9 thói quen cố hữu khiến một người khó thành công: Thích trì hoãn, thường viện cớ, không chịu học hỏi, chả trách tại sao mãi không thành công nổi!
9 điều này là nguyên nhân ngăn cản một người đạt được thành công.
Đặc điểm của tư duy của người khó có thể thành công thường là sự tiêu cực, biểu hiện qua việc phủ nhận và không tin tưởng vào khả năng của bản thân cũng như hoàn cảnh, môi trường xung quanh. Một người khó đạt được thành công thường có 9 nguyên nhân chính sau.
1. Do dự
Sự do dự, không quyết đoán khiến bạn dễ dàng bị tụt lại ở phía sau, dù các mặt khác bạn có năng lực nổi trội đến đâu. Hành động mạnh mẽ, quyết đoán có thể mắc sai lầm, nhưng còn tốt hơn là không dám làm gì.
Triết gia Alfred North Whitehead từng nói: "Sợ mắc sai lầm chính là thứ hủy hoại sự tiến bộ”.
2. Trì hoãn
Kế hoạch thì đẹp đẽ, phong phú nhưng hành động, thực thi lại thiếu quyết tâm.
Trong nhiều trường hợp, trì hoãn thường là cách trốn tránh vấn đề và lười biếng, phóng đại khó khăn trước mắt và sợ hãi đối diện. Với tâm lý trì hoãn một ngày, "để mai rồi làm", từ đó tạo ra đủ lý do để trốn tránh: "công việc nhàm chán," "sếp khắt khe," "quá bận rộn," hay "để hôm sau làm cũng không sao”.
Lâu dần, chúng ta rơi vào vũng lầy của suy nghĩ "công việc ngày càng vô vị”. Càng lười biếng, bạn càng trở nên thụ động.
Sự lười biếng và tiêu cực tích tụ, khiến chúng ta có cảm giác hối tiếc quá khứ và mơ mộng viển vông về tương lai. Theo thời gian, điều này làm nảy sinh cảm giác có lỗi và sự phủ nhận bản thân, dẫn đến căng thẳng ngày càng gia tăng.
Nhà tư tưởng nổi tiếng Romain Rolland từng nói: "Sự lười biếng là một điều rất kỳ lạ. Nó khiến bạn nghĩ rằng đó là sự thoải mái, nghỉ ngơi và may mắn, nhưng thực tế, điều nó mang lại cho bạn là sự buồn chán, mệt mỏi và chán nản”.
3. Dễ nản lòng
80% thất bại trên thế giới đến từ việc bỏ cuộc giữa chừng. Người dễ nản lòng sẽ khó trải nghiệm được niềm vui khi thành công nhờ kiên trì làm một việc đến cùng, vì quá trình kiên trì thường nhàm chán và đầy thử thách, trong khi bản chất con người lại là thích sự nhàn hạ và thoải mái.
Vào mỗi đầu năm, chúng ta đều đặt ra những kế hoạch hoành tráng ở những trang đầu của sổ tay, nhưng các trang sau gần như trống không.
"Tôi đã mua được một cuốn sách hay, nhưng đáng tiếc là tôi vẫn chưa bắt đầu đọc nó”, "Tôi đã quyết định tập thể dục và giảm cân , nhưng tôi đã bỏ cuộc chỉ sau gần 5 ngày”,...
Hầu hết mọi người cũng từng có trải nghiệm "lên kế hoạch đầy tham vọng, rồi lại bỏ cuộc trong chán nản”. Cứ như vậy, theo thời gian, cảm giác thất bại đã tăng lên.
4. Sợ bị từ chối
Phần lớn những "nỗi đau" chúng ta cảm nhận trong các mối quan hệ đều liên quan đến cảm giác bị từ chối.
Đôi khi, sự từ chối này rất rõ ràng, như người mình yêu bất ngờ chia tay hay bị bạn bè phản bội, xa lánh. Có lúc, sự từ chối lại rất tế nhị, chẳng hạn bạn trao một ánh nhìn mỉm cười nhưng đối phương lại tránh ánh mắt đó hoặc khi bạn lấy hết dũng khí để gửi một tin nhắn, nhưng chỉ nhận được câu trả lời cụt ngủn sau một thời gian dài chờ đợi.
Người có thể tạm gác lại nỗi sợ bị từ chối để theo đuổi một điều gì đó thường là người có mục tiêu và tập trung vào kết quả. Những người luôn đặt thể diện lên trên hết, trong giao tiếp cá nhân, lại thường quan tâm quá mức đến thái độ của người khác.
Vì vậy, khi một người có cảm giác thiếu tự tin, sợ bị từ chối, chúng ta dễ dàng chấp niệm vào những điều nhỏ nhặt và để lòng tự ái lấn át lý trí.
5. Tự giới hạn bản thân
Đây là kiểu hạn chế khả năng phát triển của chính mình. Họ thường nói “Tôi muốn làm A, nhưng lại sợ không làm được vì có rất nhiều lý do B, C, D, E…”. Họ phủ định khả năng của mình trước cả khi bắt đầu và tìm ra hàng loạt lý do để không nỗ lực thực hiện. Thói quen tự giới hạn bản thân đã dẫn đến kết quả là sự tầm thường và không thành công.
Họ luôn mặc định một “cao độ” nhất định trong lòng, mức độ đó luôn ám thị với họ rằng: “Chuyện này mình vốn không làm tốt được, chỉ cần làm tạm tạm thôi là đủ rồi”.
Kiểu ám thị tâm lý này có thể giúp họ tránh khỏi cảm giác thất vọng khi gặp thất bại và cho họ một chút cảm giác hài lòng với chính mình. Nhưng điều đó cũng lấy đi cơ hội thành công của họ.
Tác gia François de La Rochefoucauld từng nói : "Người tầm thường luôn than phiền về những thứ mà mình không hiểu”.
6. Trốn tránh hiện thực
Những người trốn tránh hiện thực thường có 5 đặc điểm:
Thường xuyên mơ mộng, thích tạo ra một thế giới nhỏ của riêng mình.
Thích làm việc cảm tính, thoải mái, không bị ràng buộc. Nói một cách đơn giản, họ thích một cuộc sống nhàn hạ.
Đắm chìm trong trò chơi hoặc tiểu thuyết, đưa họ vào một thế giới phồn hoa, lý tưởng, khiến bạn trốn tránh hiện thực.
Cảm thấy thế giới hiện thực rất tàn khốc. Khi theo đuổi những giấc mơ hão huyền, họ thường cảm thấy thất vọng bởi hiện thực.
Không thể đối diện với môi trường không chắc chắn, vì chỉ trong thế giới nhỏ tự tạo ra, họ mới tìm thấy cảm giác an toàn.
7. Luôn viện cớ
Khi phạm lỗi, phản ứng đầu tiên của mọi người thường là biện hộ cho bản thân. Những người thích viện cớ cho mình có một đặc điểm chung: thiếu ý thức sự nghiệp mạnh mẽ, không có đam mê kiên định theo đuổi và không có niềm tin mạnh mẽ trong cuộc sống.
Vì vậy, khi gặp áp lực hoặc khó khăn, họ không muốn chịu trách nhiệm. Khi đối mặt với khó khăn hay thử thách, họ chùn bước và không muốn đảm nhận, khiến họ phải tìm cớ biện hộ. Vì tìm cớ là cách dễ nhất và đây là cách để che giấu sự thiếu hiểu biết của bản thân, từ đó tự an ủi chính mình.
8. Sợ hãi
Sự nhút nhát, yếu đuối khiến nhiều người thường cảm thấy sợ hãi trong công việc. Họ luôn có cảm giác sợ bị sếp phê bình, sợ người khác nghĩ mình kém cỏi, sợ người khác phát hiện ra khuyết điểm của mình. Họ quan tâm quá nhiều đến sự đánh giá của người khác, sợ mắc sai lầm, sợ những nỗ lực của mình không được đáp lại.
9. Từ chối học hỏi
Nhiều người thường nghĩ rằng, học tập cần phải dành nhiều thời gian suy nghĩ, không ngừng đấu tranh với bản thân, điều này thật mệt mỏi, thà nằm thoải mái xem phim hay lướt điện thoại. Đến một ngày, khi thấy bạn bè cùng trang lứa lương cao hơn, cuộc sống tốt hơn, họ lại than vãn trên mạng xã hội rằng do bản thân không gặp nhiều may mắn.
Những người bận rộn với công việc và phấn đấu, nỗ lực cho tương lai sẽ không có giảm giác trống trải. Phần lớn những người cảm thấy trống trải, về cơ bản đều là những người rảnh rỗi không có việc gì để làm.
Theo Aboluowang