Hơn 2.000 CEO cùng viết tâm thư kiến nghị Chính phủ 3 nhóm chính sách “hỗ trợ khẩn cấp” cho doanh nghiệp

31/08/2021 09:31 AM | Kinh doanh

Đã có hơn 2.000 đại diện doanh nghiệp ký vào thư kiến nghị trực tuyến gửi Thủ tướng Chính phủ mong được "hỗ trợ khẩn cấp". "Khi đủ 5.000 chữ ký, chúng tôi sẽ in bản cứng và gửi đến Thủ tướng và các Bộ trưởng", ông Lâm Minh Chánh, CEO BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp - đại diện nhóm đứng tên kêu gọi kiến nghị - cho biết. Trong số hơn 2.000 người ký tên, có cả ông Nguyễn Thanh Mỹ - vị doanh nhân Việt kiều đang xây ‘thung lũng Silicon’ tại Trà Vinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Phụ nữ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Phụ nữ.

"Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn"

Hơn 1 tháng nay, ông Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT Clever Group – ngày ngày đến công ty trên đường Kim Giang (Hà Nội) làm việc một mình.

"Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là không có khách hàng. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải chi trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ", ông Trình cho biết.

"Doanh nghiệp chúng tôi muốn được đi làm".

Khó khăn của Clever Group là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, với 97,8% là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đang phải hạn chế hoạt động, thậm chí ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh.

85.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, hơn 2.000 CEO cùng viết tâm thư cầu cứu Chính phủ 3 nhóm chính sách “hỗ trợ khẩn cấp” - Ảnh 1.

Ông Lâm Minh Chánh - CEO BizUni.

"Doanh thu và dòng tiền giảm sút mạnh, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn phải trả những chi phí không thể cắt giảm như chi phí mặt bằng, kho bãi, lương cơ bản và bảo hiểm xã hội", ông Lâm Minh Chánh - CEO BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp (cộng đồng với hơn 50 nghìn CEO, Doanh nhân và Startup) - cho biết.

"Vẫn có một số doanh vừa và nhỏ có thể "tìm cơ trong nguy", và phát triển khá ổn trong mùa dịch. Tuy vậy con số này là khá khiêm tốn. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn vốn hạn chế, cho nên khi bị đứt dòng vốn từ hoạt động kinh doanh thì thật sự "khô máu". Họ đang cố gắng hết sức để có thể cầm cự vượt qua khủng khoảng Covid".

Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ngày một tăng kể từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, và hiện đã vượt quá số doanh nghiệp thành lập mới. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 85.500 doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới ở mức 81.600, giảm 8% so với cùng kỳ.

85.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, hơn 2.000 CEO cùng viết tâm thư cầu cứu Chính phủ 3 nhóm chính sách “hỗ trợ khẩn cấp” - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tâm dịch TPHCM có tới 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1%.

Trước tình hình trên, một nhóm doanh nghiệp khó khăn đã họp bàn, cùng viết thư và kêu gọi chữ ký trực tuyến của nhiều doanh nhân đồng cảnh ngộ để tăng "trọng lượng" cho kiến nghị quan trọng này.

"Khi đủ 5.000 chữ ký, chúng tôi sẽ in bản cứng gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng", ông Chánh – đại diện nhóm đứng tên kêu gọi kiến nghị – cho biết.

"Chưa tới 24 tiếng đồng hồ, thư kiến nghị đã có khoảng 2.000 chữ ký", ông Chánh thông tin thêm.

Kiến nghị 3 nhóm chính sách "khẩn" để cứu doanh nghiệp

85.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, hơn 2.000 CEO cùng viết tâm thư cầu cứu Chính phủ 3 nhóm chính sách “hỗ trợ khẩn cấp” - Ảnh 3.

Để các doanh nghiệp duy trì qua đại dịch, nhóm doanh nghiệp trên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 3 nhóm chính sách liên quan đến Người lao động, Thuế - chi phí, và Tài chính - ngân hàng.

- Về chính sách liên quan đến Người lao động: Các doanh nghiệp mong được tạm ngừng đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch, đồng thời không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị được miễn giảm 100% phí BHXH của Doanh nghiệp và Người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội; và Có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

- Về chính sách Thuế và chi phí: Các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 – 2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế của 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận tất cả loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ".

- Về chính sách Tài chính - ngân hàng: Các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Đồng thời, kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Nhóm doanh nghiệp cũng khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vaccine đầy đủ.

"Hơn 2.000 đại diện đã ký không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà những doanh nghiệp lớn cũng cùng tham gia", CEO BizUni cho biết.

"Doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan, Chủ tịch Hội doanh nhân Người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người được ví là doanh nhân đã đem ‘Silicon Valley’ về Việt Nam cũng đã tham gia ký khi đọc bài của tôi. Anh Mỹ gọi cho tôi và nói "Sản xuất mùa Covid này khổ lắm. Anh đại diện cho 4 công ty của anh, đã ký vào kiến nghị. Tụi em có kiến nghị gì nữa thì báo cho anh với’", ông Chánh thuật lại.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM