“Ác mộng” của dân kế toán: “Vắt chân lên cổ” những ngày cận kề deadline nộp báo cáo tài chính năm

05/03/2022 18:30 PM | Kinh doanh

Kế toán là một trong những nghề phổ biến nhất, có nhu cầu nhiều nhất trên thị trường lao động. Để trở thành một kế toán giỏi, kiến thức cần phải học không thua kém gì những ngành nghề khác như kỹ sư, ngân hàng,... áp lực công việc cũng không hề nhỏ nhưng thu nhập bình quân không cao, nhất là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thời hạn nộp Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp và nơi nhận BCTC của doanh nghiệp hiện nay được quy định cụ thể tại Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Theo đó, với các doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước, không phải doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, thời hạn nộp BCTC năm chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Điều này đem đến một câu chuyện "đến hẹn lại lên" của dân kế toán. Cứ sang tháng 3, khi hoa gạo nở đỏ cả một góc trời, thì tại các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, dân kế toán lại "vắt chân lên cổ" để kịp hoàn thiện báo cáo tài chính.

Diễn đàn kế toán trở nên nhộn nhịp với những bức ảnh chế kiểu như thế này

Kế toán những ngày cận kề thời điểm nộp báo cáo tài chính năm - Ai khóc nỗi đau này - Ảnh 1.

Một hình ảnh "chế" vui nhộn như thế này nhận được rất nhiều "like" trong diễn đàn kế toán

Rất nhiều ý kiến "đồng tình" với người đăng bức ảnh "Cho mình xin 1 chỗ"; "Xe này bé quá so với nhu cầu rồi"; " Xe cháy vé mỗi độ tháng 3 về"...

Năm nay, vất vả với dân kế toán dường như nhiều hơn khi Covid bủa vây khắp nơi. Bên cạnh đó một loạt các quy định, chính sách, văn bản mới có hiệu lực ngay từ đầu năm.

Ngày 01/01/2022, thông tư 80/2021/TT-BTC chính thức có hiệu lực, toàn bộ tờ khai thuế năm 2022 và tờ khai QTT năm 2021 phải kê khai theo mẫu biểu và quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Dân kế toán còn chưa nghiền ngẫm hết nội dung Thông tư 80, lại tiếp tục "rối loạn tiền đình" với Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn giảm thuế theo nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Ngày 24/02, quyết định số 206/ QĐ - BTC ban hành về việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc TW từ tháng 04 năm 2021, giáng thêm cho nhà kế một sự "nhốn nháo" không hề nhẹ.

Trước đó, 6 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định đã áp dụng ngay từ đầu năm hoá đơn điện tử theo tinh thần thông tư 78/2021/TT-BTC.

Có người nói vui, đi xem bói năm nay thầy phán nhà kế gặp hạn tam tai. Ba sao "78 - 80 - 15" thi nhau chiếu mệnh. Lại có người than trời, "80 chưa qua, 15 đã ghé. Sau vụ này có nhiều kế toán bỏ việc không đây?"

Kế toán những ngày cận kề thời điểm nộp báo cáo tài chính năm - Ai khóc nỗi đau này - Ảnh 2.

Đốm sáng le lói trong bức hình này là điện phát ra từ căn phòng của kế toán đang thức làm BCTC chăng?

Khó khăn, vướng mắc không chừa một ai làm nghề nhưng có lẽ những kế toán "đơn độc" ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm thấy chật vật hơn rất nhiều. Điều này cũng dễ hiểu vì ở các Doanh nghiệp, công ty lớn, có kế toán trưởng, giám đốc tài chính, việc đọc, hiểu và áp dụng văn bản, quy định Pháp luật luôn bài bản và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, số lượng kế toán viên trong phòng đủ đáp ứng khối lượng công việc.

Kế toán là một nghề vất vả, khi mà công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức xử lý số liệu lại luôn phải cập nhật kiến thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật, đặc biệt quy định liên quan đến lĩnh vực thuế. Trong khi đó, mức lương của một kế toán viên tại một doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không cao, chủ doanh nghiệp cũng thường không có sự coi trọng đúng mức với vị trí kế toán vì cho rằng "tuyển đâu chẳng được kế toán".

Thực tế trên thị trường lao động, số người làm kế toán hiện nay khá nhiều. Không khó để bạn trở thành một kế toán viên nhưng để làm được kế toán tổng hợp, lên được báo cáo tài chính trôi chảy lại không phải là việc đơn giản.

Mỗi mùa báo cáo tài chính qua đi là một dịp để kế toán viên nhìn lại hành trình mình đã đi, cảm nhận những vất vả của nghề nghiệp và có cho mình quyết định thích hợp. Nếu quyết tâm gắn bó với nghề thì phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, coi việc đọc văn bản, quy định như một phần tất yếu của công việc.

Trong guồng quay thế giới thay đổi từng ngày, quy định Pháp luật tất nhiên cũng không thể bất biến. Tương lai sẽ có những thay đổi lớn nhìn thấy trước được, chẳng hạn vào một ngày nào đó, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS thay cho chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS hiện hành.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều kế toán, không đủ kiên trì và đam mê, tìm cho mình một công việc khác, phù hợp sở trường của bản thân hơn. Đó âu cũng là điều rất bình thường trong một thị trường lao động tự do.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM