An ninh lương thực thế giới có thực sự đáng báo động?

27/03/2020 08:42 AM | Xã hội

Lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu gần đây gia tăng khi khoảng 1/5 dân số thế giới bị cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch virus corona (Covid-19) – dịch bệnh đến ngày 26/3 đã lây nhiễm tới hơn 470.000 người ở trên 200 quốc gia, làm cho khoảng 21.000 người tử vong.

Tại những nơi virus này tấn công, các gia đình cuống cuồng mua tích trữ các mặt hàng như giấy vệ sinh, các sản phẩm rửa tay, khiến cho các kệ hàng ở hầu hết các siêu thị trở nên trống trơn.

Giá gạo và lúa mì tăng vọt

Giá lúa mì ở Chicago cũng tăng gần 10% trong tháng này. Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan (loại 5% tấm – dùng tham chiếu cho toàn thị trường gạo nước này) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, là 492,5 USD/tấn.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các Đóng gói gạo Thái Lan (TRPA) Somkiat Makayatorn cho biết giá gạo xay xát ở Thái Lan đã tăng từ 12,50 baht (0,38 USD)/kg tháng 1/2020 lên 15 baht (0,46 USD)/kg hiện nay (tăng 20-30%), và cảnh báo giá sẽ còn tăng thêm nữa trong thời gian tới, đến khoảng tháng 8 hoặc 9/2020, khi có gạo vụ mới bán trên thị trường. Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse cho biết, các nhà nhập khẩu gạo lúc này đều muốn nhận 100% hàng đã đặt ngay lập tức, khác với trước đây là thường yêu cầu giao 50% sau khi đặt mua, phần còn lại sẽ nhận sau khoảng 1 tháng hoặc lâu hơn tùy hợp đồng. Hiện Thái Lan đang có một số hợp đồng mua gạo từ nước ngoài, đặc biệt là gạo ngon như Hom Mali, từ Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Mỹ và Canada.

Tại Myanmar, gạo 5% tấm xuất khẩu giá cũng đã tăng lên 400 USD/tấn hiện nay, so với 330-340 USD/tấn trước đây. Gạo cùng loại của Thái Lan giá tăng từ 400- 410 USD/tấn lên 460-480 USD/tấn.

Giá gạo tại Bangladesh cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm do nhu cầu mạnh bởi lo ngại về Covid-19. Gạo xát thô trên các thị trường ở thành phố Dhaka ngày 21/3/2020 có giá 50 taka/kg. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, khi đó giá gạo thô là 55-57 taka/kg. Giá gạo xát vừa giá khoảng 50 – 56 taka, gạo xát trắng giá 60-70 taka. Có ngày giá tăng 3-4 taka/kg chỉ trong một ngày. Tổng Công ty Thương mại Bangladesh cho biết, chỉ trong 3 ngày từ 18 đến 21/3/2020, giá gạo tại nước này đã tăng 10 đến 31%.

Hồi khủng hoảng tài chính năm 2008, giá gạo thế giới đã từng đạt mức kỷ lục của mọi thời đại, là 1.000 USD/tấn, khi đó hàng loạt các quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo giữa bối cảnh làn sóng mua mạnh từ phía người tiêu dùng đẩy giá tăng vọt.

Dòng chảy bị gián đoạn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng và giá lương thực tăng mạnh, để ngăn ngừa tình trạng mất an ninh lương thực, một số nước đã có động thái hạn chế xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt.

Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, và Pakistan – nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 9 thế giới, đã tạm dừng xuất khẩu các loại ngũ cốc này.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng vừa bắt đầu bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày – điều khiến cho một số kênh hậu cần bị gián đoạn.

Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách không đẩy mạnh xuất khẩu gạo mà để dự trữ hàng cho an ninh lương thực do tình hình dịch bệnh, theo ông Chookiat của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết.

Trong khi đó ở Nga, Liên minh Dầu thực vật đã đề nghị Chính phủ hạn chế xuất khẩu hạt hướng dương. Sản lượng dầu cọ ở Malaysia – nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – cũng bị chậm lại.

Về phía các nước nhập khẩu, Iraq thông báo cần mua 1 triệu tấn lúa mì và 250.000 tấn gạo sau khi "Ban Chống khủng hoảng" tư vấn Chính phủ nên xây dựng các kho dự trữ lương thực chiến lược.

Những động thái này đến cùng lúc làm dấy lên lo ngại dòng chảy thương mại ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

 An ninh lương thực thế giới có thực sự đáng báo động?  - Ảnh 1.

Không thiếu lương thực

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng gạo và lúa mì – 2 loại lương thực được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới – dự báo sẽ đạt kỷ lục 1,26 tỷ tấn trong năm nay. Nguồn cung đó vượt qua nhiều so với mức tổng tiêu thụ 2 loại lương thực này, do đó lượng tồn kho cuối niên vụ dự báo sẽ cao kỷ lục 469,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, những con số đó được tính toán trên cơ sở nguồn cung từ nơi sản xuất được chuyển đến nơi tiêu thụ một cách dễ dàng, và có tính tới một số sản phẩm thay thế như thông lệ.

Giá gạo thế giới gần đây tăng mạnh do nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợn và giá sẽ còn tăng tiếp.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của việc giá gạo tăng là do vấn đề hậu cần. "Việt Nam đã tạm dừng xuất khẩu, Ấn Độ phong tỏa toàn quốc, Thái Lan cũng có thể sẽ tuyên bố áp dụng những biện pháp tương tự", Reuters dẫn lời một trong những nhà kinh doanh gạo hàng đầu thế giới - có trụ sở ở Singapore – cho biết.

 An ninh lương thực thế giới có thực sự đáng báo động?  - Ảnh 2.

Ông Somkiat của Hiệp hội các Đóng gói gạo Thái Lan khẳng định rằng Thái Lan sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo. Ông dự báo tiêu dùng gạo trong nước, mặc dù tăng vọt trong ngắn hạn, sẽ giảm trong năm nay vì lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ ít hơn nhiều.

Tồn trữ gạo thế giới năm nay dự báo lần đầu tiên trong lịch sử sẽ vượt mức 180 triệu tấn, cao hơn 28% so với niên vụ 2015/16.

Tuy nhiên, lượng tồn trữ đó không được phân phối đồng đều ở các khu vực, trong đó chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã nắm giữ tới trên 153 triệu tấn.

Điều đó có nghĩa là những khách hàng lớn như Philippines – nhà nhập khẩu gạo hàng đầu Châu Á – và Châu Phi có thể sẽ dễ bị tổn thương nếu mùa màng trong nước thu hoạch trễ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông William Dar, cho biết: "Dự trữ gạo của chúng tôi đang ở mức cao, đủ dùng trong 65 ngày. Chúng tôi có đủ gạo trong hai tháng tới". Theo ông Dar, với nguồn cung sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch mùa khô, Philippines có đủ gạo dùng trong 4 tháng.

 An ninh lương thực thế giới có thực sự đáng báo động?  - Ảnh 3.

Đối với mặt hàng lúa mì, những nước nhập khẩu lớn nhất Châu Á, trong đó có Indonesia – nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới – đã nhập khẩu đủ lượng dùng cho đến tháng 6 tới.

"Hiện chúng tôi không cần phải vội nhập khẩu lúa mì vì nguồn cung đang vượt nhu cầu", Reuters dẫn lời một thương gia khác thuộc một công ty thương mại quốc tế cũng ở Singapore cho biết. Doanh nghiệp này thường bán lúa mì Mỹ và lúa mì Biển Đen cho các khách hàng ở Châu Á.

Dự báo trong thời gian tới, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giá gạo sẽ còn tăng hơn nữa vì người tiêu dùng mua để dự trữ. Trong trường hợp dịch bệnh giảm dần, nhu cầu mua gạo và lúa mì sẽ giảm trở lại.

Tham khảo: Reuters, BangkokPost

 

Theo Vân Chi

Cùng chuyên mục
XEM