9 điều ít biết về nền kinh tế Venezuela
Từng là quốc gia giàu nhất tại Nam Mỹ, vài năm qua, Venezuela chìm trong lạm phát và các chính sách thất bại của chính phủ đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ, đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng nghèo khổ.
Dưới đây là 9 điều khó tin về nền kinh tế Venezuela, theo Business Insider.
Theo Euro News, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát của Venezuela có thể chạm mức 10 triệu phần trăm trong năm 2019. Theo đó, mức lương tháng của nhiều người dân nước này không đủ để mua một hộp sữa.
Venezuela sở hữu lượng dầu dự trữ lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay sản lượng dầu mỏ của nước này chỉ bằng 2,3 lần so với những năm 1970. Theo Forbes, vào những năm 1970, Venezuela sản xuất khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ngày, nhưng hiện nay con số này chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Venezuela từng là quốc gia giàu nhất tại Nam Mỹ, từ năm 1958 khi nước này bắt đầu chính phủ dân chủ cho tới hết những năm 1980, theo PRI's The World. Giá dầu lao dốc vào những năm 1980 cùng những chính sách kinh tế thất bại đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim của quốc gia này.
Trong 6 năm giữ cương vị tổng thống Venezuela, ông Nicolás Maduro đã 26 lần ra quyết định tăng lương tối thiểu của người dân nước này, bao gồm lần tăng 300% từ 4.500 lên 18.000 Bolivar vào đầu năm nay.
Các chuyên gia ước tính một cuộn giấy vệ sinh tại Venezuela có giá tới 2,6 triệu Bolivar trong năm 2018. Thời điểm giữa năm ngoái, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này là khoảng 1 triệu phần trăm, theo NBC News.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 của Venezuela thấp hơn so với của bang Connecticut (Mỹ). Theo World Economics Ltd., GDP năm ngoái của quốc gia Nam Mỹ này là xấp xỉ 276 tỷ USD, còn của bang Connecticut là 279,7 tỷ USD.
Theo Bloomberg, các chuyên gia dự báo tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ vượt 44% trong năm nay và có thể cán mốc 50% vào năm 2020. Quốc gia này đã ngừng công bố số liệu thất nghiệp từ năm 2016 khi tỷ lệ này ở mức 7,3%, theo Reuters.
Sản lượng sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu của Venezuela được dự báo sẽ giảm 25% trong năm 2019. Đây là mức giảm lớn nhất của một nền kinh tế không có chiến tranh, theo tính toán của IMF.
Tính tới năm 2017, dầu mỏ chiếm khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu của Venezuela và chiếm khoảng 50% nguồn thu hàng năm của chính phủ nước này, theo dữ liệu của CIA Factbook.