8x tạm dừng công việc 1 năm để du lịch qua 10 nước châu Âu: Quản lý tài chính thông minh, giữ thói quen chi tiêu khoa học ngay cả khi tận hưởng chuyến đi trong mơ
“Từ lâu, qua những câu chuyện của chồng về chuyến du lịch vòng quanh thế giới, tôi đã ấp ủ ước mơ bản thân cũng được trải nghiệm những cảm giác tuyệt vời ấy. Sau bao năm thực hiện kế hoạch tài chính sáng suốt, ở tuổi 38, tôi đã quyết định gap year không lương để bắt đầu hành trình của mình” - Ở giữa lòng Châu Âu, chị Yến chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời của mình.
Bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới của mình vào đầu năm 2022, chị Yến chọn nước Đức, quê hương của chồng là địa điểm đầu tiên. Trong vòng 6 tháng, hai vợ chồng đã cùng nhau lái xe rong ruổi khắp 10 nước Châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Áo, Hungary, Ý, Thụy Sỹ, Monaco và Hy Lạp. Cả hai đang hưởng thụ khoảng thời gian hạnh phúc nhất và lên kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo.
Tình yêu và chuyến du lịch trong mơ tới 10 nước châu Âu
Chị Nguyễn Kim Yến (38 tuổi) đảm nhận vị trí chuyên gia Tái thẩm định Định Chế Tài Chính tại một ngân hàng Thương mại Cổ phần. Qua một dating app, chị Yến may mắn gặp và hẹn hò với anh Jean Paul (39 tuổi), một người Đức với tình yêu đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam. Qua những câu chuyện về chuyến du lịch vòng quanh thế giới của chồng, chị Yến đã nhận ra khao khát được trải nghiệm, khám phá những vùng trời mới của mình.
“Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi và bạn trai (cũng là chồng hiện tại) không thể tổ chức đám cưới ở Việt Nam như đúng kế hoạch. Hơn 2 năm yêu xa khiến tôi và Jean nhận ra tình cảm của chúng tôi dành cho nhau lớn đến mức nào. Tôi quyết định gap year một năm không lương, làm Visa kết hôn và bắt đầu chuyến du lịch trong mơ của mình”, chị Yến kể lại.
Đám cưới đơn giản nhưng hạnh phúc của Kim Yến và chồng được tổ chức tại Đức.
Đối với mọi người xung quanh, có lẽ quyết định của chị Yến quá vội vàng và mạo hiểm. Nhưng đối với bản thân chị, đây là kế hoạch mà chị đã ấp ủ từ lâu. “Tôi và bạn trai, một người ở Việt Nam, một người ở Đức, yêu nhau 2 năm thực sự là một thách thức. Tôi quyết định chọn quê hương của anh ấy là địa điểm đầu tiên cho hành trình của mình”, chị Yến nói.
Độc lập, quản lý tài chính thông minh cả trước và trong khi hưởng thụ chuyến đi
Xuất thân là một sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học nên chị Yến sớm học được cách độc lập, chi tiêu tiết kiệm và lên kế hoạch cụ thể cho mọi mục tiêu từ nhỏ đến lớn. “Cũng như bao bạn trẻ khác, tôi ao ước sở hữu một căn nhà giữa lòng thủ đô. Tôi đã làm việc vô cùng chăm chỉ, thực hiện nghiêm ngặt mọi kế hoạch chi tiêu. Căn hộ đầu tiên ấy không chỉ là thành quả cho những nỗ lực của tôi mà còn giúp tôi tin tưởng rằng, không cần một gia cảnh quá tốt, chỉ cần can đảm và cố gắng hết mình, không gì là không thể”, chị Yến chia sẻ.
Tuy nhiên vì khoảng thời gian đó, năng lực tài chính chỉ cho phép chị Yến sở hữu một căn nhà ở xa trung tâm, đi lại mất thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhận ra điều đó cũng là lúc chị Yến có được bước ngoặt trong cuộc sống của mình. Chị quyết định bán căn hộ đi và dùng tiền đó đầu tư một số bất động sản, chứng khoán và cả vàng. “May mắn là trong 2 năm vừa qua các tài sản tài chính đều tăng giá đều nên khi có kế hoạch Gap Year cũng là thời điểm tôi thanh lý bớt các tài sản có tính rủi ro cao hơn để làm ngân sách cho chuyến đi”, cô gái 8x chia sẻ.
Chị Yến cũng ý thức rõ về tính rủi ro của thị trường đầu tư nên luôn chuẩn bị sẵn tâm lý và thực hiện chi tiêu khoa học. “Mức lương khởi điểm khi mới ra trường của tôi chỉ là 2,5 triệu. Sau 15 năm không ngừng trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm, mức lương của tôi đã tăng gấp nhiều lần. Tuy vậy, tôi luôn xác định chi tiêu sao cho bản thân thấy thoải mái là đủ, không bao giờ tiêu xài hoang phí”, Yến nói.
Kim Yến cũng nói thêm: “Tôi luôn không bao giờ chi tiêu cho những thứ mà bản thân liệt vào danh sách phù phiếm như hàng hiệu, hay những thứ đồ dùng chỉ mua về để trưng. Nhiều năm liền tôi giữ thói quen ghi chép lại từng khoản chi tiêu trong tháng. Các khoản thu - chi đều khá cố định nên tôi nắm rõ được cuối mỗi tháng có thể tiết kiệm được từng nào. Tôi thường tổng kết nhìn lại khoản mục nào không hợp lý thì tháng sau rút kinh nghiệm”.
Tiết kiệm để có ngân sách cho chuyến đi là chưa đủ, ngay cả trong chuyến du lịch, Yến vẫn giữ thói quen chi tiêu khoa học của mình. “Khi mới sang Đức, là phụ nữ, nhìn thấy những đồ đẹp mắt mới lạ, tôi đương nhiên cũng muốn. Tuy nhiên sau đó tôi đã tự cân bằng lại: Tuyệt đối không mua đồ không cần thiết, kể cả là những dịp giảm giá lớn như Easter, End of Season. Đồng thời, những đồ đã trót mua nhưng không dùng tới, tôi mạnh tay pass ngay, dù chấp nhận bản thân bị lỗ. Ví dụ tiêu biểu là vừa rồi, tôi đã thanh lý 4 chiếc váy cưới tôi mua và mang từ tận Việt Nam sang Đức nhưng không dùng đến”, Yến chia sẻ.
Chuyến du lịch qua 10 nước châu Âu nhiều người mơ ước
Trong 6 tháng vừa rồi, Yến và chồng đã tự chạy xe du lịch qua 10 nước Châu Âu. “Chúng tôi dành cả 1 tháng ở Pháp, từ vùng Bắc Normandy xuống vùng Nam ngắm hoa Oải Hương. Sau đó chạy qua Hà Lan ngắm hoa anh đào, qua Bỉ ngắm hoa chuông xanh… Mỗi vùng đất đi qua là một trải nghiệm, là một lần tôi được mở rộng tầm mắt”, Yến hào hứng kể lại chuyến đi.
Kim Yến và chồng tại một căn Airbnb ở Pháp
Chị Yến trên cánh đồng hoa oải hương ở Valensole (Pháp)
Một cánh đồng trên dọc đường du lịch trải nghiệm tại Pháp
Trên đỉnh núi Grimsel-Thụy Sĩ
May mắn hơn những người khác, Yến được chồng đồng hành và chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các chuyến du lịch dài ngày. Chị luôn sử dụng triệt để các app săn combo du lịch, giảm giá khi đặt bàn ở nhà hàng.
Đồng thời, đi du lịch không có nghĩa là nhất thiết phải ăn nhà hàng tất cả mọi bữa. Để trải nghiệm thì với mỗi địa điểm, chị sẽ tới nhà hàng để ăn thử đặc sản của địa phương đó. Còn lại thì hai vợ chồng hoàn toàn có thể tiết kiệm bằng việc mua đồ ăn trong siêu thị. “Ở đây họ làm đồ ăn sẵn như salad rất nhiều, vừa ngon vừa rẻ, vừa vẫn tốt cho sức khỏe”, chị nói.
Đảo Crete (Hy Lạp)
Tiết kiệm chi phí cho hành trình dài ngày là ưu tiên hàng đầu nên Yến luôn xác định: “Với những bạn hoàn toàn đủ năng lực tài chính và muốn tiết kiệm thời gian thì có lẽ việc xử lý mọi vấn đề thông qua các dịch vụ có sẵn là hợp lý. Nhưng với tôi, việc gì tự làm được, tôi sẽ cố gắng làm”, Yến nói.
“Thay vì đặt combo du lịch qua văn phòng tour thì tôi tự tìm được 1 website có giá tốt, sau đó check trên app thì giá lại tốt hơn website nữa. Khi tôi so sánh combo đi du lịch đảo Crete - Hy Lạp từ Đức và tự đặt nên đã tiết kiệm được 200 Eur/người so với giá của văn phòng tour”.
Rừng hoa chuông ở Bỉ
Leo núi ở Đức
Ngắm hoa mộc lan ở Hà Lan
Cologne Đức
Etreta Pháp
Normandy Pháp
Trải qua nửa năm du lịch ở Châu Âu, chị Yến cũng khuyên mọi người nên tránh mùa du lịch cao điểm. “Ở Châu Âu , vào tháng 7 và 8 mọi người đi biển rất nhiều. Thời điểm này vừa rất đông, vừa bị giá phòng và giá thuê xe đắt hơn. Thay vào đó, chúng ta nên lựa chọn đi biển vào tháng 6 và tháng 9 để tận hưởng trọn vẹn chuyến du lịch và tiết kiệm một phần chi phí”, chị Yến chia sẻ.
Hiện tại, ngoài kế hoạch du lịch, vợ chồng chị Yến còn muốn có con trong thời gian gần nhất. Vì vậy, mọi kế hoạch sau đó, chị sẽ xem xét sắp xếp lại cho hợp lý. Ở tuổi 38, sau bao nhiêu nỗ lực, chị Yến đang có những khoảng thời gian đẹp nhất ở trời Tây, cùng chồng của mình.
“Một người vốn không có gì quá nổi bật như tôi cuối cùng cũng theo đuổi được ước mơ của mình và hưởng thụ những khoảng thời gian đẹp đẽ nhất. Vì thế, tôi tin rằng chỉ cần chúng ta nỗ lực, mọi cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng”, chị Yến vui vẻ gửi lời nhắn gửi.
Nguồn ảnh: Facebook Yến Burion