Ai đứng sau sở hữu kênh Youtube hơn 12 triệu người đăng ký, nổi tiếng với giới trẻ FAPTV?
Cổng thông tin doanh nghiệp cho biết FAPTV có tên chính thức là Công ty TNHH Giải trí FapTV, thành lập ngày 11/5/2015. Vốn điều lệ của công ty này đăng ký ban đầu là 6 tỷ đồng với tổng số lao động là 6, chủ sở hữu là Trần Đức Viễn.
Youtube là một trong những nền tảng quyền lực nhất trong thế giới kinh doanh trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng. Số liệu của trang Big Commerce với gần 2 tỷ người dùng truy cập mỗi tháng, nền tảng này có khả năng cực khủng trong việc giúp các thương hiệu thu hút khán giả mới và thiết lập một lượng người theo dõi trung thành.
Trong những năm gần đây, nhờ tận dụng hiệu quả Youtube, nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên gần gũi với công chúng như Biti’s, Tiki hay Fami.
Với những lợi thế to lớn của mình trong ngành quảng cáo, Youtube mở ra cơ hội cho sự ra đời và phát triển của nhiều cá nhân/nhóm làm nội dung. Hiện mảng nội dung phổ biến với công chúng là hài. Đây là hình thức giải trí dễ lan truyền, có tập khán giả phổ thông lớn. Nhóm hài có lượng khán giả lớn nhất đồng thời sở hữu quy trình sản xuất kín từ diễn viên, kịch bản, sản xuất, hậu kỳ và truyền thông hiện nay tại Việt Nam là FAPTV.
FAPTV ra đời vào ngày 14/2/2014 với 4 thành viên ban đầu gồm: Trần Đức Viễn (quay phim, đạo diễn, quản lý nhóm, kịch bản), Anh Tuấn (hỗ trợ thiết bị), Thuỷ Nguyễn (biệt danh Ribi Sachi, người mẫu ảnh), Thái Vũ (Rapper). Sau đó nhóm có thêm sự góp mặt của Vinh Râu, Huỳnh Phương. Sau 1 năm số thánh viên của FAPTV tăng lên 30 người. FAP là cụm từ viết tắt của từ Funny Action Program hay cũng có thể tạm dịch là Forever Alone People (Hội những người độc thân – vì đa số các thành viên ban đầu đều độc thân vui vẻ).
Thông tin tự giới thiệu FAPTV cho biết, họ có 2 kênh Youtube gồm FAPTV (12 triệu người đăng ký) và Đậu Phộng TV (2,39 triệu người đăng ký). FAPTV nhắm tới 3 nhóm đối tượng chính gồm: Giới văn phòng, Sinh viên, Học sinh. Hiện đơn vị này cộng tác với hơn 200 đối tác về các ngành nghề từ công nghệ, dược phẩm, F&B, Game.
Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số người xem YouTube với 13,1 triệu người. Doanh thu các kênh kiếm tiền từ YouTube chủ yếu đến từ quảng cáo. Không có con số cụ thể về doanh thu vì còn phụ thuộc vào hình thức hiển thị quảng cáo, giá quảng cáo, người xem đến từ đâu, tỉ lệ người bấm vào quảng cáo... Nhưng để dễ hình dung, theo một báo cáo mới đây về thu nhập trên YouTube có lượt truy cập từ Việt Nam, với 1.000 lượt xem, các đối tác của YouTube có thể kiếm được trung bình 0,3 USD, tức 300 USD/triệu lượt.
Theo dự đoán của NoxInfluencer, một video của FAPTV có thu nhập khoảng 910 triệu. Trang này cũng dự tính thu nhập từ các đối tác hàng tháng của đơn vị này từ giao động từ 535 triệu đồng đến 2,35 tỷ đồng.
Một nhà sản xuất nội dung hài trên YouTube cho biết, kinh phí sản xuất 1 video clip chỉ khoảng 20 triệu đồng, nhưng cần chi phí gấp 7-8 lần để chạy quảng cáo nhằm hút lượt xem. Nhà sản xuất nội dung này tung ra khoảng 10 clip/tháng, có doanh thu trên dưới 3 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu là 30%.
Thông tin từ Cổng thông tin doanh nghiệp cho biết FAPTV có tên chính thức là Công ty TNHH Giải trí FapTV, thành lập ngày 11/5/2015. Vốn điều lệ của công ty này đăng ký ban đầu là 6 tỷ đồng với tổng số lao động là 6, chủ sở hữu là Trần Đức Viễn.
Một tháng sau khi thành lập, công ty giải trí Big Cat trở thành cổ đông của FAPTV. Big Cat được thành lập từ năm 2015 bởi 3 người bạn học thời phổ thông nhân dịp họ gặp lại nhau. Big Cat có thế mạnh ở các sản phẩm video, tiếp thị online, và thương mại điện tử. Công ty được biết đến nhiều nhờ sở hữu các kênh YouTube như Ghiền Mì Gõ, FapTV, và Phim Cấp 3. Một số thông tin cho biết năm 2018 FAPTV đã mua lại lượng cổ phần này tại Big Cat.
Để có được ngày hôm nay, giai đoạn đầu các thành viên FAPTV từng làm việc không có thu nhập trong 3 tháng trước khi có được hợp đồng quảng cáo đầu tiên. Điển hình nhất là nhà sáng lập Trần Đức Viễn. Anh sinh năm 1990, tự nhận mình là "đứa học sinh ngu" thời còn đi học. Năm lớp 12, Viễn thi đại học chỉ được 0,5 điểm toán nhưng vẫn may mắn đỗ ngành công nghệ thông tin vào một trường đại học Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2011, Trần Đức Viễn tham gia khoá học thử về làm phim và quyết định nghỉ học và theo đuổi niềm đam mê này.
Khoá học kéo dài 2 năm rưỡi với học phí hơn 60 triệu đồng là một gánh nặng với chàng trai lớn lên trong xóm lao động ở Sài Gòn, từng làm đủ nghề: phụ hồ, phục vụ quán cơm, bán điện thoại, công nhân đóng gói thuốc trừ sâu thực vật,… để kiếm sống và học hành.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Viễn tham gia một đơn vị chuyên quay MV ca nhạc với đủ vị trí để học hỏi: phụ đèn, camera, quay phim, làm ánh sáng, dựng phim, chỉnh màu,… Theo anh đây là nền tảng rất quan trọng để sau này anh thành lập và phát triển FAPTV.
"Tôi nhớ tháng đó Thái Vũ có 8 triệu tiền lương, gần như là một cái thở phào, phá bỏ mọi áp lực", Viễn từng chia sẻ về mốc FAPTV nhận được quảng cáo đầu tiên. "Thở phào rằng kể từ bây giờ, mình có thể làm việc an tâm với đam mê của mình. Từ trước tới giờ, lúc còn nghèo khó, tôi tưởng tượng tương lai chỉ cần lương trên 8 triệu là đủ sống rồi. Lúc đạt mốc lương 8 triệu tôi biết con đường mình đi bắt đầu có cái gì nó đúng đúng, có ánh sáng".
Đầu năm 2019, trong một buổi giao lưu trực tuyến các thành viên chính của FAPTV cho biết nhờ sự ủng hộ của khán giả mà cuộc sống của họ đã tốt hơn trước rất nhiều. Đa số các thành viên đều đã có ô tô riêng, Thái Vũ đủ tiền mua nhà, Huỳnh Phương đi xe Mercedes 200, Trần Long mua Peugeot.