Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì
Quyết định của Ấn Độ khiến các chuyên gia không khỏi lo lắng bởi đây hiện là nhà cung cấp lớn cho thị trường.
Theo tờ CNBC, Ấn Độ vừa bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ trong bối cảnh đợt nắng nóng kéo dài khiến sản lượng hoa màu sụt giảm và đẩy giá mặt hàng này tăng cao phi mã. Việc cuộc xung đột Nga-Ukraine đe doạ an ninh lương thực Ấn Độ và các nước láng giềng dễ bị tổn thương cũng được cho là một trong những nguyên nhân tạo nên xu hướng tăng giá cho lúa mì.
Ngay sau tuyên bố chính thức, chính phủ Ấn Độ cho biết vẫn sẽ xuất khẩu nốt những hợp đồng lúa mì ký kết trước đó, đồng thời hy vọng các quốc gia có thể cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu an ninh lương thực trong nước.
Quyết định trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi lo lắng, bởi đa số các nước nhập khẩu hiện nay đều tin tưởng Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, trong việc đảm bảo nguồn cung hậu xung đột Nga-Ukraine. Họ sợ rằng lệnh cấm này sẽ sớm đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng rất nhiều đến những người tiêu dùng thu nhập thấp tại châu Á và châu Phi.
"Lệnh cấm này thực sự gây sốc. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu sau 2 hoặc 3 tháng nữa cơ, nhưng có lẽ lạm phát đã khiến chính phủ thay đổi ý định", đại diện một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết.
Giá lúa mì tăng sau xung đột Nga-Ukraine
Theo CNBC, lạm phát Ấn Độ trong tháng 4 lên đã chạm mức cao nhất trong 8 năm. Giá lúa mì cũng tăng phi mã, thậm chí tại một số thị trường giao ngay đã lên tới 25.000 Rupee/tấn (465 USD/tấn), trong khi Chính phủ Ấn Độ cố định mức giá hỗ trợ tối thiểu là 20.150 Rupee. Điều này càng củng cố cho quan điểm của giới chức nước này, rằng Ngân hàng trung ương sẽ phải sớm tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trước khi có lệnh cấm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay như một cách tận dụng sự gián đoạn đối với nguồn cung lúa mì, đồng thời tìm kiếm thị trường mới tại châu Âu, châu Phi và châu Á. Trong đó, phần lớn sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển như Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, sản lượng lúa mì sụt giảm. Các chuyên gia ước tính lượng lúa mì thu hoạch trong năm nay chỉ khoảng 95 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính của chính phủ, do hoạt động thu mua giảm hơn 50%.
Trong tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì. Điều này giúp xoa dịu phần nào cho thị trường ngũ cốc trong bối cảnh các nhà nhập khẩu đang chạy đua tìm kiếm sự lựa chọn thay thế nguồn cung ở Biển Đen. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã ký kết các thỏa thuận để xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn lúa mì trong tháng 5.
"Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu, bởi ngoài Ấn Độ, hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường", CNBC trích lời một chuyên gia kinh tế cho biết.
Hoạt động thu hoạch lúa mì
Được biết, Ấn Độ đang phải trải qua một đợt nắng nóng khủng khiếp. Theo The Guardian, hồi cuối tuần qua, Bikaner được ghi nhận là khu vực nóng nhất Ấn Độ, với mức nhiệt lên tới 47,1 độ C. Tại khu vực phía tây bắc Ấn Độ, hình ảnh vệ tinh thậm chí còn cho thấy nhiệt độ có lúc đã vượt quá 60 độ C ở một số nơi.
"Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận là phía đông nam và tây nam Ahmedabad, với nhiệt độ bề mặt tối đa là khoảng 65 độ C", Cơ quan Vũ trụ châu Âu thông báo.
Đáng nói hơn cả, cái nóng kỷ lục này lại đến đúng vào khoảng thời gian người dân Ấn Độ phải chịu đựng cảnh cắt điện liên miên. Nhiều nhà máy đã buộc phải dừng hoạt động.
Tình trạng diễn ra tại rất nhiều bang, bao gồm Jharkhand, Haryana, Bihar, Punjab và Maharashtra do nguồn cung than trong nước giảm trầm trọng trong khi giá than nhập khẩu tăng vọt. Để khắc phục, hệ thống đường sắt Ấn Độ trước đó đã phải hủy bỏ hơn 600 chuyến tàu chở khách và hàng hóa để nhường chỗ cho việc vận chuyển than đến các nhà máy điện.
Theo: CNBC