy mà những sản phẩm đầy tính nhân văn của họ vẫn không thu hút được nhiều khán giả như dăm ba clip nhảm nhí của Khá Bảnh?
Chúng ta rõ ràng không nên phán xét người khác qua sở thích của họ, nhưng chúng ta nên và buộc phải đóng góp tiếng nói mang tính định hướng, để sự chú ý của người xem được trao cho những nội dung có ý nghĩa, có ích, sâu sắc và thiết thực hơn.
Bạn thích xem clip của Khá Bảnh, được thôi, bạn không phải là một người nhảm nhí, không ai có quyền chê bạn nhảm nhí. Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn xem, học tập và chia sẻ những thứ bổ ích hơn, nhân văn hơn.
Đóng góp cho sự nổi tiếng và việc kiếm tiền quá dễ dàng của Khá Bảnh có công lớn nhất của chính cộng đồng mạng. Điều này được chính Bảnh thừa nhận trong một video quay cảnh cậu ta tới ngân hàng rút tiền. Nhiều xấp tờ 500 ngàn đựng trong một túi nilong đầy tiền mặt và Bảnh hớn hở rất đắc ý nói vào máy quay: "Tại mọi người đấy, tại mọi người xem Bảnh nên Bảnh có tiền đấy".
Thực ra hình mẫu dân anh chị, ăn nói chém đinh chặt sắt, nhiều anh em xã hội, lại còn có nhiều tiền khá thu hút số đông, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng đời không như là phim và Khá Bảnh cũng chẳng phải những soái ca mafia trong phim điện ảnh.
Không phải cái gì vui vui nhảm nhí, không phải ai kiếm được nhiều tiền cũng đáng ca ngợi. Hãy nghĩ tới những ông bà trùm gái mại dâm, trùm ma túy, trùm đánh bạc… Khi chưa bị phát giác, họ có thể là thần tượng của nhiều người vì khả năng kiếm tiền, có thể được săn đón ở mọi nơi họ đi tới, sống cuộc sống trên tiền. Nhưng cuộc vui nào cũng phải có hồi kết, khi đối diện với nhà tù, tòa án tất cả chỉ còn là số 0.
Bạn có thể tung hô, ca ngợi, chia sẻ Khá Bảnh bởi những câu nói và hành động của thanh niên này (mà bạn cho là) chất, nhưng hãy nhớ, cũng chính Ngô Bá Khá và đám bạn của cậu ta đã bị xử phạt 5,5 triệu đồng vì dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc, một hành vi cực kì nguy hiểm. Đừng coi đó là ngầu, đừng khen đó là "chất".
Khá Bảnh chắc chắn sẽ không thể là một hiện tượng kéo dài mãi (và cũng mong là vậy) bởi nếu không đây sẽ là trò cười lớn nhất của ngành giải trí Việt Nam, khi một thanh niên chẳng tài cán gì ngoài nói chuyện và hành động nhảm nhí cũng trở thành ngôi sao. Hãy để Bảnh cứ là một cậu trai thú vị của Youtube, chứ đừng nên biến cậu ta thành một đại diện thế hệ trẻ.
Đừng để "phông văn hóa" và gu thẩm mỹ của giới trẻ biến thành "vườn hồng ngày xưa đã úa tàn" với những giá trị đẹp đẽ chỉ còn lại trong kí ức.