8 năm đi làm thăng tiến từ nhân viên quèn lên giám đốc, mỗi năm lên chức một lần: Bí quyết của người Việt trẻ này là không bao giờ nói một câu quan trọng!
Thành công luôn là điều bất cứ ai cũng theo đuổi, thế nhưng chỉ có kẻ kiên trì bền bỉ mới có thể tạo ra kỳ tích. Trên thực tế, nếu có một công thức nào đó để thành công thì cả nhân loại đã thành công thay vì chỉ có một số ít người lên đỉnh vinh quang.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao mãi mà chưa tìm ra công thức cho chính mình, hãy thử nghe câu chuyện của một người trẻ làm nghề sáng tạo có tên Nguyễn Tiến Huy. Anh là nhà sáng lập agency Pencil Group. Câu chuyện dù đã khá lâu nhưng vẫn là bài học giá trị với thế hệ trẻ về phát triển sự nghiệp:
"Không phải việc của tôi"
Năm thứ nhất: Tôi là nhân viên thiết kế web. Một ngày nọ, sếp giao cho tôi thiết kế logo và ấn phẩm của công ty. Tôi đã dành một đêm để học một phần mềm mới về thiết kế in ấn, sau đó hoàn thành nhiệm vụ.
Năm thứ hai: Tôi vẫn là một nhân viên thiết kế, sếp yêu cầu tôi hỗ trợ đội bán hàng. Tôi vui vẻ chạy xe máy khắp các con đường, đi giới thiệu sản phẩm mới.
Năm thứ ba: Tôi thành lập Butchi Creative, chúng tôi thiết kế bìa đĩa. Khách hàng hỏi chúng tôi, liệu có thể giúp họ làm MV với mức giá cực thấp. Tôi đồng ý và cùng team bắt đầu sản xuất một trong những MV bằng hoạt hình đầu tiên ở VN.
Năm thứ tư: Tôi dừng hoạt động của Butchi Creative và gia nhập Who Digital. Trong cuộc phỏng vấn, tôi nói rằng tôi sẽ luôn tìm giải pháp cho những gì được công ty giao cho, kể cả những gì tôi không làm được hay không phải việc của tôi. Và tôi đã làm thế trong 8 năm tiếp theo.
Năm thứ năm: Người đàn anh trong công ty xin nghỉ, tôi xin nhận làm cả mảng lập trình ứng dụng Flash. Tôi được thăng chức sau một dự án đầu tiên mò mẫm từng dòng code. Tôi chủ động tham gia cùng cả bên lập trình cơ sở dữ liệu, góp ý kiến cho họ trong những gì họ làm.
Năm thứ sáu: Sếp cho tôi xem một website và hỏi tôi liệu có thể học được công nghệ này để áp dụng cho campaign sắp tới không? Tôi nói chỉ cần họ đã làm được ở nước ngoài thì tôi sẽ học được. Tôi được thăng chức sau khi chứng minh điều này.
Năm thứ bảy: Trưởng nhóm sáng tạo của công ty là một anh người Philipines đột ngột nghỉ khi đang làm một dự án quan trọng của công ty. Tôi tiếp quản dự án khi chưa có đủ kinh nghiệm. Tôi được thăng chức sau khi hoàn thành xong dự án.
Năm thứ tám: Công ty dịch chuyển cơ cấu để chuẩn bị cho sáp nhập với tập đoàn Ogilvy. Sếp nói với tôi: Tao sẽ trao cho mày cái chức danh của tao là Experience Director, vì mày đúng là như thế.
Có người hỏi tôi: Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy?
Trả lời: Tôi không bao giờ nói "Không phải việc của tôi".
Để làm được như vậy, người trẻ cần bản lĩnh bởi chỉ có kẻ kiên trì bền bỉ mới có thể tạo ra kỳ tích.
Câu chuyện về một kẻ kiên trì
Tại Trung Quốc, Lý Thượng Long là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy với nội dung truyền cảm hứng cho giới trẻ. Ông thường quan sát nhiều chuyện và những con người xung quanh mình và nhận ra một số trong đó có vẻ đang cố gắng hằng ngày, nhưng lại chẳng đạt được điều mình muốn.
Lý giải về thành công của những kẻ kiên trì bền bỉ, Lý Thượng Long viết trong cuốn sách có tên "Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống":
"Tại sao vậy?
Bởi lẽ khi bạn đang cố gắng thì người khác còn nỗ lực hơn bạn.
Khi một người hằng ngày bỏ ra 10 tiếng đồng hồ để nâng cao năng lực bản thân. Nếu bạn muốn vượt qua họ, thì cách duy nhất chính là hằng ngày bỏ ra 15 tiếng đồng hồ. Người bình thường có thể không hiểu nổi tại sao anh chàng đó không ăn mà học tập như một kẻ điên vậy. Thế nhưng, khi có xếp hạng, tất cả đã có câu trả lời.
Trong mắt của kẻ mà mọi người nghĩ là đang phát điên hùng hục nỗ lực, sự cố gắng với họ chỉ là lẽ thường!
Thượng Đế luôn công bằng, con người thì luôn mơ mộng. Mơ mộng thì phải điên điên, mới có thể trở thành anh hùng, tất sẽ có một ngày bạn lập nên truyền thuyết của mình.
Allen bạn tôi là một giáo viên tiếng Anh. Phát âm của anh ta chuẩn đến nỗi mọi người không rõ anh là người Mỹ hay người Trung Quốc. Đại học năm thứ hai, anh chuyển đến một trường khác. Lúc đó, anh có hai sự lựa chọn, một là học lại năm thứ nhất, hai là học hết học phần của bốn năm đại học trong vòng hai năm.
Suy nghĩ hồi lâu rồi anh bảo: "Tôi chọn phương án hai".
Cùng chuyển trường với anh ta có ba người, hai người kia đều bỏ cuộc, còn anh thì hằng ngày đều đi sớm về muộn. Hai năm liền, bình quân thời gian anh ta có mặt tại phòng tự học và thư viện vượt quá 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Dù mùa đông hay mùa hè, anh đều đến thư viện từ rất sớm để có chỗ ngồi. Đại học năm thứ tư, anh còn quyết định thi nghiên cứu sinh.
Kỳ thực đối với bất kỳ ai, khi nhiều việc phát sinh cùng một lúc, thì dù có thể làm được, nhưng trong bụng vẫn cằn nhằn không ngớt. Nhưng Allen không hề oán trách, anh âm thầm tăng thời gian học tập hằng ngày lên 16 tiếng đồng hồ. Buổi sáng, cứ 6 giờ 30, anh đã đến phòng tự học, ngồi đến 10 giờ 30 tối, chỉ dành mười mấy phút cho việc ăn uống, nghỉ trưa.
Tôi hay gọi điện, nhưng đến tối anh ta mới trả lời. Tôi hỏi thăm anh ta đang làm gì. Hầu hết thời gian anh đều dành cho học tập.
Trước khi tốt nghiệp, anh đã hoàn tất mọi học phần của bốn năm đại học trong vòng hai năm. Anh thi đỗ nghiên cứu sinh chuyên ngành phiên dịch của Học viện Ngoại giao với thành tích đứng đầu toàn trường. Ra trường anh ta làm việc tại một công ty khởi nghiệp và đang làm rất tốt."
Cũng là một người trẻ thành công, doanh nhân Lê Đăng Khoa cũng cho rằng thành công theo quan niệm của anh chỉ 10% đến từ thiên bẩm, 90% đến từ sự cần cù. Đặc biệt với người trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp bước vào thương trường sẽ không còn sự khác biệt giữa một cô sinh viên hay một cậu sinh viên mới ra trường kinh doanh, hay một bậc đàn anh, hay thậm chí một bậc đàn cha chú 30-40 năm kinh nghiệm.
Họ phải cạnh tranh với những người giống như shark Khoa sở hữu điều kiện vật chất, mối quan hệ, kinh nghiệm, nền tảng và mọi thứ.
"Nhưng nếu như anh bây giờ đang làm việc 1 ngày 12 tiếng, 1 tháng anh đọc 2 quyển sách thì nếu các em muốn một ngày đẹp trời qua mặt được anh thì một ngày các em phải làm việc 14 tiếng, 1 tháng đọc 6 quyển sách", doanh nhân trẻ này đưa ra lời khuyên về sự nỗ lực, kiên trì dành cho người trẻ nếu muốn thành công.
Vậy điều gì tạo nên bản lĩnh? Chỉ có sự trải nghiệm. Để có trải nghiệm cần thử thách bản thân vào tất cả những gì mình muốn làm. Khi còn trẻ mình đang ở tuổi đẹp nhất, ở cơ hội nhiều nhất là không có gì để mất thì đừng sợ mất. Tiền chưa nhiều, tuổi trẻ còn quá nhiều nên thử hết nhưng đừng bao giờ thử một cách qua loa đó là lãng phí thời gian. Muốn thành công phải biết quý từng giây từng phút cuộc sống mang lại đến cho mình.