8/3 của nhân viên y tế HN: Là F0 vẫn làm việc thâu đêm, xé lòng với câu nói của con nhỏ
Mỗi ngày nhận hơn 6000 tin nhắn, hàng nghìn cuộc gọi báo mắc COVID-19, các nhân viên y tế tại các trạm trên địa bàn Hà Nội đang căng mình chống dịch.
Vừa khỏi COVID-19 được 2 ngày, chị Vũ Thị Hương Giang (y sĩ, cán bộ y tế Trạm Y tế phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không có thời gian nghỉ tay. Vào giờ cơm trưa, chị cùng đồng nghiệp liên tục nhận điện thoại người dân báo gia đình có người mắc COVID-19 cần tư vấn.
Vừa dập máy, chị lại quay sang cùng đồng nghiệp tư vấn việc nhận giấy chứng nhận F0, giấy tờ hưởng bảo hiểm xã hội,… Công việc cứ thế quay cuồng đến 1-2h sáng, thậm chí thâu đêm.
Trạm y tế phường Trung Văn phải cách ly y tế suốt 10 ngày qua vì 100% cán bộ y tế phường hiện đang mắc COVID.
Chia sẻ với phóng viên, chị Giang cho biết, bản thân mặc dù mới khỏi COVID nhưng không thể đứng ngoài ‘cuộc chiến’ với dịch. 100% cán bộ y tế phường hiện đang mắc COVID và vẫn phải làm việc. Chị may mắn hơn mọi người là người mắc đầu tiên tại trạm và khỏi bệnh trước.
"Dù rất mệt, nhưng vì nhân lực mỏng, việc nhiều, bớt đi một người thì những người còn lại phải gánh tất việc của người kia. Nhìn thấy tình hình như vậy, tôi không đành lòng nên vẫn xin ở lại trạm hỗ trợ. Hiện trạm y tế phường Trung Văn có 7 nhân viên, cán bộ y tế đều đã, đang mắc COVID-19, trong đó có 5 người vẫn đang mắc COVID", chị Giang cho hay.
Trạm y tế dán giấy thông báo với người dân.
Theo chị Giang, từ khi 100% nhân viên y tế tại đây trở thành F0, nơi đây trở thành địa điểm phải cách ly y tế, mọi công việc chuyển sang làm online.
Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh căng thẳng, bệnh nhân tăng, số lượng công việc tăng. Nhiều cán bộ là F0 như chị phải thức xuyên đêm, thậm chí đến 6h sáng để trả lời tin nhắn của các bệnh nhân. Hầu như các cán bộ nhân viên không có thời gian ngủ.
Mặc dù là F0 nhưng các nhân viên y tế luôn làm việc với công suất 300%.
"Có nhiều bệnh nhân hỏi 'Các chị ơi, các chị thức giấc sớm thế', thực chất là chúng tôi không ngủ. Nhưng cũng nhiều bệnh nhân không hiểu cho áp lực công việc của chúng tôi, người ta lăng mạ và xúc phạm. Những lúc ấy chúng tôi rất nản...", nói đến đây chị Giang bật khóc vì áp lực, vì những tủi hờn.
Cả tháng nay, hầu hết nhân viên y tế phường không được về nhà, thậm chí người thân mắc COVID-19 cũng không lo chu toàn được. Mọi việc phải nhờ người thân khác trong gia đình phụ giúp
Nhiều ngày qua, chị Giang chưa được về nhà dù mình mắc COVID.
"Riêng tôi, cả nhà mắc COVID, đặc biệt là hai con nhỏ, cháu nhỏ sinh năm 2017, cháu lớn sinh năm 2012. Tôi chỉ tranh thủ về thăm nhà, xem tình hình sức khỏe của con. Tuy nhiên, hôm nào cũng thế, sớm cũng phải 1h sáng. Câu nói khiến tôi đau lòng nhất là mỗi lần các con hỏi: 'Bao giờ mẹ về? Bao giờ mẹ nghỉ', những câu nói như xé lòng và tôi không biết trả lời con thế nào vì tôi không biết khi nào mình sẽ về", chị Giang tủi thân khóc.
Khối lượng công việc nhiều, nhân viên tại trạm như chị em trong nhà, thỉnh thoảng có khúc mắc nhưng cũng bỏ qua hết.
"Như cách đây 2-3 ngày, tôi mới khỏi COVID được 2 ngày thì lại lao đầu vào công việc. Đi tiêm cho người dân về, tự dưng tôi tức ngực, khó thở, mặc dù tiết chế được cơn tức thở nhưng vẫn bị ngất xỉu và phải thở oxy, rất may có các chị đồng nghiệp giúp đỡ", chị Giang kể.
Lời ước ngày 8/3
8/3 năm nay, chị Giang nói: "Cũng giống như ngày thường, chúng tôi chẳng có ngày lễ gì cả, chỉ biết lao đầu vào công việc. Công việc bận, thậm chí bữa cơm hằng ngày cũng không có thời gian chuẩn bị. Vì nghề nên ngày lễ cũng chẳng biết làm gì, ước gì và mong gì".
Các nhân viên y tế ăn, ngủ và làm việc ngay tại Trạm.
Chị cho biết, mong ước cũng như động lực để làm việc mỗi ngày là: "Mong một ngày bình yên không có dịch, không phải trải qua những gì chúng tôi đã và đang phải trải qua".
Bà Nguyễn Trà My, Phó Trưởng Trạm y tế phường Trung Văn, cho biết tổng lượng nhân viên tại trạm (cả bảo vệ) là 8 người. Tất cả nhân viên y tế đều mắc COVID-19 và làm việc online tại trạm đã được 10 ngày nay.
Bất kể ngày hay đêm, họ vẫn miệt mài làm việc.
Các công việc của nhân viên y tế tại phường là tiến hành lấy mẫu test nhanh tại trạm y tế, tại nhà với số lượng ít nhất từ 300-400 mẫu/ngày. Ngoài việc lấy mẫu nhân viên y tế còn phải điều tra dịch tễ, khai báo online, làm giấy xác minh hưởng bảo hiểm xã hội cho bệnh nhân…
"Một ngày chúng tôi chia thành 3 nhóm zalo với những tổ dân phố tương ứng, mỗi nhóm rơi vào khoảng 2000-3000 tin nhắn. Mỗi người trong giờ hành chính, trong ca của mình, có người làm báo cáo, người làm tờ trình, người làm quyết định. Một nhóm làm bảo hiểm, một nhóm làm bảo hiểm,…
Những suất ăn vội của các cán bộ nhân viên y tế phường.
Hiện mới chỉ 5/8 nhân viên y tế tại trạm khỏi bệnh, còn lại vẫn đang dương tính và phải ăn, ở, làm việc tại trạm.
Chúng tôi chia việc để làm, bố trí cả nhân viên làm ca đêm, thay phiên nhau trực. Buổi sáng thì chúng tôi có các tình nguyện viên hỗ trợ, các em sẽ được xếp ở phòng riêng. Những người mới mắc sẽ có triệu chứng mệt hơn, nên sẽ được nghỉ buổi sáng, và bắt đầu công việc vào buổi chiều", chị My nói.
Bà Nguyễn Trà My.
Chị My tâm sự: "Năm nay, 8/3 hơi xa vời với chúng tôi, xa gia đình,… 2 năm nay từ ngày có dịch, tôi chưa có 1 ngày trọn vẹn cho gia đình. Bạn nhỏ phải gửi ông bà nội trông giúp, bạn lớn thì ở nhà tự học và tự làm việc nhà".