Ai cũng từng nghe nói đến Liên hợp quốc, nhưng có bao nhiêu người thực sự biết tổ chức này làm gì?
Liên Hợp Quốc (LHQ) hoạt động như thế nào? Hay tại sao, tại phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng LHQ, tổ chức này vẫn đang gắng sức để thực hiện lời hứa của những người sáng lập: biến thế giới thành một nơi tốt đẹp, thanh bình hơn?
Hiến chương LHQ đã được ký tại một hội nghị ở San Francisco vào tháng 6 năm 1945 dưới sự chỉ đạo của 4 quốc gia là Vương quốc Anh, Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ. Khi Hiến chương có hiệu lực vào ngày 24/10 năm đó, chiến tranh thế giới thứ 2 vừa kết thúc. Phần lớn châu Phi và châu Á vẫn bị cai trị bởi các nước thực dân.
Sau các cuộc đàm phán gay gắt, 50 quốc gia đã đồng ý với một Hiến chương bắt đầu bằng cụm từ “Chúng ta những quốc gia của Liên hợp quốc”.
Tại sao lời mở đầu đó lại đáng chú ý? Vì ở thời điểm hiện tại, đối với một số người, LHQ dường như chỉ phục vụ lợi ích quốc gia của một vài nước trong số 193 nước thành viên – cụ thể là các nước quyền lực nhất – thay vì lợi ích của dân thường.
Theo Hiến chương LHQ, thì tổ chức này bao gồm 6 cơ quan chính: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban Thư ký, Tòa án công lý quốc tế, và Hội đồng quản thác. Ngoài các cơ quan này, một số tổ chức cũng thuộc LHQ như WHO, UNICEF,…
Đại hội đồng: Hình ảnh nổi bật, quyền lực giới hạn
Mỗi mùa thu, phiên khai mạc của Đại hội đồng LHQ trở thành nơi các tổng thống và thủ tướng phát biểu hay đọc những bài diễn văn. Phần còn lại của kỳ họp, Đại hội đồng trở thành nơi diễn ra các cuộc chiến ngoại giao chủ yếu mang tính biểu tượng.
Cũng trong các phiên họp này, hàng trăm nghị quyết đã được đưa ra hằng năm. Một vài nghị quyết trong số đó thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng kể cả khi thông qua, thì chúng cũng không ràng buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện về mặt pháp lý.
Về nguyên tắc, thì các quốc gia thành viên dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều có tiếng nói bình đẳng ở Đại hội đồng, với mỗi nước được bỏ một phiếu. Nhưng quyền lực thực sự lại không nằm ở cơ quan nhận được nhiều sự chú ý này của LHQ.
Hội đồng bảo an: Quyền lực nhưng thường tê liệt
Hội đồng bảo an với 15 thành viên tính tới thời điểm hiện tại là cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Cơ quan này có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt như cách nó đã làm với Iran do chương trình hạt nhân của nước này, và cho phép can thiệp quân sự như ở Libya vào năm 2011.
Các nhà phê bình cho biết Hội đồng bảo an cũng là bộ phận lỗi thời nhất của tổ chức. 5 thành viên thường trực là những quốc gia chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ 2: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga. 10 thành viên khác được bầu cho một nhiệm kỳ 2 năm, với số ghế được chia cho các khu vực khác nhau trên thế giới: 2 ghế cho các khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ, và Tây Âu, 1 ghế cho Đông Âu, và ghế còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á
Những nỗ lực tăng số lượng thành viên thường trực của Hội đồng bảo an bao gồm các cường quốc nổi lên từ năm 1945 như Ấn Độ, Nhật Bản và Đức đã bị ngăn cản. Với mỗi quốc gia mong muốn một chỗ cố định trong Hội đồng, đối thủ của họ đều tìm cách ngăn chặn điều đó xảy ra.
Để một nghị quyết được thông qua thì cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận từ 15 nước thành viên của Hội đồng bảo an. Tuy nhiên, chỉ cần một phiếu chống hay phủ quyết của một thành viên thường trực sẽ ngăn cản nghị quyết đó được thông qua, dù đã đủ số phiếu thuận theo quy định. Không bỏ phiếu chỉ được coi là phiếu trống, không coi là phủ quyết.
Bất cứ thành viên thường trực của Hội đồng bảo an (gọi tắt là P5) đều có quyền phủ quyết bất kỳ phương sách nào, và mỗi quốc gia trong P5 đều thường xuyên sử dụng quyền này để bảo vệ bản thân hoặc đồng minh. Kể từ năm 1990, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết 16 lần, nhiều lần trong số đó liên quan đến mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Số lần sử dụng của Nga là 17 lần, 8 lần trong số đó là về vấn đề Syria.
Hiến chương trao cho Đại hội đồng LHQ quyền hành động, nếu vì một quyền phủ quyết, hòa bình và an ninh quốc tế bị đe dọa. Nhưng trong thực tế, nó hiếm khi xảy ra.
Tổng thư ký: Phạm vi hoạt động toàn cầu, vai trò không rõ ràng
Hiến chương không xác định rõ ràng nhiệm vụ của tổng thư ký, quan chức hàng đầu của LHQ. Ông/bà đảm nhiệm vị trí đó cần phải không tỏ ra thiên vị với bất kỳ quốc gia nào, nhưng văn phòng thư ký lại phụ thuộc vào các nguồn tài trợ và thiện chí của các quốc gia quyền lực nhất.
Hội đồng bảo an – nhất là P5 – chọn tổng thư ký bằng cách bỏ phiếu kín để phục vụ tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm. Quá trình này khiến cho vai trò của tổng thư ký khó độc lập dưới sức ảnh hưởng của P5.
Tổng thư ký không có quân đội để điều động, nhưng nhiệm vụ chính của vị trí này là hòa giải. Nếu người đứng đầu ban thư ký LHQ được xem là độc lập, trung lập, thì ông/bà ấy thường là người duy nhất trên thế giới có thể kêu gọi các bên đối lập ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Tổng thư ký hiện nay, António Guterres – một chính khách Bồ Đào Nha, đã lên nắm quyền điều hành trong năm nay. Người tiền nhiệm của ông là Ban Ki-moon của Hàn Quốc, đã nhiều lần tiết lộ những giới hạn thẩm quyền của Ban Thư ký trong suốt 2 nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của ông.
Từ năm 1946, 9 người đã giữ vai trò tổng thư ký. Tất cả đều là nam giới.
Những vấn đề trong việc gìn giữ hòa bình
Nhiệm vụ của Hội đồng bảo an là duy trì hòa bình thế giới. Khả năng để hoàn thành nhiệm vụ đó của cơ quan này trong thời gian gần đây đã bị hạn chế nghiêm trọng, phần lớn là do bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây.
Hội đồng bảo an đã không thể hiện vai trò gì trong những mâu thuẫn lớn, đặc biệt là những mâu thuẫn có sự tham gia của các thành viên thường trực.
Thất bại lớn nhất gần đây là cách xử lý cuộc xung đột 6 năm ở Syria, với việc Nga ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, còn Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ những nhóm đối lập. Hội đồng bảo an đã thất bại trong việc đưa ra hành đồng quyết định đối với Syria, dù có rất nhiều báo cáo về tội ác chiến tranh.
Một thất bại trong nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ là trường hợp của Triều Tiên. Nước này đã nhiều lần phớt lờ những lệnh cấm của LHQ về tiền hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân, khởi động các chương trình vũ khí hạt nhân bằng một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hạt nhân.
Chỉ vài ngày sau khi các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được LHQ thông qua vào ngày 11 tháng 9 để phản ứng lại cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 6 và lớn nhất của Triều Tiên, quốc gia này đã lại tiến hành một cuộc thử tên lửa nữa.